Rớt nước mắt nhìn con xuống tóc, tình nguyện vào tâm dịch tại TP.HCM

Thanh Đông
Thanh Đông
16/09/2021 04:03 GMT+7

Khi số ca Covid nặng tăng cao, Huỳnh Thái Hoài Bảo (22 tuổi, ở xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP.HCM) quyết định tình nguyện vào Bệnh viện hồi sức Covid_19 (bệnh viện số 9, TP.Thủ Đức) chăm sóc F0.

Sốc khi nghe con đi tình nguyện

Chị Thái Thị Nga, mẹ của Huỳnh Thái Hoài Bảo nhớ lại: “Khi Bảo báo tin sẽ vào bệnh viện dã chiến để chăm sóc F0, tôi chỉ biết im lặng, đó là thông tin rất sốc đối với gia đình tôi”.
Vốn ngày thường Bảo cũng tham gia công tác thiện nguyện nên chị Nga và gia đình cũng đã quen, nhưng việc Bảo quyết định đi chăm sóc F0 là điều gia đình chưa ai nghĩ tới. Trằn trọc, mất ngủ cả một đêm, cuối cùng chị Nga và gia đình cũng gật đầu để Bảo lên đường.
“Tôi có niềm tin rằng, con tôi còn trẻ, sức đề kháng tốt, tham gia chương trình này sẽ được tập huấn, được trang bị đồ bảo hộ tốt nên dù có thường xuyên tiếp xúc F0 cũng có khó lây nhiễm, nếu có lây nhiễm thì con tôi cũng sẽ vượt qua nhờ sức trẻ. Vì thế, gia đình tôi  cũng phần nào an yên khi cho Bảo lên đường” – chị Thái Thị Nga tâm sự.

Tạm xa mái tóc xanh

Huỳnh Thái Hoài Bảo kể, lúc đầu quyết định đi, em cũng hơi lo lắng, tuy nhiên, sau khi được chuẩn bị bởi Thành đoàn TP.HCM và các ni sư của Giáo hội Phật giáo, em yên tâm, tự tin lên đường.
Sau 2 ngày bước vào bệnh viện dã chiến Ung Bướu TP.HCM- Cơ sở 2, TP.Thủ Đức, Bảo quyết định tạm xa mái tóc xanh của mình.

Hoài Bảo phải tạm xa mái tóc xanh để dễ mặc đồ bảo hộ

Ảnh: DUY KHANG

“Khi thấy con đăng hình xuống tóc trên facebook, tôi bật khóc ngay và khóc nhiều lắm. Dẫu biết, làm vậy con sẽ phục vụ tốt hơn cho F0, đỡ vướng bận nhưng lòng mẹ không kiềm được xúc động” – chị Nga chia sẻ
Trên facebook cá nhân, cùng với tấm hình xuống tóc, Huỳnh Thái Hoài Bảo viết: “Những người con của tổ quốc, vì tinh thần chống dịch, phát nguyện bỏ tóc trần gian để thuận tiện mặc đồ bảo hộ bước vào khoa bệnh.Mong rằng đại dịch sẽ qua nhanh”!

Hoài Bảo (thứ hai từ trái qua) và các tình nguyện viên

Ảnh: DUY KHANG

Hình ảnh Bảo xuống tóc khiến không chỉ gia đình, người thân mà bạn bè của Bảo trên facebook ai cũng xúc động. “Bảo còn trẻ, nhỏ tuổi hơn anh mà suy nghĩ và làm được vậy là giỏi hơn anh nhiều lắm. Mong em có thật nhiều sức khỏe để làm được thật nhiều điều tốt đẹp cho đời nè” – một người anh của Bảo nhắn gửi.

Bản tin Covid-19 ngày 16.9: Cả nước 10.489 ca nhiễm mới | TP.HCM tất bật ngày đầu thí điểm nới lỏng giãn cách

Những công việc chưa từng trải qua, ngoài sức tượng tượng

Khi chuẩn bị lên đường, Huỳnh Thái Hoài Bảo hình dung, khi vào bệnh viện, công việc của một tình nguyện viên là quét dọn, tiếp tế thức ăn, làm những công việc lặt vặt.
“Thực tế lại khác xa so với hình dung của em. Do em làm ở khu chăm sóc bệnh nhân nặng, là tuyến cuối nên ngoài các công việc như em đã hình dung, em còn phải lao vào chăm sóc cho bệnh nhân, từ thay tã, thay áo quần đến cho bệnh nhân ăn, vỗ lưng, cho uống nước…”- Hoài Bảo kể.

Hoài Bảo và một tình nguyện viên đang chăm sóc cho một bệnh nhân

Ảnh: DUY KHANG

Theo Hoài Bảo, bệnh nhân ở đây đều rất nặng, gần như đã kiệt sức. Vì thế, rất cần đến sự chăm sóc, vỗ về, động viên từ y bác sĩ cho đến những tình nguyện viên như Bảo. Vì thế, khi vào ca, Bảo và các tình nguyện viên khác phải phát huy hơn 200% năng suất, vào ca là bỏ lại phía sau tất cả, chỉ tập trung chăm lo cho bệnh nhân.

Buồn vui lẫn lộn

Cho đến hôm nay, Bảo đã trải qua gần 2 tháng phục vụ tại bệnh viện điều trị Covid_19.
Bảo tâm sự: “Những ngày đầu, nhìn thấy những bệnh nhân nặng ra đi trong im lặng, không người thân bên cạnh, em buồn và có lúc tìm một chỗ nào đó để khóc. Đau đớn hơn khi chính tay em phải làm thủ tục cuối cùng cho người bạn gái rất thân của em ở trong xóm, bạn là thai phụ, bạn nhiễm Covid nặng, phải mổ bắt con tại bệnh viện Từ Dũ rồi được đưa sang đây điều trị và bạn ra đi. Em không ngờ em và bạn lại gặp nhau tại bệnh viện này và cũng là lúc em mãi mãi chia tay bạn tại đây”.
Dẫu buồn và chứng kiến những điều đau đớn do đại dịch gây ra, nhưng nhờ sự động viên từ gia đình, các tình nguyện viên và nhìn thấy niềm vui của những cô chú, anh chị đã hết bệnh trở về, Bảo lại nạp năng lượng và tiếp tục phục vụ.

Hoài Bảo chia tay một bệnh nhân lớn tuổi đã vượt qua Covid trở về nhà

Ảnh: DUY KHANG

Cho đến hôm nay, sau gần 2 tháng phục vụ tại Bệnh viện, Bảo cười, kể: “Cũng may là em tuân thủ tốt quy định về bảo hộ nên đến giờ em chỉ là F1 thôi, và em vẫn còn rất khỏe để tiếp tục phục vụ cho bệnh nhân và bệnh viện. Khi nào hết dịch em mới về nhà, em cũng vừa được chích mũi 2 vắc xin nên cũng đỡ lo phần nào”.
Sau thời gian phục vụ tại đây, Bảo cho biết, em trưởng thành hơn rất nhiều, quen với công việc phục vụ bệnh nhân, cũng na ná như một điều dưỡng.
“Chắc hết dịch em về và đi học điều dưỡng vì em đã bắt đầu yêu công việc này mất rồi” – Bảo nói.

Hoài Bảo gửi trái tim yêu thương đến ba mẹ, gia đình và người thân từ bệnh viện, với niềm tin đại dịch sẽ sớm qua đi, Bảo sẽ được về nhà.

Ảnh: DUY KHANG

Với chị Thái Thị Nga và gia đình, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày chị mong mỏi ngày Bảo về nhà.
“Biết con mình đang hỗ trợ các bệnh nhân nặng, giúp các cô chú, anh chị vơi đi phần nào đau đớn, dễ thở hơn nên tôi cũng tự hào và vui. Dẫu vậy, lòng mẹ nào cũng luôn lo sợ những điều không may xảy đến với con mình. Nên ước mong của tôi mỗi ngày là dịch sẽ sớm qua để cả nước lại được bình an, Bảo lại được về nhà. Xa con lâu rồi, chị nhớ con quá!” – Chị Thái Thị Nga rưng rưng nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.