Rớt đại học nhưng không vào trường nghề

20/02/2014 09:00 GMT+7

Thực trạng này không chỉ chứng tỏ chính sách phân luồng sau trung học không hiệu quả mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vậy phải giải quyết vấn đề từ đâu?

Thực trạng này không chỉ chứng tỏ chính sách phân luồng sau trung học không hiệu quả mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vậy phải giải quyết vấn đề từ đâu?

  Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Luông
Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Luông, Q.6 (TP.HCM) - quận được đánh giá thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo PGS-TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, mỗi năm có 90 - 95% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT; khoảng một triệu học sinh tốt nghiệp THPT nhưng có tới 80% thi vào các trường ĐH, CĐ, chỉ khoảng 10% học nghề. Thực tế, số đậu vào các trường ĐH, CĐ khoảng 60% nhưng những người thi rớt cũng không vào học nghề.

Người học nghề ngày càng ít

PGS-TS Mạc Văn Tiến cho rằng hiện có rất nhiều bất cập trong phân luồng nên cơ cấu nhân lực của nền kinh tế nước ta rất bất hợp lý. Sự bất hợp lý đó còn lộ rõ trong phân luồng tỷ lệ giữa ĐH, trung cấp và công nhân kỹ thuật (dạy nghề). PGS-TS Mạc Văn Tiến cũng chỉ ra rằng vào năm 1979, tỷ lệ trên lần lượt là: 1 ĐH - 2,25 trung cấp - 7,1 công nhân kỹ thuật; năm 2006 là 1 - 1,17 - 0,91 và năm 2012 là 1 - 0,43 - 0,56. Trong khi đó, tỷ lệ này của các nước công nghiệp là: 1 - 4 - 10, thậm chí ở giai đoạn công nghiệp cơ khí hóa, tỷ lệ này là 1 - 4 - 60.

 

100.000 người có bằng ĐH thất nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), năm 2013 VN có trên 1 triệu người trong độ tuổi 15 trở lên thất nghiệp, trong đó nhóm tuổi 21 - 25 chiếm tỷ lệ 48%; số lượng sinh viên có bằng ĐH ở độ tuổi 21 - 29 thất nghiệp lên tới khoảng 100.000 người.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, hằng năm TP.HCM có khoảng 78.000 học sinh tốt nghiệp THCS, số tuyển vào lớp 10 là 64.500. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc sở này, nhìn nhận: “Đa số học sinh đều thi tuyển vào lớp 10 công lập. Khi không trúng tuyển, không còn sự lựa chọn nào khác mới phân luồng học nghề. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS của thành phố chưa đạt tới 10%”. 

Chưa tạo được uy tín

Đề cập đến vấn đề này, nguyên phó hiệu trưởng một trường THPT tại Q.1 (TP.HCM), khẳng định: “Chủ trương thì đúng đắn nhưng làm không tới nên không làm cho phụ huynh học sinh thay đổi quan niệm nghề nghiệp của con em. Trong đó, nguyên nhân xuất phát từ thực tế các trường TCCN chưa tạo được uy tín với xã hội nên phụ huynh chưa nhìn thấy tương lai nghề nghiệp khi con em vào bậc học này”. Vì thế, xu hướng hiện nay là nếu không vào được công lập thì cha mẹ cũng quyết cho con học dân lập, tư thục hay giáo dục thường xuyên để có bằng tú tài rồi mới tính tiếp, chứ rất ít người hướng con vào học nghề.

Ông Phạm Ngọc Thanh cho biết thêm về khó khăn khi thực hiện chính sách phân luồng. Theo ông Thanh, ngoài nhận thức chủ đạo cứ  xong THCS thì phải vào lớp 10, tốt nghiệp THPT vào ĐH, CĐ, nguyên nhân trường nghề không thu hút thí sinh là do hình tượng công nhân kỹ thuật lành nghề chưa đạt chuẩn mực giá trị trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, còn do công tác hướng nghiệp chưa chuyên sâu, hệ thống trường TCCN chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội…

Cần chính sách khuyến khích, hỗ trợ

Trước tình trạng bế tắc phân luồng học sinh sau trung học, nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất các phương án mới nhằm cải thiện tình hình.

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, dạy nghề Ban Tuyên giáo T.Ư, đề xuất: “Phải rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân tích cực tham gia giáo dục nghề nghiệp; đảm bảo công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi đối tượng”. Ngoài ra, tiến sĩ Hưng cũng cho rằng cần thực hiện cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. “Chính sách đó cần phải được thể hiện qua việc hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt, tạo việc làm và giới thiệu việc làm; chính sách thuế, chính sách lương, phụ cấp, vay vốn; chính sách đối với giáo viên… để người học, người dạy và người sử dụng lao động thấy có lợi”, ông Hưng nói.

Đồng quan điểm, một chuyên gia giáo dục tại TP.HCM cho biết: “Cần tìm cách đẩy mạnh thu nhập cho nhân lực tốt nghiệp trường nghề và tôn vinh họ một cách xứng đáng. Có như vậy mới tạo được động lực cho học sinh vào trường nghề”.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay thiết bị các cơ sở đào tạo nghề chưa hiện đại, cơ sở vật chất nghèo nàn nên người học sau khi ra trường khó tham gia làm việc ngay. Ông Phạm Ngọc Thanh đề xuất: “Phải có chính sách về quy hoạch, giao đất, thuế cho các cơ sở đào tạo; miễn giảm học phí và cho vay thuận lợi; chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ gắn liền với các doanh nghiệp…”.

Tư vấn từ cha mẹ

Q.6 (TP.HCM) thành lập ban chỉ đạo phân luồng từ cấp quận. Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.6, thông tin: “Cán bộ chuyên trách mỗi phường sẽ đến từng hộ gia đình có con em đang học lớp 9 để giải thích, tư vấn về trình độ tương ứng với mô hình học tập. Sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10, cán bộ phường lại đến nhà những học sinh không trúng tuyển động viên và vận động tham gia các mô hình học tập sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ kiến thức”.

Trung tâm kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp của Q.Tân Phú được phân công trách nhiệm phân luồng. Quận này tổ chức riêng buổi hội thảo dành cho đại diện cha mẹ học sinh các trường THCS. Khi có kế hoạch tuyển sinh của Sở thì các trường lại tổ chức họp toàn thể phụ huynh học sinh để hướng dẫn, tư vấn chọn nghề cho con em.

Bích Thanh - Minh Luân

 >> Phân luồng kém hiệu quả gây thất nghiệp
>> Phân luồng học sinh vẫn không có lối thoát
>> Phải phân luồng học sinh phổ thông: Tìm cách làm phù hợp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.