Thủ khoa khối C toàn quốc: Biến áp lực thành động lực

30/08/2020 09:16 GMT+7

Là một trong 3 thí sinh thủ khoa khối C (cùng 29,25 điểm), Nguyễn Thị Hương, Trường THPT Mỹ Tho, Ý Yên, Nam Định, cho biết bản thân luôn tự biết biến những áp lực thành động lực để cố gắng mỗi ngày.

 

Biết điểm thi, vui không ngủ được

Điểm 10 tuyệt đối môn địa, 9,75 lịch sử và 9,5 môn văn đã giúp Hương trở thành 1 trong 3 thí sinh thủ khoa khối C trê toàn quốc.
Hương cho biết ngay khi thi xong đã dò đáp án và biết mình được 10 điểm môn địa, lúc đó Hương đã khóc lần một vì quá hạnh phúc. Đến khi biết mình được tổng điểm 3 môn cao ngoài mong đợi và là 1 trong 3 thí sinh có điểm thi khối C cao nhất cả nước, vì quá hạnh phúc nên Hương đã khóc thêm lần nữa. Thế là 2 lần cô học trò đã khóc, mừng cho thành quả 12 năm học tập của mình.
“Thật sự khi dò đáp án, em đã biết được điểm thi của mình, nhưng trong suốt thời gian chờ kết quả, em vẫn rất lo lắng và thấy ngày nào cũng dài đằng đẳng. Môn văn là môn mà em không thể đoán trước được điểm số, vì thế khi nhận được kết quả như thế này là ngoài cả mong đợi. Đêm đó xem điểm xong, vì vui quá mà em không thể ngủ được và thức đến gần sáng”, Hương bày tỏ.
Để có được thành quả ngày hôm nay, bí quyết của Hương là luôn biết biến áp lực thành động lực.
“Em là người rất hay lo lắng, nên trong quá trình học tập và đặc biệt là lúc ôn thi, em rất hồi hộp, mỗi lần như vậy em lại hỏi ý kiến thầy cô, bạn bè và các anh chị đi trước. Và em nhận thấy được thay vì tự tạo ra áp lực cho bản thân thì biến áp lực thành động lực để cố gắng hơn, luôn tin mình sẽ làm được thì bản thân sẽ tự tin hơn. Và sự tự tin chính là điều giúp tâm lý vững vàng để luôn vượt qua những khó khăn”, Hương bật mí.
Theo Hương, vấn đề tâm lý rất quan trọng trong kỳ thi, đặc biệt năm nay dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý lo sợ của Hương. Chính vì thế, gần như mấy ngày trước khi thi, Hương giải tỏa tâm lý để bớt lo lắng bằng cách nghe nhạc, nói chuyện với bạn bè và luôn nghĩ mình sẽ làm được để cố làm hết khả năng.

Bí quyết làm bài đạt điểm cao

Chia sẻ về bí quyết để làm bài thi đạt được điểm cao, Hương khẳng định mạng xã hội là một lợi thế và cô nàng không chọn cách “nói không với mạng xã hội” như nhiều thí sinh khác thường áp dụng khi mùa thi đến.
“Trong khi ôn thi, em vẫn sử dụng mạng xã hội vì em có thể biết được nhiều thông tin có thể liên hệ vào bài viết của mình, đặc biệt là phần nghị luận xã hội của môn văn. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn là cách thức để em có thể trao đổi với bạn bè ngay cả khi ở nhà, em cũng có thể hỏi được nhiều kinh nghiệm của mọi người để chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho kỳ thi...”, Hương chia sẻ.
Về cách thức học và ôn thi, Hương cho biết học văn, sử, địa là cả một quá trình tích lũy kiến thức, ôn và làm đề. Hương tập trung hết mức để nghe giảng, trao đổi với thầy cô, bạn bè ngay trên lớp. Và quan trọng là học hiểu chứ không phải học vẹt: “Ngay từ đầu năm học, khi các cô dạy bài mới, em về nhà ôn luôn, nên đến khi thi, em ôn lại rất nhanh và không bị dồn quá nhiều kiến thức”.
Đối với môn lịch sử và địa lý, Hương vẽ sơ đồ tư duy, học từ khóa, đọc kỹ kiến thức sách giáo khoa vì với Hương, kiến thức sách giáo khoa là kiến thức nền tảng căn bản nhất.
“Khi học môn địa lý, em sẽ tưởng tượng bản đồ Việt Nam để xem vùng đấy có đặc điểm gì, nó nằm ở chỗ nào, phạm vi, các dãy núi nằm hướng như thế nào... như vậy sẽ dễ hình dung về bài học hơn. Em đọc sách giáo khoa rất nhiều và luôn gạch chân những ý quan trọng trong sách. Sử thì em lập bảng so sánh điểm giống và khác của các vấn đề liên quan hoặc cùng chủ đề. Môn văn em sẽ học ý chính trước, liên kết năm sáng tác với lịch sử để từ đó liên hệ với các tác phẩm cùng giai đoạn và em rất hay học văn vào ban đêm vì lúc đó yên tĩnh, giúp em tập trung nhất”, Hương bật mí cách học.
Cũng theo Hương, điều giúp môn văn được điểm cao như vậy, cũng một phần nhờ cô dạy văn là người đã giúp Hương rèn luyện kỹ năng viết bài, trình bày, đến từng lỗi chính tả. Cô là người thổi hồn vào các bài giảng nên Hương dễ nắm bắt kiến thức hơn. Từ đó, Hương cho rằng thầy cô dạy bài hay chính là chất xúc tác tốt nhất để học trò học tốt được môn đó.
Trong quá trình làm bài thi, Hương cho biết khi nhận đề, cô nàng không làm bài luôn mà ngồi đọc hết một lượt.
“Với môn văn, em bắt đầu lập dàn ý trước, sau đó mới làm bài. Còn với môn sử, địa em cũng đọc hết một lượt để làm bài một lần vào đề, sau đó làm lại từng câu và tô đáp án, đối chiếu đáp án đã tô với đáp án khoanh trong đề, sau đó em đọc lại hết một lượt các câu. Điều này đồng nghĩa với việc một đề thi như vậy, em làm ít nhất 3 lần, hạn chế tối đa những sai sót. Những câu nào phân vân, em sẽ để lại sau khi đã làm hết những câu dễ”, Hương, thủ khoa khối C toàn quốc, chia sẻ về cách thức làm bài thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.