Tối 13.4, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ cho nhau về hình ảnh, video của lễ cưới siêu mẫu Minh Tú. Một trong những hình ảnh thu hút sự quan tâm và tò mò của nhiều người, đó là nghi thức "rót gạo" của đôi tân lang tân nương.
Theo đó, khi thực hiện những nghi thức trong lễ cưới, cô dâu và chú rể mỗi người cầm 1 lọ gạo và cùng nhau đổ từ từ vào chiếc bát được đặt ở giữa. Hai dòng hạt gạo hòa trộn đều vào nhau tạo nên sự đan xen và khăng khít.
"Các nghi thức như: vẽ tranh, cắt bánh, thả chim bồ câu… thì từng được thấy và biết mục đích, ý nghĩa. Còn rót gạo như ở lễ cưới siêu mẫu Minh Tú thì mình chưa từng thấy và hơi lạ lẫm", Nguyễn Thị Duyên Khuê (28 tuổi), ngụ ở H.Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, bình luận dưới bài đăng về lễ cưới của siêu mẫu Minh Tú trên một fanpage.
Theo MC Lê Trọng (28 tuổi), đang làm việc tại nhà hàng tiệc cưới Capella Parkview Phú Nhuận, TP.HCM, thường dẫn các chương trình lễ cưới, cho biết thay vì cắt bánh, rót rượu, thì người trẻ ngày nay thường thực hiện các nghi thức lễ cưới độc đáo, thú vị và mang nhiều ý nghĩa. Và "rót gạo" là một trong số đó.
"Hai lọ gạo chính là sự tượng trưng cho hai cá thể cô dâu và chú rể hòa quyện vào nhau. Gạo từ hai dòng chảy hòa vào nhau thì không thể tách rời, thể hiện sự hòa hợp. Và nghi thức này tượng trưng cho sự gắn kết bền chặt của hai vợ chồng. Hai vợ chồng rót gạo là để muốn bên nhau mãi mãi", MC Lê Trọng cho biết.
Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Bích Thi, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho biết nghi thức "rót gạo" mang nhiều ý nghĩa. "Hành động đổ gạo vào một chiếc bát giống như là cô dâu và chú rể cùng nhau góp gạo thổi cơm chung, đồng lòng dựng xây gia đình, vun vén yêu thương. Mỗi dòng hạt gạo từ cô dâu, chú rể, thể hiện hai con người xa lạ, khác nhau. Tuy nhiên khi hai dòng hạt gạo hòa trộn đều vào nhau, nghĩa là hai con người xa lạ ấy đã tìm thấy nhau trong cuộc đời này. Quyết định yêu nhau, gắn bó suốt cả cuộc đời, không thể xa rời", bà Thi cho hay.
Bà Thi cũng đánh giá thời gian qua có nhiều nghi thức trong lễ cưới đặc biệt ý nghĩa. "Có cặp tân lang tân nương thực hiện nghi thức trồng cây. Không những gửi gắm thông điệp về một sự khởi đầu trong cuộc sống, chạm ngõ đời sống hôn nhân, cũng như cùng nhau quyết tâm chăm sóc, nâng niu, bảo vệ tình yêu, mà đây còn là nghi thức mang ý nghĩa bảo vệ môi trường. Hay nghi thức thắt dây cũng được cô dâu, chú rể thực hiện. Hai sợi dây thắt lại thật chặt mang ý nghĩa kết giao, hòa quyện làm một, nguyện chung thủy và nương tựa vào nhau suốt đời…", bà Thi nói thêm.
MC Lê Trọng cho biết, trong nhiều năm tham gia làm người dẫn chương trình cả trăm lễ cưới, anh đã chứng kiến nhiều nghi thức ý nghĩa.
"Có thể kể như rót cát (tương tự như rót gạo), cùng hướng đến ý nghĩa và mong muốn bên nhau không thể tách rời. Hay có cặp đôi không rót rượu mà thay thế bằng nghi thức tưới cây xanh. Cũng có người bỏ nghi thức cắt bánh kem để thay bằng nghi thức thắp nến. Ngoài ra còn có những nghi thức độc đáo khác nhau: đọc thư của cô dâu, chú rể trước thời khắc chính thức làm vợ, làm chồng; vẽ tranh… Và dù là nghi thức nào, thì cũng mang thông điệp về cuộc sống hôn nhân êm đềm, lâu dài và bền vững", MC Lê Trọng chia sẻ.
Bình luận (0)