Rối loạn tâm thần do bóng cười, thuốc lắc

Liên Châu
Liên Châu
22/08/2022 04:02 GMT+7

Nghiện chất ở người trẻ, đặc biệt là vị thành niên, gây hệ lụy xấu tới sức khỏe tâm thần.

Từ bóng cười đến nghiện đa chất

Mới đây, Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân (BN) nữ 22 tuổi, nhập viện điều trị do hoang tưởng, rối loạn hành vi. Đây là lần thứ ba trong vòng hơn 1 năm qua, BN này phải nhập viện do tình trạng nghiện chất của mình.

Theo chia sẻ từ người nhà, BN đã hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia từ khi học cấp 3. Hơn 1 năm trước, BN bắt đầu sử dụng bóng cười. Thời gian đầu sử dụng, BN cảm thấy vui vẻ hơn nên tăng dần tần suất, lúc đầu chỉ dùng bóng cười, sau có dùng thêm MDMA (thuốc lắc), từ khoảng 3 - 4 lần/tháng đã tăng lên 2 - 3 lần/tuần. Sau thời gian sử dụng các chất trên, BN nghe thấy tiếng nói trong đầu, tiếng người khác chửi mắng. BN trở nên thường xuyên cáu gắt, đập phá đồ đạc, đêm hầu như không ngủ được và liên tục chửi mắng (đáp lại tiếng nói trong đầu). Do đó, gia đình đã đưa BN vào viện điều trị.

“Khí cười thuộc nhóm chất gây ảo giác có xu hướng gây tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin”, chuyên gia về điều trị nghiện chất cảnh báo

PHẠM HỮU

Lần nhập viện thứ nhất, BN được chẩn đoán rối loạn tâm thần - hành vi do sử dụng MDMA với ảo giác chiếm ưu thế. Sau khi ra viện lần đầu, do không tuân thủ điều trị, BN tiếp tục sử dụng cần sa, ketamine, hút bóng cười với tần suất 3 - 4 lần/tuần.

BN nhập viện lần 2 với chẩn đoán rối loạn tâm thần - hành vi do sử dụng đa chất (cần sa, ketamin, N2O) với hoang tưởng chiếm ưu thế. Sau khoảng 12 ngày điều trị tại bệnh viện và ổn định, BN được kê đơn điều trị ngoại trú nhưng tiếp tục không tuân thủ. Khoảng 2 tháng sau, BN tái sử dụng các chất nêu trên, xuất hiện rối loạn cảm xúc hành vi, hoang tưởng bị hại và bị theo dõi…

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, qua kết quả khám và xét nghiệm, BN được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng đa chất (cần sa, MDMA, ketamine) với hoang tưởng chiếm ưu thế. Sau 15 ngày điều trị, BN ổn định và được ra viện.

Sai lầm khi giải trí bằng chất gây nghiện

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, giai đoạn vị thành niên, lứa tuổi cấp 2 - 3, là giai đoạn mà cha mẹ, người chăm sóc cần đặc biệt quan tâm con em mình. Đây là giai đoạn bản lề, các em không chỉ học, tiếp thu kiến thức, mà còn muốn khám phá, trải nghiệm xã hội, tham gia nhiều hoạt động với bạn bè hơn, từ đó một số em đã tham gia sử dụng chất, trong đó có chất cấm như ma túy.

TS Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần, lưu ý: Hiện nay trẻ vị thành niên dùng thuốc lá khá nhiều; có những em sử dụng thuốc lắc MDMA, ma túy đá; gần đây phổ biến là sử dụng cần sa, hút bóng cười, và thậm chí sử dụng số lượng tương đối lớn. Bản thân bóng cười ngay sau khi hút vào sẽ tạo cảm giác sảng khoái, tác dụng này rất nhanh hết và gây tăng liều.

TS Thu Hà cho hay gần đây Viện Sức khỏe tâm thần có tiếp nhận một nữ BN trẻ đã sử dụng bóng cười trong thời gian khá dài, có những ngày BN hút bóng cười hết 7 triệu đồng. Tháng 6 vừa qua, các bác sĩ cũng tiếp nhận điều trị một BN nam mới 16 tuổi, chuẩn bị vào lớp 11. BN này đã sử dụng bóng cười, cần sa, ketamine từ khi còn học lớp 9.

Theo Th.S Bùi Văn Toàn, bác sĩ tâm lý của Viện Sức khỏe tâm thần, với những gia đình ít quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái, các bạn trẻ dễ cảm thấy bị bỏ rơi và có thể dẫn đến hành vi sử dụng chất. “Các gia đình cần có quan điểm rõ ràng với con, không chấp nhận hành vi sử dụng chất. Vị thành niên là giai đoạn hình thành nhân cách ở trẻ, do đó các gia đình cần lưu tâm để dự phòng cho con em tránh lạm dụng, nghiện chất”, Th.S Toàn lưu ý.

Chẩn đoán nghiện chất khi:

Thèm muốn mạnh mẽ, cảm thấy buộc phải dùng chất

Khó khăn kiểm soát thói quen sử dụng chất

Có trạng thái cai đặc hiệu khi ngừng hoặc giảm sử dụng chất

Sao nhãng các thú vui trước đây để dành thời gian sử dụng chất

Tiếp tục dùng chất mặc dù có bằng chứng rõ ràng về tác hại.

(Nguồn: Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai)

Điều trị càng sớm càng tốt

Nguyên tắc điều trị sử dụng chất là càng sớm càng tốt. Việc điều trị nên giải quyết tổng thể thay vì chỉ tập trung vào việc sử dụng chất của họ. Ví dụ, cần xác định và giải quyết các vấn đề nhạy cảm như bạo lực và lạm dụng trẻ em hoặc nguy cơ tự sát. Trẻ cần được hỗ trợ quan tâm để tránh sử dụng, tái nghiện sau khi điều trị.

Ngoài ra, các gia đình không nên coi việc sử dụng các chất gây nghiện như bóng cười là hình thức giải trí. Lưu ý, việc sử dụng các chất như bóng cười đều có thể tăng liều, gây nghiện.

Khi cần tư vấn, có thể liên lạc Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, số điện thoại: 024.35765344 - 0984104115; email: nimhvn@gmail.com.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.