Rừng bị xóa trắng, cán bộ vô can ?

06/04/2022 06:17 GMT+7

Miền Trung - Tây nguyên luôn ám ảnh vấn nạn sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt; trong khi đó rừng tự nhiên tại nhiều địa phương khu vực này bị triệt hạ trên diện rộng đến mức nhức nhối.

Đáng nói là ở nhiều nơi, rừng còn bị triệt hạ bởi dự án “đội lốt”… bảo vệ rừng (!); không ít doanh nghiệp được giao rừng đã thảm sát rừng để chiếm đất, đầu cơ và trục lợi đất rừng trái phép, ngang nhiên thách thức pháp luật…

Nhiều công ty được giao đất, cho thuê đất, thực hiện dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tại Đắk Lắk nhưng sau vài năm, rừng bị “khai tử”, đất rừng bị lấn chiếm hàng ngàn héc ta. Đáng nói, việc xử lý trách nhiệm để mất rừng xem như… bằng không!

Rừng trên nhiều quả đồi ở H.Ea Súp bị “cạo trọc”

HOÀNG BÌNH

Dự án lâm nghiệp “thổi bay” rừng

Giữa tháng 3, cao điểm mùa khô, nắng như đổ lửa xuống vùng biên Ea Súp (Đắk Lắk). Đi thăm rẫy về gặp chúng tôi bên bìa rừng tránh nắng, ông Nguyễn Văn Bằng (65 tuổi, trú xã Cư M’lan, H.Ea Súp) cho biết, cách nay hơn 10 năm quanh xã Cư M’lan đi đâu cũng đụng rừng, giờ thì hàng loạt cánh rừng bị “cạo trọc”, nhiều nơi chỉ thấy toàn đất rẫy.

Chỉ vào quả đồi trụi cây rừng gần đó, ông Bằng chua chát: “Trước kia, ở đây rừng xanh ngút ngàn, nay thành đồi trọc. Khoảng chục năm trở lại đây, từ khi các công ty lâm nghiệp kéo nhau về thực hiện dự án trồng rừng, bảo vệ rừng cũng là thời gian rừng bị mất nhiều nhất. Hết rừng, các công ty lần lượt tháo chạy, chỉ còn lại đất rừng bị lấn chiếm, cày xới tan hoang thành đất rẫy”.

Men theo lối mòn để vào vùng dự án trồng rừng trước đây của Công ty TNHH Anh Quốc (Công ty Anh Quốc) tại tiểu khu 293, xã Cư M’lan, chúng tôi dễ dàng nhận ra đất rừng bị xâm canh, trở thành vườn điều, mít; chòi rẫy, nhà tạm của người dân dựng lên khá nhiều... Còn trụ sở Công ty Anh Quốc với nhiều dãy nhà xây không một bóng người.

“Trước kia, đây là rừng tự nhiên, phía sau trụ sở Công ty Anh Quốc là đất trồng cao su; nhưng giờ rừng tự nhiên bị phá sạch, vườn cao su cũng trụi không còn một gốc. Ở đây toàn bộ là đất rừng, chưa có giấy tờ gì, mua bán thì giá tùy vị trí, gần đường 120 triệu đồng/ha, xa mặt tiền thì rẻ hơn”, một người dân đang canh tác trên đất gần đó nói.

Theo các tài liệu liên quan từ cơ quan chức năng Đắk Lắk, sau khi được giao gần 1.200 ha rừng và đất rừng thực hiện dự án nông lâm nghiệp vào năm 2011, Công ty Anh Quốc đã buông lỏng quản lý, để người dân phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất trái pháp luật. Năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định thu hồi toàn bộ đất rừng tại dự án của công ty này để giao cho xã Cư M’lan quản lý. Khi đo đạc, kiểm kê lại, có 364 hộ đã lấn chiếm gần 800 ha trên đất dự án để trồng trọt.

Nhiều diện tích đất rừng ở xã Cư M’lan bị lấn chiếm, canh tác trái phép

HOÀNG BÌNH

Ông Nguyễn Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã Cư M’lan, cho biết hiện xã được giao quản lý gần 2.000 ha đất rừng thu hồi từ các dự án mà trước đó tỉnh đã giao cho doanh nghiệp, nhưng nhiều diện tích rừng trong số này đã bị xóa sổ, đất rừng bị lấn chiếm quy mô lớn.

“Chỉ tính riêng trong năm 2021, UBND xã Cư M’lan đã lập hồ sơ việc lấn chiếm, mua bán đất lâm nghiệp trái phép với diện tích khoảng 247 ha”, ông Hà thông tin.

“Tuần tra rừng như kiểu đuổi chim”

“Cơn lốc” phá rừng, lấn chiếm đất rừng không chỉ ở xã Cư M’lan mà còn ồ ạt tại nhiều địa bàn của H.Ea Súp.

Trước đây, Công ty TNHH MTV Rừng Xanh (Công ty Rừng Xanh) được UBND tỉnh Đắk Lắk giao, cho thuê gần 14.000 ha đất rừng thời hạn 50 năm (tới năm 2043). Tuy nhiên, công ty này đã để các hộ dân lấn chiếm, xâm canh để trồng điều và cây ngắn ngày hơn 2.200 ha, trong đó có hơn 1.600 ha rừng tự nhiên.

Nghiêm trọng hơn, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh được tỉnh Đắk Lắk giao hơn 14.000 ha rừng và đất rừng, nhưng sau một thời gian đã để mất đến hơn 10.500 ha. Phần lớn rừng bị lấn chiếm trái phép, chuyển thành đất canh tác nông nghiệp…

Trong khi đó, chính quyền cơ sở lại “kêu khó” trong công tác giữ rừng.

Yêu cầu cán bộ kê khai sử dụng đất rừng

Một lãnh đạo Huyện ủy Ea Súp cho biết hồi năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã yêu cầu cán bộ trên địa bàn kê khai việc sử dụng, canh tác trên đất rừng thông qua các chi bộ. Tuy nhiên, số liệu báo cáo chênh lệch so với tin báo của người dân, chưa phản ánh trung thực. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã yêu cầu thống kê, báo cáo lại nội dung trên để có hướng chỉ đạo, xử lý.

Thừa nhận phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn xã hết sức phức tạp, nhưng ông Đặng Công Tạo, Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt (H.Ea Súp), lại nói: “UBND xã nhiều lần cử lực lượng tuần tra, mật phục nhưng không kiểm soát được. Việc tuần tra rừng như kiểu đuổi chim vì diện tích rừng quá lớn. Chúng tôi đang tổng hợp các số liệu đất rừng bị xâm chiếm để báo cáo về huyện. Ước tính có vài trăm héc ta đất rừng đã bị xâm canh, lấn chiếm”.

Ông Nguyễn Ngọc Luật, Phó chủ tịch UBND xã Ea Bung, cho biết hiện toàn xã có hơn 500 ha đất rừng bị xâm chiếm tại các tiểu khu 267, 268. Trước đây, diện tích bị xâm lấn được giao cho Công ty địa ốc Thái Bình Phát, nhưng vì quản lý lỏng lẻo, để mất rừng nên năm 2017 UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi dự án, giao về địa phương quản lý. Hiện chính quyền các cấp đã lập 72 bộ hồ sơ để thu hồi hơn 400 ha đất rừng bị xâm chiếm nhưng chưa thực hiện thu hồi được...

“Giơ cao đánh khẽ” ?

Việc hàng loạt công ty lâm nghiệp trên địa bàn H.Ea Súp để hàng ngàn héc ta rừng bị phá, xâm canh, lấn chiếm, mua bán đất rừng trái phép gây nhiều bức xúc trong thời gian dài. Vậy nhưng, không hiểu vì sao hầu hết lãnh đạo các đơn vị để mất rừng với diện tích rất lớn nhưng chỉ bị xử lý ở mức kỷ luật, chuyển công tác hoặc “hạ cánh” an toàn?!

Bức xúc nhất là trường hợp ông Nguyễn Văn Quyến, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh. Vào năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ea Súp có kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, đã xác định ông Nguyễn Văn Quyến (Phó giám đốc phụ trách công tác kỹ thuật, quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh từ năm 2011 - 2015) có nhiều khuyết điểm, có trách nhiệm trong việc công ty để mất 10.500 ha rừng và đất rừng trên lâm phần quản lý. Ngoài ra, ông Quyến còn dựng 2 căn nhà gỗ có giá trị lớn tại H.Ea Súp, gây dư luận không tốt. Theo kết luận này, ông Quyến bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Sau đó, ông Quyến tiếp tục giữ chức Phó tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk (hình thành trên cơ sở sáp nhập Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh).

Theo một báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến năm 2021 toàn tỉnh này có khoảng 51.000 ha rừng bị tàn phá, lấn chiếm tại các lâm trường, dự án lâm nghiệp.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết vừa qua UBND tỉnh đã giao công an tiếp tục xác minh làm rõ trách nhiệm của một số công ty lâm nghiệp và các đơn vị, cá nhân để mất rừng trên địa bàn H.Ea Súp. Tuy nhiên, hiện trạng rừng mất nhiều năm, cần trưng cầu nhiều đơn vị nên rất khó khăn, mất nhiều thời gian.

“Phía công an đang giám định và chưa thấy báo cáo lại. Khi nào công an có báo cáo cụ thể thì chúng tôi đối chiếu theo quy định để có hướng xử lý”, ông Y Giang Gry Niê Knơng nói.

Còn thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, xác nhận đơn vị đang tiếp tục xác minh làm rõ trách nhiệm của một số công ty lâm nghiệp để mất rừng trên địa bàn H.Ea Súp. “Nội dung đang xác minh nên chưa thể cung cấp ngay cho báo chí”, ông Quy nói.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.