Rối quản lý chiếu sáng, cây xanh trong khu dân cư

Đình Sơn
Đình Sơn
31/07/2020 06:29 GMT+7

Theo quy định, chủ đầu tư các dự án khu dân cư , khu đô thị, khi xong phần hạ tầng kỹ thuật như: đường, hệ thống điện nước, chiếu sáng, công viên phải bàn giao lại cho nhà nước quản lý và sử dụng.

Tuy nhiên, quy định này có nhiều bất cập khi nơi phải quản bị áp lực kinh phí, chủ đầu tư lại áp lực chất lượng dịch vụ...

Giao nhưng không nhận

Lãnh đạo Công ty bất động sản Trần Anh ở Long An than phiền, khi doanh nghiệp (DN) tiến hành bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) một dự án ở H.Bến Lức (tỉnh Long An) cho địa phương thì chính quyền không nhận với lý do không có kinh phí để chăm sóc, duy tu, bảo trì. Chính vì vậy, DN phải tự bỏ tiền ra vận hành, chi phí khoảng 250 triệu đồng/tháng. “Công ty dự kiến sẽ bỏ tiền ra hỗ trợ cư dân khoảng 1 năm, sau đó sẽ tổ chức họp để lấy ý kiến. Nếu cư dân đồng ý giữ lại để chăm sóc, vệ sinh được tốt hơn sẽ tiến hành thu phí. Còn ngược lại sẽ có văn bản kiến nghị bàn giao lại cho chính quyền địa phương”, vị này cho hay.

Xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, quy định bắt buộc phải bàn giao hệ thống HTKT của DN đầu tư cho nhà nước quản lý bộc lộ nhiều bất cập. Bởi tại nhiều dự án, nhất là những dự án cao cấp, nếu bàn giao lại cho nhà nước quản lý, bảo dưỡng, sử dụng sẽ không đạt chuẩn vì kinh phí thấp, kỹ thuật chăm sóc không tốt, từ đó ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sống của các cư dân, ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của chủ đầu tư. Nên có cơ chế khuyến khích, xã hội hóa, giao về cho DN nếu DN có nhu cầu, còn những khu tái định cư, nhà ở xã hội nhà nước phải ôm. Nên giao cho chủ đầu tư tự quyết việc bàn giao hay không và bàn giao phần nào, giữ lại phần nào để thực hiện cho tốt hơn, đảm bảo quyền lợi của người dân và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tại khu dân cư Lập Phúc (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM), hệ thống HTKT bao gồm điện đường chiếu sáng công cộng, hệ thống đường, thoát nước, điện, nước sạch đã bàn giao cho chính quyền địa phương nhưng đã mấy năm qua người dân phải tự quét dọn đường, tự chăm sóc cây xanh phía trước nhà. Do không có sự quản lý nên nhiều cây xanh đã bị chết, đốn hạ, đèn chiếu sáng bị hư hại nhưng không được thay thế. Khi người dân liên hệ chính quyền địa phương thì được biết việc quét dọn đường chỉ được công ty công ích làm ở những tuyến đường lớn. Ở những khu dân cư thì người dân phải tự thân vận động.
Để đảm bảo chất lượng dự án khi đi vào hoạt động, sau khi tiến hành bàn giao hệ thống HTKT cho nhà nước quản lý theo quy định, nhiều chủ đầu tư phải xin lại tự quản lý, duy tu, bảo dưỡng đối với hệ thống đường nội bộ, công viên cây xanh.
Trên thực tế, khi đầu tư một dự án bất động sản, DN còn phải đầu tư những hạng mục “không thuộc về mình”. Chẳng hạn, theo luật Điện lực 2004 thì việc đầu tư lưới điện đến đồng hồ căn hộ thuộc trách nhiệm và cũng là quyền lợi của công ty kinh doanh điện lực. Tuy nhiên, thực tế các dự án bất động sản đều phải đầu tư đấu nối từ lưới điện quốc gia ở cấp điện áp 15 - 22 kV vào trạm biến thế tại khu vực dự án, sau đó hoàn tất lưới điện ngầm hạ thế đến đồng hồ căn hộ. Hệ thống này khi hoàn thành sẽ bàn giao lại cho điện lực. Tương tự như vậy, hệ thống cấp nước, hệ thống chiếu sáng công cộng, DN cũng phải tự bỏ tiền túi ra làm sau đó bàn giao lại cho công ty cấp nước dù luật quy định các hạng mục này các đơn vị điện, nước phải đầu tư.

Nên có cả 2 phương án

Dù bỏ tiền ra làm và sau đó phải bàn giao miễn phí lại cho nhà nước quản lý, sử dụng, nhưng theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Phú Đông, không phải DN cứ bàn giao là nhà nước sẽ nhận bởi thực tế thủ tục bàn giao hệ thống HTKT lại cho nhà nước không hề đơn giản. Chính quyền phải rà soát lại xem đúng thiết kế không, được duyệt hay không, địa phương phải cân nhắc xem có kinh phí hoạt động không mới dám nhận. Bởi chi phí bảo trì, xử lý nước thải, chăm sóc cây xanh, quyét dọn đường… là dịch vụ công nên địa phương phải chi trả, trong khi nhiều nơi nguồn kinh phí này khá hạn hẹp. “Bàn giao HTKT sẽ gia tăng áp lực chi phí cho địa phương. Do đó, thông thường chủ đầu tư thường thương lượng với chính quyền địa phương, làm khu dân cư tự quản, tự bỏ tiền ra làm để chất lượng các dịch vụ đảm bảo, phục vụ đời sống cao cho cư dân. Dự án của công ty chúng tôi hiện nay cũng phải tự quản lý. Chi phí này đang thu của cư dân khoảng 700.000 đồng/tháng, không vì mục tiêu lợi nhuận. Thời gian tới công ty sẽ xin ý kiến cư dân, nếu đồng thuận sẽ công ty sẽ tiếp tục làm, không đồng thuận sẽ giao cho địa phương”, ông Phúc nói.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, kiến nghị nhà nước nên đưa ra 2 phương án để DN lựa chọn. Tùy mức độ và quy mô của dự án, chủ đầu tư mới quyết định tự quản lý hay bàn giao lại. Trường hợp có nhiều DN muốn quản lý phần cây xanh trong các dự án, họ tự chăm sóc để cây cối xanh tươi, còn nếu để cho nhà nước quản lý thì việc chăm sóc sẽ mất nhiều thời gian, kinh phí. Đối với các chung cư, chủ đầu tư có thể chăm sóc luôn cây xanh giống như việc chăm sóc khuôn viên nhà mình. Kinh phí không nhiều và có thể trích ra từ phí bảo trì chung cư. Còn quản lý toàn bộ hạ tầng thì DN không kham nổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.