Rộng mở thị trường xuất khẩu phim Việt

02/06/2017 10:00 GMT+7

Kịch bản phim Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn, nhà sản xuất Charlie Nguyễn) vừa được nhà sản xuất nước ngoài đặt vấn đề mua bản quyền, một việc chưa từng có tiền lệ trong thị trường xuất khẩu phim Việt.

Phát hành phim ra thị trường nước ngoài
Một cách tình cờ, cách đây 10 năm, Dòng máu anh hùng - bộ phim tạo nên dấu ấn tên tuổi của Charlie Nguyễn với thị trường điện ảnh VN sau khi anh quyết định từ Mỹ trở về quê nhà, đã trở thành bộ phim VN hiếm hoi trong thời điểm đó được nhà phát hành nước ngoài là The Weinstein Company (Mỹ) mua bản quyền để phân phối tại khu vực Bắc Mỹ và 5 vùng lãnh thổ nói tiếng Anh. Bộ phim được phát hành chủ yếu dưới dạng DVD. Một năm sau đó, Bẫy rồng của đạo diễn Lê Thanh Sơn, Charlie Nguyễn tham gia sản xuất, sau khi ra mắt khán giả cũng được một công ty phát hành tại Mỹ mua bản quyền và phát sóng trên một số kênh truyền hình của Pháp, Úc, Anh... Năm 2012, Bẫy rồng là phim VN đầu tiên được phát sóng trên kênh truyền hình nổi tiếng Star Movies khu vực châu Á.
Ngoài ra, có thể nhắc đến một số thương vụ mua bản quyền phân phối giữa các nhà phát hành lớn của thế giới và nhà sản xuất trong nước như: Fortissimo Films mua Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ); Grindstone Entertainment Group và Lionsgate mua Lửa Phật (đạo diễn Dustin Nguyễn).
Trước đây, hầu hết các bộ phim VN tại thị trường nước ngoài được phát hành dưới dạng DVD, một số ít trên kênh truyền hình hoặc tại rạp chiếu trong phạm vi hẹp nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu phim Việt đã có nhiều tín hiệu mới, một số phim được mua bản quyền phát hành thương mại có thể kể đến như Ngủ với hồn ma (đạo diễn Bá Vũ) ra rạp tại Campuchia, Malaysia, Indonesia, Singapore. Hay bộ phim Cha và con và… của đạo diễn Phan Đăng Di được hãng phát hành phim nghệ thuật hàng đầu của Pháp là Memento Films mua bản quyền và trở thành bộ phim VN đầu tiên được phát hành thương mại tại hệ thống rạp chiếu của Pháp. Đạo diễn Phan Đăng Di không nắm rõ con số doanh thu của bộ phim khi phát hành tại nước ngoài bởi việc này do nhà phát hành quản lý. Tuy nhiên, theo anh, con số là khả quan bởi Cha và con và... được chiếu tại khoảng 400 rạp ở nhiều thành phố lớn của Pháp, phim bán được khoảng 50.000 vé, và trụ rạp trong suốt 3 tháng.
Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân trong phim Bẫy rồng Ảnh: ĐPCC
Lần đầu xuất khẩu kịch bản
Bộ phim Em chưa 18 không chỉ vượt mặt “bom tấn” Hollywood Kong: Skull Island để trở thành bộ phim có doanh thu lớn nhất từ trước đến nay tại thị trường VN (170 tỉ đồng), mà còn là bộ phim Việt đầu tiên được nhiều nhà sản xuất nước ngoài ngỏ ý muốn mua bản quyền kịch bản để làm lại (remake).
Nhà sản xuất Em chưa 18 Charlie Nguyễn cho biết một người Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh sau khi xem phim đã giới thiệu phim cho nhà sản xuất. “Sau đó phía nhà sản xuất bên Hàn đã liên lạc với chúng tôi. Hiện tại, hai bên đang trao đổi về cách hợp tác remake bộ phim”, Charlie Nguyễn cho biết. Ngoài ra, bộ phim cũng được các nhà sản xuất Trung Quốc, Ấn Độ chú ý và đang thương thảo để mua bản quyền làm lại. “Với thông tin về việc doanh thu phim Em chưa 18 đã vượt qua doanh thu phim Kong: Skull Island của Mỹ tại thị trường VN, hẳn nhiên đó chính là tin vui lớn nhất trong giai đoạn phát triển này của phim Việt, nếu xét đơn thuần về mặt thị trường của ngành công nghiệp điện ảnh Việt còn khá non trẻ. Bên cạnh đó, nếu thực sự các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều đang đặt vấn đề mua bản quyền kịch bản phim này để làm lại như thông tin hiện có, rõ ràng phim Việt đang chuyển mình đủ mạnh để bước sang giai đoạn mới, bằng đột phá mở đường kiểu này. Bởi lẽ, trước giờ thì hầu như điện ảnh Việt chỉ có thể làm phim dạng remake từ các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển hơn mình, chưa hoặc không có chiều hướng tương tác ngược lại”, ông Châu Quang Phước, chuyên gia truyền thông phim, nhận định.
Đạo diễn Lê Thanh Sơn cùng với nhà sản xuất Charlie Nguyễn và Trần Khánh Hoành đã chắp bút kịch bản cho Em chưa 18. Ngay chính Lê Thanh Sơn cũng hoàn toàn bất ngờ khi biết kịch bản bộ phim được nhà sản xuất nước ngoài mua lại. Về lý do vì sao Em chưa 18 lại có thể hấp dẫn nhà sản xuất nước ngoài như vậy, đạo diễn Lê Thanh Sơn cho rằng: “Có thể các nhà sản xuất đã cảm nhận được “làn gió mới” trong câu chuyện của bộ phim, bên cạnh đó muốn có sự hợp tác qua lại khi nhận thấy tiềm năng của thị trường điện ảnh VN”.
Cảnh trong phim Cha và con và… Ảnh: ĐPCC
Làm phim truyền hình đạt chuẩn để xuất khẩu
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình VN, cho biết sau nhiều dự án hợp tác làm phim với Hàn Quốc, Nhật Bản... trung tâm muốn tiến tới việc xuất khẩu phim ra thị trường châu Á. “Chúng tôi thực hiện bộ phim Người phán xử với quyết tâm đạt chuẩn về kỹ thuật hình ảnh, âm thanh so với khu vực để có thể xuất khẩu”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói. Hiện nay, trung tâm vẫn đang tìm kiếm đối tác, thị trường phù hợp để bán bộ phim này. Năm 2016, bộ phim Nghiêng nghiêng dòng nước (đạo diễn Nam Quan), Trả giá (Đinh Đức Liêm), Sương khói đồng hoang (Nguyễn Dương) được phát sóng trên kênh truyền hình của Myanmar... Trước đó, cũng đã có không ít phim truyền hình Việt được phát sóng trên kênh truyền hình của nhiều nước ở châu Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.