Chứng chỉ quốc tế hay trong nước?
Nguyễn Hoàng Hải, tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM năm 2019 đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường với chứng chỉ TOEFL, nhưng khi đi xin việc tại một công ty phần mềm họ lại yêu cầu phải có chứng chỉ IELTS.
“Doanh nghiệp không chấp nhận chứng chỉ TOEFL của em. Họ cũng không có căn cứ nào để quy đổi chứng chỉ trên ra khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Quan trọng là em thấy hầu hết các doanh nghiệp hay nhiều cơ quan không sử dụng khung năng lực này mà chỉ yêu cầu các chứng chỉ quốc tế. Chính vì thế, em phải đăng ký đi học một khóa IELTS để thi lấy chứng chỉ nếu muốn vào làm việc tại công ty này”.
Nguyễn Thu Hương, tốt nghiệp ngành tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đi xin việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, Hương nộp chứng chỉ VNU-ETP với số điểm khá cao do ĐH Quốc gia TP.HCM cấp (chứng chỉ này được công nhận chuẩn đầu ra tại trường), nhưng phía doanh nghiệp lại không chấp nhận mà yêu cầu Hương phải có chứng chỉ IELTS. “Lý do là họ không biết đến chứng chỉ này. Em nộp hồ sơ mấy nơi, các doanh nghiệp đều yêu cầu chứng chỉ phổ biến hơn như IELTS, TOEIC”, Hương cho biết.
Theo Hải, hiện có sự rắc rối và không thống nhất trong việc sử dụng các loại chứng chỉ trên ở các đơn vị sử dụng lao động, không chỉ vậy còn có sự khác nhau và vênh nhau về yêu cầu tiếng Anh giữa chuẩn đầu ra của trường ĐH với đầu vào của doanh nghiệp, nên ứng viên chính là người chịu thiệt thòi.
“Nếu đã đặt ra khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam thì nên có quy định cụ thể rõ ràng mỗi loại chứng chỉ quốc tế tương ứng mức điểm số bao nhiêu thì rơi vào bậc nào của khung năng lực 6 bậc, khi có quy định rồi thì các doanh nghiệp dù yêu cầu chứng chỉ quốc tế như thế nào thì cũng nên căn cứ vào khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam để tham chiếu thì mới có sự thống nhất”, Hải đề xuất.
Sự việc mới đây về một số giáo viên nước ngoài dù có nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giảng dạy tại Việt Nam mà một trong những lý do chưa có sự quy đổi, thống nhất giữa quy định chứng chỉ trong nước và quốc tế là thêm một minh chứng cho câu chuyện này.
|
Thiếu nhất quán giữa các khung năng lực ngoại ngữ
Ông Nguyễn Minh Trí, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn nhận: “Hiện đang có sự thiếu nhất quán giữa khái niệm khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo chuẩn chung châu Âu (CEFR - Common European Framework for Reference) và khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam khiến người học bị bối rối về bậc ngôn ngữ giữa 2 khung này. Ví dụ, điểm IELTS 6,5 theo chuẩn quốc tế là B2 bậc 4. Trên chứng chỉ cũng có ghi rõ B2 nhưng Việt Nam lại quy đổi thành C1 bậc 5 của người Việt”.
Hiện đang có sự thiếu nhất quán giữa khái niệm khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo chuẩn chung châu Âu và khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam khiến người học bị bối rối về bậc ngôn ngữ giữa 2 khung nàyÔng Nguyễn Minh Trí - giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành |
Ông Trí nhận định: “Việc không có quy định cụ thể về các thang quy đổi cũng gây khó khăn cho người lao động. Ứng viên sẽ dễ bị nhầm lẫn và khi chuẩn bị hồ sơ, ứng tuyển không đáp ứng chính xác yêu cầu của nhà tuyển dụng, làm mất thời gian của cả hai bên”.
Ngoài ra, theo ông Trí, còn có tình trạng một số chứng chỉ chưa được phổ biến rộng rãi nhưng được quy đổi và công nhận tương đương ở một số trường. Chẳng hạn kỳ thi APTIS của Hội đồng Anh hay VNU-EPT của ĐH Quốc gia TP.HCM. Điều này dẫn đến thực trạng trường công nhận chứng chỉ nhưng doanh nghiệp không công nhận khiến người học phải bổ sung một chứng chỉ khác nếu muốn được tuyển dụng. Trường hợp của Nguyễn Thu Hương đã nêu ở trên là một ví dụ cho trường hợp này.
Theo ông Nguyễn Duy, giảng viên tiếng Anh thỉnh giảng Trường ĐH Văn Lang, đồng thời là giáo viên tại Trung tâm Anh ngữ The Language Academy, hiện tại ở Việt Nam có 4 loại chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được công nhận rộng rãi nhất là IELTS, TOEFL, TOEIC và các chứng chỉ của Cambridge (FCE, CAE, CPE). Các trường đặt chuẩn đầu ra phổ biến nhất là TOEIC đối với các ngành không phải ngôn ngữ, và IELTS với các bạn học ngôn ngữ Anh/sư phạm tiếng Anh.
“Học viên học tại trung tâm tôi dạy thường gặp phải các vấn đề về chứng chỉ khi đi xin việc. Chẳng hạn hầu hết các trường yêu cầu chuẩn đầu ra đối với tiếng Anh là tính theo điểm TOEIC, nhưng cách dạy và luyện thi chứng chỉ này ở một số nơi chưa đảm bảo được việc phát triển kỹ năng nên xảy ra nhiều trường hợp đáp ứng được chuẩn đầu ra của trường nhưng khi đi làm vẫn gặp nhiều trở ngại khi phải sử dụng tiếng Anh. Bên cạnh đó, tiếng Anh mà doanh nghiệp yêu cầu thường khác với tiếng Anh học ở trường, vì mỗi công việc, mỗi doanh nghiệp lại có một mục tiêu sử dụng tiếng Anh riêng, do đó thường đòi hỏi chứng chỉ tiếng Anh khác với chứng chỉ mà các em đã đạt được ở trường ĐH, CĐ. Rất nhiều trường hợp sau khi đi làm rồi vẫn phải đi học tiếng Anh lại từ đầu”, ông Nguyễn Duy chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy cũng băn khoăn nếu như khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam chưa thực sự tương thích với khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) thì sẽ gây nhầm lẫn hay tranh cãi. Chẳng hạn sinh viên ngôn ngữ Anh được yêu cầu đạt chuẩn C1 sau khi hoàn thành chương trình học, thì chuẩn C1 này sẽ được tính theo CEFR hay theo khung 6 bậc của Việt Nam? (còn tiếp)
Ý kiến
Cần sớm có hướng dẫn cụ thể
Việc quy đổi điểm IELTS sang khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là rất cần thiết vì IELTS được chấp nhận rộng rãi trên thế giới và ở nhiều trường học, cơ quan nước ta. Tôi mong Bộ GD-ĐT cần sớm có hướng dẫn, đồng thời thống nhất với cả các chứng chỉ khác nhằm tránh sự nhập nhằng, chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi cho người học và người lao động.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu
Giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM Càng quy định cụ thể, càng dễ thực hiện
Khái niệm “tương đương” trong chứng chỉ đào tạo ngoại ngữ rất khó thực hiện nếu không có hướng dẫn. “Khái niệm này rất chung và Bộ GD-ĐT cần hướng dẫn rõ những chứng chỉ nào về giảng dạy ngoại ngữ được xem là phù hợp và do đơn vị nào cấp thì được hiểu là phù hợp. Ví dụ, chứng chỉ TESOL về giảng dạy tiếng Anh hiện có rất nhiều đơn vị trong nước dạy như Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn nhưng cũng có nhiều đơn vị liên kết nước ngoài để đào tạo cấp chứng chỉ.
Trong khi đó, người học lại không biết rõ chứng chỉ đó do đơn vị đó cấp có được Bộ công nhận hay chưa. Song song đó còn nhiều chứng chỉ về giảng dạy tiếng Anh như TKT, CELTA, DELTA... hiện chưa thấy Bộ hướng dẫn là có đủ năng lực để dạy tiếng Anh ở Việt Nam hay không. Quy định nên càng cụ thể càng dễ làm”.
Ông Nguyễn Minh Trí
Giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành |
Bình luận (0)