Rối loạn trạm thu phí

13/05/2013 03:20 GMT+7

Dù đã khẳng định sẽ không có tình trạng phí chồng phí sau khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động đầu năm 2013, nhưng tới nay Bộ GTVT vẫn chưa chốt được thời điểm và phương án xử lý thỏa đáng các trạm thu phí bán quyền, dẫn đến các rắc rối liên quan trạm thu phí liên tục phát sinh, người dân, doanh nghiệp vẫn bức xúc vì phí chồng phí.

Mất an toàn vì phí chồng phí

Làm đường nào chỉ được thu trên đường đó, không thể có tình trạng anh làm BOT đường này rồi lại thu phí trên đường kia. Bộ cần sớm đưa ra phương án xử lý lại các trạm thu phí đặt nhầm chỗ để công bằng cho người dân

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, ngoài 19 trạm thu phí nộp ngân sách đã bị xóa bỏ, Bộ đang lên phương án xử lý 4 trạm chuyển giao quyền thu phí (tổng số tiền 1.099 tỉ đồng) cho nhà đầu tư (NĐT), gồm 3 trạm trên QL1 là Bàn Thạch (Phú Yên), Hoàng Mai (Thanh Hóa), Phù Đổng (Hà Nội) và trạm Bãi Cháy trên QL18. Trước đó, Bộ GTVT đưa ra phương án mua lại quyền thu phí, xóa bỏ trạm và dừng thu từ ngày 1.3 (chi phí mua lại theo tính toán gần 900 tỉ đồng), nhưng do ngân sách eo hẹp nên không được thực hiện.

Theo phương án mới nhất vừa được Bộ GTVT đưa ra, với trạm Hoàng Mai và Bàn Thạch, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc chuyển giao cho hai nhà đầu tư BOT. Riêng hai trạm Bãi Cháy, Phù Đổng thì các Bộ GTVT, Tài chính tiếp tục đàm phán với NĐT về phương án tài chính, nguồn vốn mua lại và thời điểm dừng thu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Nhưng sau 1 tháng bàn bạc, đàm phán, vẫn chưa thống nhất được về chi phí mua lại trạm nên dẫn tới những việc dở khóc, dở cười. NĐT không bán được trạm cho nhà nước nhưng thu phí thì bị DN vận tải, người dân phản ứng mạnh, nhiều DN vận tải đã không mua vé khi lưu thông. Cuối tháng 4.2013 vừa qua, một nữ nhân viên soát vé của trạm Bãi Cháy đã bị hành hung khi ngăn một xe không mua vé đi qua trạm. Trên thực tế, từ tháng 2.2013, Công ty An Sinh, đơn vị quản lý trạm Bãi Cháy, đã có công văn gửi Tổng cục Đường bộ VN, Bộ GTVT đề nghị sớm có phương án xử lý để chấm dứt tình trạng nhiều lái xe xếp hàng dài trước trạm thu phí phản đối gây mất an ninh trật tự, thậm chí xô đổ cả cột thu phí. Mới đây, ông Trịnh Quang Thông, Giám đốc chi nhánh Công ty An Sinh, đã phải viết đơn xin từ chức với lý do không thu đủ chỉ tiêu kinh doanh và không đủ khả năng… bảo vệ an toàn cho cấp dưới.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT (Đại học GTVT Hà Nội), những trạm trên đều sử dụng ngân sách để đầu tư (sau đó bán quyền thu phí cho NĐT có thời hạn) nên đúng ra khi bắt đầu thu phí bảo trì, Bộ GTVT phải có phương án xử lý để tạo công bằng cho người dân. Lái xe đóng phí bảo trì đường bộ rồi, việc đóng phí qua các trạm này nữa là bất hợp lý. Chưa kể, dự định chuyển 2 trạm bán quyền sang trạm BOT đang tiếp tục làm phình lên số lượng các trạm BOT trên cả nước.

Rối loạn trạm thu phí
Trạm thu phí số 2 trên QL5 được cho nhà đầu tư BOT sử dụng để thu phí hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Ảnh: Ngọc Thắng

Bài học cho Bộ GTVT

Dẫn lại câu chuyện trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) và trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa) là các trạm thu nộp ngân sách được chuyển thành trạm BOT, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho rằng: “Đáng lẽ NĐT phải làm trạm thu phí mới tại vị trí dự án nhưng không làm, mà được cho sử dụng luôn các trạm ngân sách cũ. Nghị định 18, Thông tư 197 đã yêu cầu phải xóa bỏ các trạm ngân sách, nay sử dụng để thu cho trạm BOT lại càng sai. Cái khó là Bộ đã cam kết với NĐT, bây giờ thương lượng lại rất khó, cũng không thể dùng quyết định hành chính để dẹp bỏ”, ông Thanh nói.

Tương tự, để “hỗ trợ nguồn kinh phí” xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi) cũng được chuyển giao hai trạm thu phí trên QL5 là trạm 1, trạm 2 (ngoài ra được giao thêm Trạm thu phí Tiên Cựu để hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng). Việc đặt trạm và thu phí bất hợp lý này đã khiến các DN vận tải tại khu vực Hải Phòng bức xúc. Theo Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, ngoài khoản phí bảo trì rất lớn phải nộp, mỗi năm các DN phải nộp phí tới gần 200 tỉ đồng khi qua 2 trạm 1, 2 trên QL5.

Không chỉ thế, Bộ GTVT cũng đang gặp rắc rối với trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài khi NĐT là Vietracimex không đồng ý phương án di chuyển và cho biết sẽ khởi kiện do Bộ dùng biện pháp hành chính để ép DN. Theo phương án của Bộ GTVT, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài sẽ dừng thu, di chuyển về QL2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, kết hợp cùng nhà đầu tư BOT QL2 tại đoạn này thu phí, mỗi NĐT thu một chiều. Tuy nhiên, Vietracimex không đồng ý vì cho rằng việc bị đóng cửa trạm thu phụ là Vĩnh Thanh và chuyển sang vị trí mới sẽ không đủ khả năng hoàn vốn… Đáng nói là việc Bộ đề ra mức thu phí tăng lên 2 lần (3 năm được điều chỉnh một lần) để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư lại tiếp tục đẩy khó cho người dân khi sẽ phải gánh mức phí rất cao.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, việc thu hút đầu tư BOT là cần thiết trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nhưng không thể vì muốn thu hút bằng được mà chấp nhận những điều kiện bất hợp lý, bất lợi cho người dân (như vị trí đặt trạm, mức thu cao). “Làm đường nào chỉ được thu trên đường đó, không thể có tình trạng anh làm BOT đường này rồi lại thu phí trên đường kia. Bộ cần sớm đưa ra phương án xử lý lại các trạm thu phí đặt nhầm chỗ để công bằng cho người dân”, ông Thanh nói. Còn theo ông Nguyễn Văn Thụ, những rắc rối trong việc xử lý lại các quyết định đặt trạm thu phí thiếu khoa học là bài học cho Bộ GTVT trong sắp xếp các trạm BOT dự án QL1 mở rộng tới đây, để không ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư BOT cũng như không đẩy khó về người dân.

Sẽ thêm nhiều trạm BOT

Theo Bộ GTVT, chỉ riêng QL1 sau năm 2015 khi dự án mở rộng hoàn thành sẽ có tới 21 trạm thu phí BOT đi vào hoạt động. Đáng nói, mức thu phí sẽ được áp dụng cho các trạm này rất cao, gấp 2 - 2,5 lần so với mức thu cơ bản hiện nay (3 năm được điều chỉnh một lần). Đây là lý do đại diện nhiều hiệp hội DN vận tải trên cả nước cho rằng Bộ GTVT cần tính toán, xem lại mức thu của Quỹ bảo trì đường bộ, xem xét bóc tách phần phí bảo trì trong quỹ để giảm bớt gánh nặng cho người dân, DN.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.