Theo báo cáo từ Hội thảo về vật liệu sinh học bền vững (RSB) dưới sự hỗ trợ của Boeing, trữ lượng nguyên liệu thô sinh học ở Đông Nam Á có khả năng cung cấp khoảng 12% nhu cầu nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) toàn cầu, nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Báo cáo dựa trên kết quả đánh giá về lượng nguyên liệu thô tại 11 quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, trữ lượng nguyên liệu thô sinh học ở khu vực này có thể sản xuất khoảng 45,7 triệu tấn nhiên liệu SAF mỗi năm đến năm 2050.
Bên cạnh đó, trữ lượng nguyên liệu thô tiềm năng được tìm thấy từ chất thải tiêu dùng và chất thải nông nghiệp chiếm khoảng 75% lượng nhiên liệu sản xuất SAF, trong đó có củ sắn (khoai mì), cây mía và chất thải rắn đô thị.
So với các phế phẩm nông nghiệp khác thì trấu và rơm là hai nguyên liệu thô chủ chốt dùng để sản xuất SAF trong khu vực. Tổng lượng nguyên liệu thô của Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, và Philippines đóng góp khoảng 90% nguồn nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất nhiên liệu SAF phục vụ toàn khu vực.
Nghiên cứu của RSB không chỉ tập trung đánh giá về tiềm năng trữ lượng nguyên liệu thô ở Đông Nam Á mà còn đi sâu xem xét tác động của nạn phá rừng, nguồn nước và an ninh lương thực, nhằm đánh giá tính bền vững về mặt môi trường và xã hội. Những kết quả này có thể hỗ trợ định hình nguồn cung nguyên liệu thô cho SAF trong tương lai, gồm cả việc khám phá và tận dụng những phế liệu khác trong nông nghiệp và công nghiệp.
Nhiên liệu SAF không pha trộn hoặc nhiên liệu SAF "sạch" được sản xuất hoàn toàn không chứa nhiên liệu hóa thạch, đem lại tiềm năng lớn nhất trong công tác cắt giảm khí thải carbon cho ngành hàng không trong vòng 30 năm tới, giảm lượng phát thải carbon lên đến 84% trong suốt vòng đời nhiên liệu. Năm 2023, SAF chỉ chiếm 0,2% lượng nhiên liệu hàng không được sử dụng trong các hoạt động thương mại toàn cầu.
Boeing đang tích cực phối hợp với các địa phương nhằm mở rộng quy mô sản xuất SAF trên toàn cầu, thông qua những lộ trình cụ thể cho từng quốc gia và khu vực, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đối tác địa phương và chính phủ để nghiên cứu nguồn nguyên liệu thô.
Hoạt động của Boeing tại hơn 12 quốc gia trên khắp thế giới, bao gồm Úc, New Zealand và Nhật Bản, cho thấy nỗ lực của tập đoàn trong việc đóng góp vào Chương trình Hỗ trợ, xây dựng năng lực và đào tạo về nhiên liệu hàng không bền vững SAF (ACT-SAF) của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Boeing đã hợp tác với các bên liên quan tại Đông Nam Á trong hơn 75 năm qua nhằm hỗ trợ xây dựng năng lực hàng không vũ trụ và quốc phòng tại khu vực này. Hiện Boeing có văn phòng tại Singapore, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Philippines.
Bình luận (0)