Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính
Theo Bộ NN-PTNT, ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam, với sản lượng lúa ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, chiếm trên 55% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Sản xuất lúa gạo góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu hộ nông dân. Tuy đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất lúa tiên tiến, thân thiện với môi trường đã được áp dụng, song ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế… Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" được phê duyệt sẽ triển khai tại 12/13 tỉnh, thành ĐBSCL (ngoại trừ Bến Tre).
Theo đó sẽ thực hiện vùng chuyên canh lúa gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Mục tiêu đến 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 ha. 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỉ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích; trên 200.000 hộ dân áp dụng quy trình canh tác bền vững; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.
Vì một ngành hàng gạo "minh bạch, trách nhiệm, bền vững"
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, bên cạnh các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, Đề án hướng tới việc chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa giống, chuẩn hóa quy trình canh tác, chuẩn hóa công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, chuẩn hóa mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Từ tăng trưởng đơn giá trị, lấy giá cả hạt gạo làm mục tiêu, Đề án đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi ngành hàng.
"Khắc phục tính phân mảnh, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL, Đề án xác định yêu cầu tiên quyết là: "chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo", thông qua việc hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, cập nhật tri thức, kỹ năng cho nông dân, nâng cao năng lực quản trị, khả năng hợp tác của những tổ chức nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp. Đề án phác thảo "bức tranh" phát triển tổng thể hơn, bao trùm hơn. Đề án mong muốn tạo dựng hình ảnh một ngành hàng lúa gạo "minh bạch, trách nhiệm, bền vững", ông Hoan nhấn mạnh.
Niềm tự hào lớn về hạt gạo Việt Nam
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết: "Chưa bao giờ chúng ta nhắc đến hạt gạo của Việt Nam với niềm vui và một sự tự hào lớn lao như vậy. Không chỉ về sản lượng, về kim ngạch xuất khẩu mà giá trị nâng lên một bậc chưa từng có trước đây. Vị thế của Việt Nam đã tăng rất cao, bởi chúng ta không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho mình mà còn đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới… Hôm nay chúng ta bàn câu chuyện về hạt gạo với tư duy mới, cách làm mới, bởi lẽ xu thế mới và yêu cầu mới nó đòi hỏi chúng ta phải làm. Đề nghị Bộ NN-PTNT hoàn chỉnh lại đề án để sớm ban hành trong tháng 2.2024".
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" là một cuộc "chơi lớn" và có 4 khó khăn cần thực hiện. Trong đó cái khó hơn là phải thay đổi thói quen của tất cả mọi người trong ứng xử với đề án, bởi không đơn giản để triển khai các bộ tiêu chí trong Đề án. Những khó khăn khác của Đề án là diện tích triển khai lớn, tác động của thị trường và khó về thống nhất lợi ích.
Phó thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp phải lưu ý: "Hết lòng - tuân thủ - linh hoạt - hợp tác và kiểm soát". Các cấp, các địa phương và doanh nghiệp phải hết lòng trong thực hiện Đề án để từng bước thúc đẩy từng nông dân hết lòng theo. Đồng thời, "tuân thủ" kế hoạch, nguyên tắc, chất lượng tiêu chuẩn của đề án; phải "linh hoạt" ứng xử vì thị trường luôn biến động, linh hoạt ở từng vùng, từng địa phương; phải "hợp tác" và phải "kiểm soát" để không lệch chuẩn, lệch hướng trong thực hiện đề án.
Bình luận (0)