Ngày 16.7 tại H.Tân Hiệp, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khởi động Đề án "Một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" trên địa bàn.
Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất cả nước, mỗi năm sản lượng lúa của tỉnh đạt trên dưới 4,5 triệu tấn. Quy mô diện tích đăng ký tham gia Đề án "Một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" của Kiên Giang là 200.000 ha, được chia thành 2 giai đoạn.
Sẽ có 12 huyện, thành phố của tỉnh Kiên Giang triển khai đề án với tổng kinh phí thực hiện hơn 596 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn tư nhân.
Theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, các hạng mục đầu tư chính của đề án tại tỉnh gồm: nâng cấp hệ thống tưới tiêu, cải thiện hệ thống giao thông, hỗ trợ cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị lúa gạo, hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số, cơ giới hóa đồng bộ...
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN - PTNT cho biết thêm: "Hiệu quả chung của đề án là nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%. Hiệu quả xã hội là 1 triệu hộ nông dân được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững. Hiệu quả môi trường là góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính (giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính)".
Ngoài ra, đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa. Cùng với đó là bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Bình luận (0)