Dọc bờ tây sông Hàn, đường Bạch Đằng - con đường đẹp nhất TP.Đà Nẵng, có một không gian trưng bày các tác phẩm điêu khắc, bao gồm khoảng 200 bức tượng đá cho du khách thưởng lãm.
Cách sắp đặt lẫn lộn trông giống một khu trưng bày sản phẩm - Ảnh: Quốc Khải
|
Chưa bàn về chất lượng mỹ thuật của từng pho tượng thì toàn bộ chủ đề của vườn tượng này cho đến nay vẫn còn rối rắm, thiếu một ý tưởng chủ đạo.
Hiện diện qua 4 năm kể từ mùa lễ hội pháo hoa quốc tế đầu tiên, vườn tượng được bố trí như là một không gian triển lãm “mở” ở hai khu vực: trước Chi nhánh Kho bạc Nhà nước tại Đà Nẵng và trước cổng chợ Hàn. Vườn tượng có khoảng 200 bức tượng, là những tác phẩm được chế tác bởi các nghệ nhân của làng đá mỹ nghệ nổi tiếng Non Nước. Mỗi tác phẩm được trưng bày ở đây đều thể hiện một chủ đề riêng, vừa mang tính trừu tượng, vừa khắc họa một hình ảnh cụ thể: tượng người phụ nữ ba miền, tượng lân, sư, rồng, cá, chim…
Tuy nhiên, thay vì sắp xếp các bức tượng theo chủ đề hay phong cách nghệ thuật trong một không gian nhất định tương ứng với nội dung, ý nghĩa mà nó chuyển tải, các bức tượng ở đây “bày ra như hàng xén”, mà nếu nhìn tổng thể, người thưởng ngoạn không thể hiểu được thông điệp của vườn tượng này là gì. Điều đáng nói hơn là không gian trưng bày này thường xuyên thu hút một lượng lớn du khách đến thưởng lãm, chụp hình lưu niệm.
Anh Nguyễn Vũ (38 tuổi, du khách từ TP.HCM) cho biết: “Không gian trưng bày ở đây rất đẹp với nhiều bức tượng có giá trị thẩm mỹ cao, cả hiện đại và truyền thống, nhưng cách sắp xếp chưa hợp lý về mặt thẩm mỹ cho lắm. Đơn cử như bức tượng hai cô gái lại sắp xếp cạnh ba bức tượng Phúc, Lộc, Thọ, tôi nhìn hoài nhưng không hiểu ý nghĩa của nó là gì..?!”.
Không chỉ riêng anh Vũ, chị Dương Thục Vân (26 tuổi, du khách từ Hà Nội) cũng tỏ ra bối rối: “Những bức tượng này rất đẹp, các nghệ nhân chế tác vô cùng công phu, tinh xảo, nhưng nếu hỏi về chủ đề hay thông điệp của cả vườn tượng thì mình chịu, giá trị nghệ thuật về mặt tổng thể không được cao lắm”.
Nhà điêu khắc Phạm Hồng, nguyên Tổng thư ký Hội Mỹ thuật TP.Đà Nẵng cho biết: “Theo tôi, về tổng thể, giá trị thẩm mỹ của không gian trưng bày này không cao, thậm chí là gây chướng mắt, mang tính chất trưng bày sản phẩm nhiều hơn là việc sắp đặt nghệ thuật. Nhiều bạn bè tôi là họa sĩ, nhà điêu khắc cũng than phiền về vườn tượng này ”.
Ông Hồng đề xuất: “Thành phố nên sắp đặt lại một không gian riêng cho những bức tượng này, nên chia ra từng khu nhỏ phù hợp với phong cách thể hiện và nội dung nghệ thuật. Bên cạnh đó, trước khi thực hiện một không gian trưng bày mở, nếu có thể nên thành lập Hội đồng nghệ thuật để thẩm định, đánh giá”.
Họa sĩ Vũ Dương, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội mỹ thuật TP.Đà Nẵng, cho biết: “Đường Bạch Đằng là con đường “bộ mặt” của thành phố, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Do đó phải xem lại độ thẩm mỹ về cách trưng bày các tác phẩm nơi đây vì chưa đạt được hiệu quả cao dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều”.
Bàn về giải pháp ông Dương nói thêm: “Thành phố cần phải sắp xếp lại các tác phẩm theo một chủ đề và ý tưởng nhất định, nên tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, đồng thời xây dựng một khu triển lãm riêng biệt tập hợp được những tác phẩm tiêu biểu mà ở đó thể hiện được những nét đặc trưng trong sáng tác của các nghệ nhân thành phố.”
Bình luận (0)