Rộn ràng mùa đáy cá linh

21/09/2012 12:30 GMT+7

Hằng năm, khi nước lũ từ phía thượng nguồn Campuchia đổ mạnh về Châu Đốc, những người làm nghề đóng đáy ở An Giang lại quần tụ về ngã ba Dung Thăng (xã Vĩnh Hội Đông, H. An Phú) để khai thác cá linh đầu mùa.


Đổ đáy cá linh ở đầu nguồn sông Hậu - Ảnh: Trường An

Mùa lũ năm nay, ông Sến đóng đến 3 miệng đáy, mỗi miệng có chiều dài khoảng chục mét. Ông gắn 12 thùng phuy giàn hàng ngang và cắm 5 chiếc neo sắt kiên cố dưới lòng sông để giữ chặt luồng đáy chống chịu với sức chảy của nước lũ. Ngoài ra, ông Sến còn thuê 10 nhân công và 5 chiếc xuồng túc trực canh đổ đáy ngày đêm. Chỉ tay về giàn đáy đầu tiên, ông Sến nói: “Đầu tháng 5, tôi trúng thầu luồng đáy 300 triệu đồng. Đến tháng 7, tôi chọn ngày tốt bắt đầu xuống đáy để hứng cá linh đầu mùa. Mặc dù nước lũ năm nay lên chậm, nhưng luồng đáy của tôi chạy mỗi ngày khoảng 300 kg cá linh. Thời điểm này, cá linh lớn bằng ngón tay, bạn hàng cân với giá 15.000-20.000 đồng/kg”. Cũng theo lời ông Sến, năm nay phía nước bạn Campuchia cho xả lô nên lượng cá linh trôi dạt về hạ nguồn cũng khá. Tuy nhiên, mới đầu mùa lũ nên chưa thể nói trước được điều gì. “Nghề đóng đáy trên sông khá bấp bênh. Năm nào cá chạy mạnh thì kiếm ăn được còn năm nào cá, tôm chạy yếu thì xem như… đói. Cũng có năm thu hoạch cá xong mùa lũ, chúng tôi phủi tay lỗ trắng, bởi cá chạy rất ít không đủ chi phí trả tiền công cho anh em thức canh đổ đáy.

Bình quân mỗi tháng, tôi phải trả tiền nhân công lên đến 30 triệu đồng cho 10 người”, ông Sến giải thích. Cái nghề đóng đáy trên sông, anh em thường nói vui với nhau là nghề “đâm hà bá”, suốt ngày cứ làm việc lầm lũi trên sông. Ngoài ra, khi làm nghề này, mọi người còn phải hết sức kỹ lưỡng đến từng lời ăn tiếng nói. Khi quan sát thấy tại đầu giàn đáy có đặt một thanh tre giống bàn thiên trước nhà, chúng tôi thắc mắc thì những người đổ đáy giải thích đó là cây xôm dùng để thắp hương khấn vái “bà cậu” độ cho làm ăn suôn sẻ, cá chạy đầy xuồng. Anh Nguyễn Văn Chí, người làm thuê cho ông Sến, nói: “Làm nghề sông nước, dân trong nghề tin tưởng “bà cậu” dữ lắm! Vào những ngày cá ra như mùng 10 tháng 9 và con nước 25 tháng 10 âm lịch, mỗi ngày miệng đáy hứng trên 1 tấn cá linh. Lúc này, anh em đổ đáy không kịp nghỉ tay. Cách khoảng 1 tiếng đồng hồ là đổ một lần. Cá trúng chạy vài đêm là lấy vốn ngay. Khi lấy được vốn, người chủ luồng đáy phải khấn vái, cầu nguyện và cúng “bà cậu” nguyên con heo tại đầu miệng đáy. Đây được xem là “thủ tục” không
thể thiếu trong nghề đóng đáy nhằm thể hiện sự biết ơn “thần sông” đã cho nguồn sinh lợi”.

Mùa đáy cá linh trên sông Hậu còn khá dài. Nhiều người dự đoán năm nay lũ nhỏ hơn mọi năm nên lượng cá tôm theo lũ về đồng bằng sẽ ít hơn. Tuy nhiên, hiện nay do mực nước lũ thấp, cá linh chủ yếu quanh quẩn dưới lòng sông, chưa lên đồng sinh sôi nên những người đóng đáy cá linh trúng mùa. Tuy nhiên, theo những người có nhiều kinh nghiệm trong nghề đánh bắt cá ở đầu nguồn sông Hậu, thì việc dân đóng đáy trúng cá linh đầu mùa không đồng nghĩa với việc năm nay cá tôm mùa lũ sẽ nhiều hơn. “Nếu con nước 30 tháng 8 âm lịch không “nhảy” thì lượng cá, tôm mùa lũ này sẽ giảm mạnh”, một ngư dân quả quyết.

Trường An

>> Nhộn nhịp mùa cá linh
>> Mùa cá linh già

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.