Rộn ràng đạp xe

25/09/2022 04:02 GMT+7

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên cả thể chất lẫn tinh thần, người dân nói chung đã quan tâm hơn đến việc tập luyện thể dục thể thao nhằm tăng cường sức khỏe, nhất là với các hình thức vận động ít tốn kém như chạy bộ, đạp xe…

Hiện đã có nhiều hội nhóm đạp xe được hình thành với những tiêu chí hoạt động và sinh hoạt đa dạng, tuy mỗi nhóm đều có nét độc đáo riêng nhưng tất cả đều tập trung vào mục tiêu chính là “Đạp xe vì sức khỏe”. Có những nhóm được thành lập với các quản trị viên giàu tâm huyết, có năng lực thật sự cùng tính kỷ luật cao nên đạt hiệu quả lớn về sức khỏe cho mỗi cá nhân lẫn các thành viên trong nhóm.

Đạp xe 6 tháng, giảm 20 kg

Người cao tuổi đạp xe tập thể dục quanh chung cư

Chu Tuấn Huy

Ông Hồ Đắc Anh Khoa (43 tuổi), trưởng một nhóm đạp xe ở TP.HCM, chia sẻ: “Xe đạp không chỉ được nhiều người chọn sử dụng để đi lại mà còn được dùng để rèn luyện sức khỏe hằng ngày. Bản thân tôi nhờ đạp xe thường xuyên suốt 6 tháng qua mà đã đạt được một kết quả rất cụ thể là giảm đến 20 kg (từ 103 kg xuống còn 83 kg) trong khi vẫn ăn uống bình thường, không ăn kiêng. Đạp xe đều đặn mỗi ngày còn làm cho cơ bắp chúng ta thêm săn chắc, tăng cường sức khỏe tim mạch, tốt cho khớp gối, tránh được bệnh đau lưng ở người già và các bệnh vặt khác”.

Thêm niềm vui nhờ đạp xe

Bà Bích Hồng (56 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) khi mới nghỉ hưu có chút hẫng hụt và buồn rầu vì chưa quen với nhịp sống mới. Vài tuần sau, bà Hồng cũng có được “lối ra” nhờ người láng giềng gợi ý “thử tìm một môn thể dục nào để tự tập một mình trước cũng được”.

Thế là bà Hồng lấy chiếc xe đạp mini của đứa cháu lâu ngày không dùng đem ra tiệm tân trang và hôm sau tự đạp xe vòng quanh chung cư mình ở. Bà Hồng nói: “Lượng sức mình, tôi chưa thể bắt nhịp tham gia ngay những buổi tập có đông người và nhiều động tác khó nhớ. Lúc đó, tôi cứ một mình đạp xe đến công viên gần nhất để tập với các dụng cụ có sẵn”.

Hôm nào dụng cụ bà Hồng thường tập có người khác đến trước đang dùng, bà chịu khó đạp xe qua một công viên xa hơn để tập. Lui tới giữa các công viên gần đó, cuối cùng bà cũng thỏa mãn vì vừa được thúc đẩy đạp xe với cự ly dài hơn trước, vừa có thêm nhiều dụng cụ tập phù hợp hơn. Lâu dần cũng quen, bà còn dùng xe đạp để đi chợ, rồi tự đạp ra phố xa hơn mua sắm vật dụng. Từ đó, chỉ với chiếc xe đạp mini đã giúp bà Hồng thêm khỏe mạnh, thêm niềm vui và tự tin trong cuộc sống.

Ông Hồ Đắc Anh Khoa (bìa trái) và ông Phạm Duy Long (bìa phải) cùng nhóm đạp xe cự ly 20 - 55 km mỗi ngày

Bí quyết đạp xe cho người mới bắt đầu

Để đạp xe đúng cách và thuận tiện, ông Phạm Duy Long, phó một nhóm đạp xe ở TP.HCM, chia sẻ bí quyết: Bạn nên chọn giờ xuất phát vào sáng sớm vì không khí lúc đó trong lành, quần áo mặc chỉ cần sao cho thoải mái, không nên quá chật hoặc quá rộng và khi đạp xe cần nhấn bàn đạp nơi tiếp giáp các ngón chân với bàn chân.

Ông Long lưu ý thêm: Đối với các bạn muốn “nâng cấp” từ đạp xe đơn giản (với cự ly dưới 10 km) qua quãng đường dài hơn thì nên tham khảo kinh nghiệm của các hướng dẫn viên để phân phối sức hợp lý, tránh những chấn thương đáng tiếc. Lúc khởi động, nên đạp xe chậm thư giãn rồi tăng dần tốc độ lên để điều chỉnh nhịp thở ổn định.

Đại diện một nhóm đạp xe bày tỏ, bên cạnh các nhóm hoạt động hiệu quả, thực tế vẫn còn một số nhóm đạp xe đang hoạt động không tốt khi mang danh đạp xe rèn luyện sức khỏe nhưng lại không có biện pháp ngăn chặn thành viên của mình vượt đèn đỏ, chạy vào làn ô tô, lạng lách trên đường phố… Những hành vi này gây nhiều nguy hiểm cho bản thân họ và cộng đồng. Do đó, mọi người khi rèn luyện sức khỏe cần luôn nhớ rằng hoạt động của mình phải bảo đảm an toàn và thực hiện đúng quy định pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.