Rủi ro 'rác trời' từ cáp điện, viễn thông

29/08/2024 06:21 GMT+7

Tối 26.8 vừa qua, đoàn tàu khách SE7 chạy tuyến đường sắt Bắc - Nam, khi đến đoạn gần đường ngang trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã vướng phải dây cáp viễn thông, buộc phải hãm tàu khẩn cấp.

Sự việc một lần nữa cho thấy tình trạng dây điện, cáp viễn thông chằng chịt trên nhiều tuyến đường phố được ví như những đống "rác trời", không những gây mất mỹ quan đô thị, mà còn nguy cơ gây thảm họa cho người, phương tiện đi lại bất cứ lúc nào.

Chằng chịt "mạng nhện"

Trong sự việc tối 26.8, một bó cáp quang viễn thông vướng vào mui tàu SE7 tại vị trí toa 10, khiến tàu không thể chạy được. Ngay sau đó, các bó cáp thuộc nhiều nhà mạng viễn thông đã được các đơn vị liên quan cắt, thu gom, bó lại để tàu tiếp tục hành trình và giải tỏa giao thông. Sự cố đã buộc đoàn tàu phải dừng lại hơn nửa tiếng đồng hồ mới có thể tiếp tục hành trình. Lực lượng công nhân, kỹ sư thuộc các đơn vị cáp viễn thông tiếp tục hạ các bó cáp xuống để kiểm tra và hàn lại. Cho đến sáng qua (28.8), công nhân thuộc các đơn vị viễn thông đã hoàn tất di dời và nối cáp viễn thông tại đoạn đường dài khoảng 300 m giáp đường ray xe lửa này. Đây cũng là khu vực có nhiều nhà mạng hoạt động.

Rủi ro 'rác trời' từ cáp điện, viễn thông- Ảnh 1.

Dây điện, cáp viễn thông chằng chịt tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM

Ảnh: Nhật Thịnh

Đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên vì dây cáp quang. Đầu năm nay, trên tuyến đường Nguyễn Trường Tộ (TP.Vinh, Nghệ An), một khối dây điện và dây mạng quấn vào nhau, sà xuống lòng đường khiến người đi đường giật mình, ngã xe. Lý do được người dân cho biết là bó dây thấp, xe trọng tải lớn có thùng cao đi qua đã kéo cả cột điện xiêu vẹo, và mớ dây thòng xuống giữa đường gây tai nạn giao thông. Trước đó, tháng 11.2023, một người dân ở Quảng Ngãi chạy xe qua tuyến đường Hoàng Sa

(TP.Quảng Ngãi), gặp đoạn đường đang thi công đập hạ lưu sông Trà Khúc, bị vướng vào dây điện võng xuống đường (do mưa lũ, một trụ điện bị đổ), dẫn đến tử vong. Hay giữa tháng 6 vừa qua, một vụ việc đau lòng xảy ra trên tuyến đường đang thi công thuộc H.Mộc Châu (Sơn La), khi tài xế xe đầu kéo trong lúc gỡ dây cáp viễn thông mắc trên nóc xe đã bị điện từ đường dây 35 kV phóng xuống gây tử vong…

Hiểm họa từ ‘mạng nhện’ cáp viễn thông ở TP.HCM

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, cột treo dây thuộc ngành điện hoặc của viễn thông, nhưng đa số là của ngành điện. Thường sau khi ngầm hóa, ngành điện để lại cột cho viễn thông treo, sau một thời gian, khi viễn thông thu dây hoặc ngầm hóa chung với điện thì ngành điện mới thu hồi cột.

Đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) thông tin sự cố đầu tàu SE7 bị vướng dây cáp tối 26.8 vừa qua không liên quan đến dây điện bởi khu vực này đã được đơn vị ngầm hóa. Các tuyến đường chính ở đây luôn được ngành chú trọng do đông dân cư, giao thông chính nối liền các quận. Đầu tháng 8, EVNHCMC cũng đã khánh thành công trình "Ngầm hóa lưới điện khu vực bên trong các tuyến đường Phan Đình Phùng - Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi và Trường Sa" đi qua nhiều tuyến đường thuộc các phường 8, 15 và 17 (Q.Phú Nhuận). 

Công trình được khởi công từ tháng 12.2019, bao gồm các hạng mục trung thế ngầm (kéo mới 4.881 m đơn tuyến, lắp mới 14 tủ RMU), hạ thế ngầm (kéo mới 7.771 m đơn tuyến, lắp mới 69 tủ phân phối composite). Sau khi hoàn thành, công trình sẽ góp phần đáp ứng khả năng phát triển phụ tải trong tương lai khu vực ngầm hóa và các khu vực lân cận, hiện đại hóa lưới điện, góp phần tạo mỹ quan đô thị trên địa bàn Q.Phú Nhuận.

Chậm chạp ngầm hóa dây cáp

Thế nhưng thực tế, những vụ tai nạn liên quan dây điện, dây viễn thông… "bỗng nhiên sà xuống đường" gây không ít hậu quả cho xã hội và nền kinh tế. Nhẹ thì tai nạn, ùn tắc giao thông, nặng có thể dẫn đến tử vong. Vậy việc ngầm hóa các loại dây điện, viễn thông, cáp truyền hình đang được triển khai thế nào?

Rủi ro 'rác trời' từ cáp điện, viễn thông- Ảnh 2.

“Mạng nhện” dây cáp điện, viễn thông giăng mắc khắp nơi

Ảnh: Nhật Thịnh

Ông Thanh Long (Q.11, TP.HCM) cho hay trong nhiều hẻm nhỏ, dây điện và dây cáp viễn thông được kết thành bó lớn, đặt ngay cạnh nhà dân rất nguy hiểm. Nhiều trụ điện nhìn có vẻ yếu ớt khi phải "cõng" trên lưng hàng tấn dây nhợ khiến các gia đình sống xung quanh nơm nớp lo lắng. Đặc biệt tình trạng cháy trụ điện cũng đã xảy ra, ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống điện và viễn thông, nhất là khi trời mưa to. Vì thế, các hộ dân đều mong ngầm hóa hết dây cáp để tránh rủi ro chực chờ.

Nhìn lại nhiều năm qua, để phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng bền vững, hiệu quả, đồng thời giữ sạch đẹp cảnh quan môi trường, nhất là ở các đô thị, Chính phủ đã có yêu cầu ngành điện lực phối hợp với ngành viễn thông sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là hệ thống cột điện trên quan điểm hợp tác cùng phát triển và vì lợi ích công cộng. Các doanh nghiệp viễn thông tăng cường hợp tác sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là cột ăng ten, nhà trạm, cống bể cáp, trên nguyên tắc đàm phán cùng có lợi. Chính vì vậy, một cột điện được treo rất nhiều dây nhợ của các dịch vụ khác nhau, từ điện lực đến viễn thông, internet, truyền hình cáp… đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với người dân. Tuy nhiên, điều này lại gây mất mỹ quan và không đảm bảo an toàn.

Từ đó, quy định hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, viễn thông cũng bắt đầu được thực hiện nhiều năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ ngầm hóa ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn ở mức thấp, chủ yếu mới thực hiện ở một số tuyến đường chính tại khu trung tâm.

Ông Lương Quốc Huy, Phó tổng giám đốc Công ty truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), cho biết tại TP.HCM hiện nay việc đầu tư ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông do Sở TT-TT chủ trì và phân giao cho các đơn vị thực hiện, bao gồm tất cả doanh nghiệp (DN) viễn thông. Trong đó, riêng SCTV chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Ví dụ trên 1 km đường sẽ chia ra cho 4 - 5 đơn vị cùng đầu tư hạ tầng như cống, bể cáp, đường ống viễn thông… 

Tỷ lệ được phân chia để đầu tư hạ tầng viễn thông sẽ phụ thuộc vào thị phần của từng DN. Sau đó, các đơn vị sẽ được thuê hạ tầng qua lại với nhau với cùng chi phí do Sở Tài chính và Sở TT-TT công bố. Điều này giúp các DN có sự cạnh tranh công bằng, sòng phẳng. Tuy nhiên, ở các tỉnh, thành khác lại có những quy định khác nhau. Đôi khi vẫn còn tình trạng độc quyền ở nhiều khu vực, dẫn đến các chủ đầu tư tự ý nâng giá thuê hạ tầng hay tình trạng "cha chung không ai khóc". Vì vậy trong quá trình hoạt động, các DN cung cấp dịch vụ như SCTV khi phải thuê lại các tuyến cáp thì khá vất vả, dịch vụ bị đứt đoạn…

Rủi ro 'rác trời' từ cáp điện, viễn thông- Ảnh 3.

Đoàn tàu SE7 chắn ngang đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận) vì vướng dây cáp viễn thông trên đường về ga Sài Gòn tối 26.8

Ảnh: C.Hoàng

Ông Huy thừa nhận việc ngầm hóa cáp viễn thông nói chung hiện vẫn còn khá chậm, chủ yếu thực hiện ở một số tuyến đường chính ở các quận trung tâm TP. Tình trạng cột điện treo đầy dây cáp ở các khu vực dân cư vẫn còn rất nhiều. Đặc biệt gần đây, việc đầu tư thực hiện cáp ngầm lại chậm hơn do cấp phép, giải phóng mặt bằng đều gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, khi thực hiện ngầm hóa cáp viễn thông đều phải tiến hành đào vỉa hè. Trong đó, ngành điện lực là đầu tàu sẽ thực hiện đấu thầu. Sau khi trúng thầu, các DN phải tự triển khai như xin giấy phép đào đường, giải phóng mặt bằng và thậm chí cả thực hiện công tác tuyên truyền đến khu phố, người dân. "DN đầu tư hạ tầng kỹ thuật không có lãi trên việc này mà để cung cấp dịch vụ của mình và dành 10% hạ tầng miễn phí cho các dịch vụ an ninh quốc phòng. Hầu hết DN viễn thông đều là nhà nước nên cũng phải chung tay thực hiện, đảm bảo an toàn an ninh và môi trường chung", ông Huy cho biết.

Đơn giản hóa thủ tục đầu tư cáp ngầm

Các DN viễn thông và điện lực đều mong muốn ngầm hóa nhưng đều "kêu" thủ tục hành chính hay sự phản đối của một số hộ dân là rào cản lớn. Mặc dù các thiết bị kỹ thuật được lắp đặt trên vỉa hè là phần đất công cộng nhưng nhiều hộ dân lại không đồng ý cho thi công. Theo ông Lương Quốc Huy, để thúc đẩy thực hiện ngầm hóa cáp điện, viễn thông thì cần các cơ quan quản lý nhà nước đơn giản hóa thủ tục xin cấp phép đào đường. Đồng nghĩa với việc các thủ tục liên quan nên thực hiện một đầu mối, thay vì hiện nay các DN phải xin ở nhiều sở, ngành khác nhau. 

Song song đó, chính quyền địa phương có hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như công tác truyền thông để người dân đồng tình nhằm giúp các đơn vị đầu tư đẩy mạnh thực hiện. Bởi đôi khi các đội kỹ thuật thực hiện lắp đặt ở vỉa hè nhưng hộ gia đình không đồng ý thì buộc phải dừng nên mất nhiều thời gian. Ngoài ra, cần có quy định thống nhất về giá thuê cơ sở hạ tầng dùng chung ở các tỉnh thành. Hiện nay mỗi địa phương được tự quyết định về phương thức đầu tư, thực hiện ngầm hóa cáp quang và nhiều nơi để các DN tự quyết giá cho thuê cống, bể cáp. Từ đó dẫn đến tình trạng đầu tư manh mún, mang vị thế độc quyền khiến sự cạnh tranh không công bằng.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình nhận xét nhiều địa phương đưa ra kế hoạch ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông, cáp điện, thậm chí có nơi được phê duyệt từ 10 năm trước nhưng vẫn bị xảy ra sự cố liên quan dây điện, viễn thông thòng xuống đường, gây tai nạn không đáng. "Có kế hoạch là một chuyện, nguồn lực của chính các DN trong ngành viễn thông, điện là chuyện khác. Chi phí hạ cáp xuống rất cao, với ngành điện, hạ đường dây trung thế là nỗ lực lớn tại nhiều nơi. Bởi ngoài chi phí đắt, công tác bảo dưỡng sau đó cũng rất quan trọng. Rồi việc vay vốn ngân hàng để ngầm hóa lưới điện khó thực hiện. 

Thực tế cho thấy tại các khu đô thị mới, việc ngầm hóa lưới điện làm tốt, nhưng với khu dân cư truyền thống lâu đời, hẻm nhiều thì việc ngầm hóa là rất khó, thậm chí không thể được. Bên cạnh đó, do tốc độ phát triển đô thị, nhiều nơi rất khó khắc phục tình trạng "mạng nhện" treo lơ lửng trên nhà dân như vỉa hè hẹp, mặt bằng không đủ để có thể bố trí lắp đặt các thiết bị. Rồi những địa bàn bị ảnh hưởng thời tiết, mưa lũ quét cũng bị hạn chế việc này. Chưa kể, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành tại nhiều địa phương đôi khi khá rời rạc. 

Theo tôi, các địa phương đưa ra kế hoạch ngầm hóa, nhưng cần có chế tài mạnh về việc kết hợp giữa các ngành để công tác ngầm hóa có hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ tốt hơn. Bản thân các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cần chú trọng việc ngầm hóa đường dây như chiến lược phát triển bền vững. Hoặc các địa phương cần xem xét có chính sách hỗ trợ về thủ tục, vốn đầu tư trong một giai đoạn nào đó để thúc đẩy thực hiện nhanh ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật, đường cáp nói chung", ông Đình nhấn mạnh.

Việc ngầm hóa hệ thống điện, viễn thông phải được số hóa

Việc thực hiện ngầm hóa hệ thống điện, viễn thông hay hạ tầng cho các dịch vụ khác cần phải được thực hiện theo quy hoạch chung. Trong đó xác định khu vực ưu tiên để thực hiện trước. Chẳng hạn các tuyến đường bộ giao cắt với đường sắt để đảm bảo an toàn hay các tuyến đường chính, những quận nội thành trung tâm đã phát triển ổn định. Hơn nữa, việc thực hiện ngầm hóa này phải giao về một đầu mối chung, có thể tập trung ở Sở GTVT và phải được đầu tư theo hướng số hóa để phục vụ cho công tác quản lý, chỉnh trang đô thị cả trong tương lai. Khi đó người quản lý ngồi một chỗ vẫn sẽ biết được đường dây này kết nối từ đâu đến đâu; bảo dưỡng bảo trì định kỳ như nào... Nếu chỉ đầu tư thực hiện chắp vá, không đồng bộ thì sẽ khó quản lý về sau, không phù hợp với quy hoạch chung của một đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

Đến 2025, TP.HCM sẽ ngầm hóa lưới điện đạt 80 - 90% ở trung tâm

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, đến năm 2025, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn TP đạt 50 - 60%, trong đó các quận 1, 3, 5 đạt tỷ lệ 100%, các quận nội thành khác đạt 80 - 90%; tỷ lệ ngầm hóa lưới điện hạ thế đạt 35 - 40% (khu vực trung tâm TP đạt 80 - 90%). TP sẽ tập trung ngầm hóa trên địa bàn TP.Thủ Đức, mục tiêu thực hiện với 100% tuyến đường, trục đường chính.

Từ năm 2011 - 2020, EVNHCMC đã phối hợp cùng các đơn vị viễn thông (Viettel, VNPT, FPT, SCTV, Tradincorp) thực hiện hoàn thành 240 dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông tại 195 tuyến đường. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn TP đạt 45%; cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông khu vực trung tâm (tỷ lệ ngầm hóa lưới trung thế Q.1 và Q.3 đạt 98%), khu vực nội thành các quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp đạt tỷ lệ 60% (chỉ tiêu đề ra là ngầm hóa khu vực các quận nội thành đạt trên 50%).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.