Rủi ro khi mua hàng trực tuyến qua mạng xã hội

01/06/2022 10:28 GMT+7

Khác với sàn thương mại điện tử có cơ chế quản lý rõ ràng, việc mua hàng trực tuyến qua mạng xã hội như Facebook hay TikTok tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua khi không thể kiểm soát được chất lượng hay nhận sự bảo vệ từ bên trung gian.

Mua hàng trên mạng xã hội (mua hàng trực tuyến) không còn là điều quá xa lạ với người dùng internet tại Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, hình thức này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua khi là bên “phải chịu” nếu có vấn đề xảy ra, không giống với việc mua bán trên các sàn thương mại điện tử phổ biến.

Giao dịch trên mạng xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả bên bán lẫn bên mua

chụp màn hình

Cụ thể hơn, đối với sàn thương mại điện tử trong vai trò bên trung gian kết nối người bán – người mua, doanh nghiệp có đầy đủ bộ quy tắc ứng xử cũng như các biện pháp bảo vệ cần thiết cho cả đôi bên. Trong đó, người mua sẽ được hưởng các quyền lợi cần thiết như có đối tác vận chuyển uy tín, có thể trả hàng nếu sản phẩm mua không đúng như cam kết của bên bán, dễ dàng theo dõi lộ trình đơn hàng nhờ hệ thống của sàn…

Ngược lại, cơ chế “shop” để kinh doanh trên mạng xã hội hiện nay đang có sự khác biệt. Những nền tảng truyền thông xã hội trên internet như Facebook, TikTok tận dụng tập người dùng hiện có để làm khách hàng từ đó làm cầu nối cho người mua và người bán gặp nhau. Tuy nhiên, đây chỉ là nền tảng giao dịch trực tuyến và quá trình mua sắm diễn ra giữa người bán và người mua, không có sự tham gia của đơn vị giống vai trò sàn thương mại điện tử.

Trên một số hội nhóm trực tuyến, không ít người dùng than phiền khi trở thành nạn nhân của các giao dịch qua mạng xã hội như vậy. Đáng chú ý, phản hồi tiêu cực đến từ cả bên bán lẫn bên mua. Trong khi người bán chủ yếu gặp tình trạng lượng hàng bị “bom” (người đặt mua không nhận hàng, không thanh toán khiến sản phẩm trả về), thì phía mua đối mặt nhiều vấn đề hơn.

“Lúc nhận không kịp kiểm tra hàng xong khi bóc ra mới biết giao sai thì không tìm được ai để giải quyết đâu mọi người ơi. Nhắn tin cho shop thì 10 phút chưa tải được vào giao diện, ấn gửi tin nhắn thì không thấy đâu. Phần khiếu nại TikTok cũng không có”, một người dùng bình luận về trải nghiệm mua hàng trên TikTok – mạng xã hội chia sẻ video ngắn đang nổi gần đây. Người này còn tiếp tục phản hồi tiêu cực về chính sách liên quan tới mua bán trên nền tảng này.

Hồi cuối tháng 4, TikTok giới thiệu giải pháp thương mại điện tử tên TikTok Shop tại Việt Nam, là một hình thức kết hợp cửa hàng trực tuyến lên nền tảng mạng xã hội này. Nhưng dù đã thử nghiệm cả năm trời tại thị trường khác ở Đông Nam Á, chính sách của TikTok Shop dường như chưa hoàn thiện, hoặc chưa thực sự phù hợp với người dùng Việt Nam.

Trải nghiệm mua sắm trên nền tảng này chưa được đánh giá cao sau một tháng ra mắt, dù người dùng thừa nhận việc xem live (bán hàng trực tuyến) trên TikTok dễ khiến người xem tin tưởng và đi đến quyết định mua hàng. Tuy nhiên đề cập đến vấn đề này, Diễm Uyên – chủ một tài khoản TikTok bình luận: “Chính sách bên đó tệ nên ai thích mạo hiểm cứ mua, hên xui trúng hàng ngon”.

Mua sắm trực tuyến đang bùng nổ trên di động

istock

Tại một bài đăng trên fanpage ở Facebook khi nêu ra câu hỏi “TikTok Shop ra đời với sứ mệnh giúp cai nghiệm mua sắm đúng không ạ?” với ngụ ý trải nghiệm tệ trên nền tảng này khiến người dùng không còn cảm xúc hay niềm tin vào mua sắm trực tuyến trên các trang trực tuyến qua mạng xã hội, nơi cả người mua và người bán đều không được chứng thực và bảo vệ. Trong số hàng trăm bình luận đa phần ý kiến chê trải nghiệm khi mua sắm qua mạng xã hội TikTok. Nhóm người bán nếu không than ế khách thì cũng là câu chuyện tỉ lệ hoàn hàng quá cao so với kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Không chỉ với TikTok Shop, chuyện mua hàng trên Facebook cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo một chuyên gia về dịch vụ trên mạng xã hội, có rất nhiều điều bất lợi cho bên mua khi giao dịch trên nền tảng như hàng giả, nhái, kém chất lượng, không minh bạch về giá, xuất xứ.

Thông tin riêng tư cũng có thể bị chiếm dụng và khai thác khi khai báo đặt đơn hàng nếu gặp phải các tổ chức, cá nhân lừa đảo. Chủ shop trực tuyến cũng không đủ khả năng về công nghệ và giải pháp để bảo vệ các dữ liệu này”, ông chia sẻ.

Trong khi người bán hàng trên sàn thương mại điện tử, website do Bộ Công Thương cấp phép phải cung cấp rất nhiều thông tin cá nhân để chứng thực hoạt động hợp pháp, đồng thời sử dụng nền tảng kinh doanh được hỗ trợ về các công nghệ giúp bảo mật dữ liệu cá nhân, thông tin thanh toán, thì người dùng kinh doanh trên mạng xã hội hoàn toàn có thể dùng danh tính giả, mơ hồ về địa điểm kinh doanh. Điều này khiến bên mua khó có cơ sở để đòi quyền lợi cũng như được bảo vệ bởi các bên hợp pháp trong trường hợp có rủi ro xảy ra khi đặt mua hàng trực tuyến trên mạng xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.