Chàng thủ khoa gửi gắm: “Các nhà khoa học có thể sáng chế ra bất kỳ loại thuốc nào, một loại vắc xin nào để trị các căn bệnh hiểm nghèo trên thế giới nhưng chắc chắn không bao giờ trị được thời gian. Thời gian là một kẻ vô tình, thời gian có thể mang người thân của ta đi bất cứ lúc nào, nên phải học sao cho xứng đáng với từng giờ học, xứng đáng với những tiết học mà ba mẹ đã bỏ tiền ra cho chúng ta…”.
Những chia sẻ của Quang Trọng Minh, thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mở TP.HCM, tại chương trình Tư vấn mùa thi năm 2021 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD – ĐT tổ chức, đã khiến nhiều học sinh phải rơi nước mắt và như có thêm động lực quý trọng hơn từng giây, từng phút trong thời điểm hiện tại để tập trung học và ôn tập thật tốt cho kỳ thi sắp tới.
Nếu không quá giỏi làm gì để thành công?
Tại chương trình Tư vấn mùa thi, Minh đặt vấn đề với học sinh: “Nếu bạn chỉ có sự siêng năng thôi, tức là các bạn không quá giỏi, không quá thông minh thì làm gì để thành công?”
Câu hỏi của Minh đi từ chính câu chuyện của bản thân mình. Là một chàng trai sinh ra trong gia đình có truyền thống học y và làm bác sĩ, thế nhưng tự thấy bản thân không được giỏi như những người thân của mình. 2 năm liên tiếp Minh thi vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhưng đều không đủ điểm. Trong lúc vừa đi học Cao đẳng, vừa ôn thi lại Đại học nhưng vẫn bị hàng xóm dị nghị, nhiều lúc Minh rơi vào mặc cảm.
Cuối cùng khi nhận ra được khả năng của mình đến đâu, Minh đã quyết tâm chọn một ngành có liên quan với ngành y đam mê và một trường có mức điểm đầu vào thấp hơn để theo học. Và Minh phải chấp nhận xuống tận Bình Dương để học đại học.
|
“Những ngày đầu khi phải chạy xe 50 km từ TP.HCM xuống Bình Dương để theo học đại học, một điều khá trái ngược mà ai cũng đặt câu hỏi là tại sao một học sinh ở thành phố lớn như TP.HCM lại chọn một trường đại học ở tỉnh. Xe buýt một chuyến để đi từ TP.HCM xuống Bình Dương là 30.000 đồng và một ngày 2 vòng xe đi về tốn 60.000 đồng. Chưa nói tiền ăn uống gì hết mà một ngày đã tốn của ba mẹ từng đó tiền để đi học. Cho nên mình hiểu được mình cần phải cố gắng nhiều hơn, phải học làm sao để xứng đáng với từng giờ học, và với công sức, tiền bạc mà ba mẹ đã bỏ ra cho mình ăn học”, chàng thủ khoa nhớ lại.
Nhiều lúc phải chạy xe đi lại xa như vậy để học đại học, Minh tự đặt câu hỏi tại sao mình đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không đạt được kết quả học tập như mong muốn, không giống được như những người khác, như các thủ khoa đầu vào của các trường. Nhưng rồi với tất cả những gì đã trải qua, Minh khẳng định với học sinh: “Dù chúng ta không quá giỏi, sinh ra không được giỏi như nhiều bạn khác, nhưng mà chúng ta vẫn có cách để thành công, các bạn ạ”.
Không gì xót xa bằng chưa tốt nghiệp mà người thân đã mất
Cũng trong chương trình tư vấn, Minh kể: “Trên đường đời của mình thì mình gặp rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, như bạn của mình nghiên cứu về ung thư nhưng ba của bạn lại mất vì ung thư. Và mình nhớ mãi buổi học đó, khi nhóm mình đang tiến hành cắt tế bào lá để quan sát trên kính hiển vi, lại nhận được tin báo là bố bạn đó mất. Cái khoảnh khắc người thân mình mất mà mình chưa tốt nghiệp, đó là một sự kinh khủng cỡ nào. Các bạn biết không, không phải ai sinh ra cũng có hoàn cảnh tốt, nhưng chúng ta phải tạo nên hoàn cảnh”.
Và Minh cũng vậy, từ nhỏ Minh đã được bà ngoại rất yêu thương, nhiều lần thi không đậu được vào trường đại học mà những người thân đều kỳ vọng, Minh cũng rất lo sợ bà sẽ buồn, nên khi chọn được con đường đi phù hợp với khả năng của mình hơn, Minh luôn cố gắng thành công để bà được vui.
|
Nhưng đến tháng 9 năm 2018, trong thời điểm còn hơn một tuần nữa là Minh chuẩn bị ra Huế để báo cáo giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ, thì bà của Minh mất, một điều rất kinh khủng mà Minh chưa bao giờ dám nghĩ đến thì cũng đã xảy ra với Minh.
“Sau khi đạt giải Nhì giải thưởng Sinh viên NCKH năm 2018 từ Huế về, cầm giải thưởng khoe trước di ảnh của bà khi chưa tròn 49 ngày, lẽ ra mình phải vui và tự hào về thành tích đạt được nhưng mình đã khóc rất nhiều. Và các giải thưởng Sinh viên NCKH sau đó mình đạt được cũng đều cùng một xúc cảm như thế: dang dở!”, Minh nghẹn ngào chia sẻ với người viết về cảm giác xót xa khi chưa kịp thành công thì người thân yêu quý của mình đã không còn nữa.
Từ câu chuyện của mình, Minh khuyên tất cả học sinh: “Điều mình muốn nói với các bạn nhiều nhất, đó chính là các nhà khoa học có thể sáng chế ra bất kỳ loại thuốc nào, một loại vắc xin nào để trị các căn bệnh hiểm nghèo trên thế giới nhưng chắc chắn không bao giờ trị được thời gian. Các bạn phải luôn nhớ thời gian là một kẻ vô tình, thời gian có thể mang người thân của mình đi bất cứ lúc nào. Nên phải biết quí trọng từng giây từng phút, khi ngồi trên lớp học hãy học làm sao cho xứng đáng với giờ học đó, xứng đáng với những tiết học mà ba mẹ đã bỏ tiền ra cho các bạn học. Và phải luôn cảnh tỉnh mình là luôn cố gắng, vì hoàn cảnh đó và cố gắng vì chính gia đình và bản thân mình”.
Vận dụng cảm xúc vào việc học
Những ngày sau khi bà mất, Minh đã luôn suy nghĩ rất tiêu cực, so sánh bản thân mình với các bạn khác vì Minh đơn giản chỉ muốn thành công thật nhanh, thật nhanh, phải thật thành công để cho bà yên lòng.
“May mắn, mình gặp được người thầy đã giúp mình tìm cách phát triển EQ (Trí tuệ cảm xúc) dựa trên các khía cạnh của trí tuệ cảm xúc, giúp mình tự kiểm soát cảm xúc, thích ứng trong từng hoàn cảnh, định hướng mục tiêu dưới góc nhìn tích cực, làm tăng động lực nội tại của bản thân. Từ đó, “hạnh phúc” dưới góc nhìn khoa học đã giúp mình thành công rất nhiều trên con đường NCKH và học tập”, Minh chia sẻ.
Minh cho biết khi đi học anh chàng không phải là người giỏi hóa, môn hóa hữu cơ thi chưa bao giờ được trên 4 điểm. Nhưng sau khi vào chuyên ngành lại tiếp tục học hóa và Minh cảm thấy vô cùng khó khăn. “Có những buổi học mà bản thân phải khóc rất là nhiều, bởi vì mình phải cố gắng để làm một điều gì đó, cho nên mình khuyên các bạn là nên ứng dụng tư duy cảm xúc của mình, phải biết quan tâm đến cảm xúc, quan tâm đến hoàn cảnh. Chính hoàn cảnh sẽ thúc đẩy các bạn phát triển hơn rất nhiều, giúp các bạn vượt bậc. Nhờ vào hoàn cảnh đó, những điều kiện sinh môi đặc trưng sẽ huấn luyện mình trở thành một người giỏi như vậy”, chàng thủ khoa gửi gắm.
Việc vận dụng cảm xúc vào việc học, Minh chia sẻ bằng cách luôn tập trung vào giác quan, thế mạnh bạn cảm thấy phát triển nhất và thay đổi. Hóa giải các khó khăn bằng cách nhận thức, gọi tên được cảm xúc gây khó chịu, tìm hiểu nguyên nhân của cảm xúc này bằng các câu hỏi “Tại sao?”. Khi đã thấu cảm bản thân, thì thay đổi cảm xúc khó chịu bằng cách tìm cảm hứng từ những khía cạnh bạn hứng thú.
“Chẳng hạn, việc đọc các slide, văn bản dày đặc chữ mang tính đặc thù của các môn cơ sở ngành có thể được giải quyết bằng việc bạn liên tục đọc to cho chính mình nghe, ghi âm lại những bài giảng và ghi chép lại một phần bài học trong tờ giấy A4 trắng bằng chính diễn giải ngôn ngữ sáng tạo của mình, sẽ giúp bạn cảm thấy bớt khô khan hơn và muốn khen thưởng về bản thân. Từ đó giúp tăng cường sản sinh ra hormone Dopamine, một hormone liên quan đến kiểm soát động lực, trí nhớ, tăng khả năng tập trung một cách tự nhiên…”, thủ khoa Quang Trọng Minh “bật mí”.
Bình luận (0)