Ngày 27.8, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo "Tham vấn về tiếp cận tài chính trong chuỗi giá trị Lúa gạo phát thải thấp tại Việt Nam". Theo các chuyên gia, rơm rạ cũng là nguồn thu quan trọng trong quy trình sản xuất mới.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nêu vấn đề: Tại Việt Nam, sản xuất lúa gạo đã đạt ngưỡng về nhiều mặt từ khai thác tài nguyên, năng suất, chất lượng và thậm chí cả vấn đề giá cả, lợi nhuận. Chính vì vậy, nhu cầu phát triển đòi hỏi cần phải chuyển đổi mô hình sang một hướng đi mới phù hợp với xu hướng thị trường. Trong bối cảnh đó, Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp ra đời, thay đổi căn bản quy trình sản xuất truyền thống theo hướng hiện đại và thân thiện với môi trường. Theo tính toán, ngay việc đơn giản là mang rơm rạ ra khỏi đồng ruộng và bán theo giá thị trường hiện nay thì nguồn thu cũng lên đến 2.000 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang hướng mới cần nhiều nguồn lực để thay đổi hạ tầng.
Ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện IRRI, nhấn mạnh: Từ mô hình thí điểm ở Việt Nam này, nếu thành công có thể nhân rộng ra toàn thế giới để hướng đến việc xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững, nông dân giàu có hơn.
TS Trần Đại Nghĩa, Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn - IPSARD) cho biết: Nhu cầu tài chính cho công tác giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam rất lớn, riêng trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và sử dụng đất đang thiếu hụt khoảng 10 - 31 lần so với nhu cầu. Đối với Đề án 1 triệu ha, nhu cầu vốn đến năm 2030 cần đến 2,1 tỉ USD để áp dụng các quy trình sản xuất mới. Đây cũng là thách thức lớn với việc triển khai thực hiện đề án.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, khó khăn hiện nay là nông dân và hợp tác xã quy mô nhỏ nên thiếu vốn sản xuất trong khi đó các mô hình tín dụng truyền thống ít phù hợp. Chính vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó cần có chương trình tín dụng cho sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. Ngoài ra, cần nghiên cứu triển khai mô hình chuỗi giá trị tài chính là mô hình cho vay liên kết giữa 3 bên gồm ngân hàng - doanh nghiệp đầu mối chuỗi liên kết và hợp tác xã.
Bình luận (0)