Rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng

Gia Bách
Gia Bách
28/11/2019 06:00 GMT+7

Tuyến rừng phòng hộ xung yếu ven biển phía đông Cà Mau (thuộc xã Tam Giang Đông, H.Năm Căn, Cà Mau) bị chặt phá nghiêm trọng.

Hằng ngày, chứng kiến cảnh những cây đước từ 15 - 20 năm tuổi ở tuyến rừng phòng hộ xung yếu ven biển phía đông Cà Mau (thuộc xã Tam Giang Đông, H.Năm Căn, Cà Mau) bị lâm tặc triệt hạ mang đi, người dân địa phương chỉ biết đứng nhìn vì sợ bị… trả thù.

Rừng phòng hộ xung yếu ven biển bị chặt phá nghiêm trọng

Trong khi đó, lực lượng chức năng lại nói “không phát hiện, không nghe báo cáo”.

Từng đám rừng bị chặt trắng

Ngày 19.11, PV Thanh Niên có mặt tại tiểu khu 136, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tam Giang 1 - nơi vừa bị lâm tặc hoành hành. Trước mắt chúng tôi là cảnh từng đám đước chỉ còn trơ lại gốc, dấu chặt mới xen lẫn với dấu cũ và có cả những cây bị chặt hạ nhưng lâm tặc chưa kịp lấy đi. Nhiều cây vừa bị chặt cách đây không lâu, nhánh và ngọn vẫn còn xanh, nằm la liệt trên mặt đất. Đi sâu vào trong là những “cây cầu” được lâm tặc bắc bằng những đoạn cây rừng để vận chuyển gỗ ra ngoài.
Từ ngoài biển nhìn vào, rừng bị tàn phá nham nhở. Theo lời người dân, do đước trồng ở khu vực này từ 15 - 20 năm tuổi nên bị lâm tặc chặt trắng, còn những khu vực rừng nhiều tầng tuổi thì bọn chúng chặt theo hình thức đốn tỉa. Hiện những vạt rừng bị lâm tặc chặt phá vào sâu gần trăm mét xen lẫn kéo dài dọc bờ biển.
“Thấy lâm tặc chặt cây rừng, bà con chỉ biết…nín thinh. Lỡ chúng chặt cây ngã xuống vuông tôm thì năn nỉ “kéo lên giùm chú nghen con”, chứ không dám nặng lời vì sợ bị chúng trả thù bằng cách phá vuông tôm”, ông Đ., một người dân sống gần đó, than thở.
Ông Đ. cũng cho biết đã nhiều lần thông tin cho cán bộ tiểu khu về chuyện rừng bị chặt phá, họ nói để kiểm tra rồi… im luôn. “Tôi nghĩ tiểu khu biết chuyện phá rừng chứ không thể nói không biết, bởi sau khi đốn trộm, bọn trộm chở cây rừng vào đất liền để bán, chứ không lẽ xuất bán nước ngoài? Trong khi từng cửa ra vào đất liền, tiểu khu đều có chốt quản lý, lẽ nào không phát hiện được”, ông Đ. nghi ngờ.
 Rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng1

Cây rừng bị chặt nhưng chưa kịp lấy đi

Ông S., một người dân khác, nói: “Tôi từng công tác ở địa phương nên tôi biết và rất bức xúc. Có những chỗ gần tiểu khu cũng bị chặt phá, họp HĐND tôi có nói, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Họ chặt ban ngày lẫn ban đêm (đêm sáng trăng). Vuông của dân có người giữ thì không sao, mấy vuông vắng chủ thì trong vòng một, hai năm là “banh” hết không còn gì”.
Theo ông S., rừng bị chặt phá đa phần là rừng được trồng lại sau bão số 5 (năm 2007). Sau khi chặt trộm cây rừng, bọn lâm tặc phân ra nhiều loại để tận thu, như: bán gỗ hầm than, bán cây cho xây dựng, cây lớn bán để xẻ ván... “Ở đây, người dân chặt một vài cây về làm nhà, làm cửa… tiểu khu đều biết hết. Còn gần tiểu khu rừng bị phá 1 - 2 công đất họ bảo không hay là sao?”, ông S. bức xúc.

“Năm nào cũng xảy ra chuyện chặt phá cây rừng”

Ngày 21.11, khi được PV cho xem hình ảnh ghi tại tiểu khu 136, ông Trương Việt Bắc, Phó trưởng BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1, sau một lúc tỏ ra ngạc nhiên đã nói rằng cán bộ của ban cũng mới đi kiểm tra về báo không có vụ chặt phá rừng nào. Hơn nữa, những hình ảnh do PV cung cấp ghi cảnh rừng bị tàn phá nhiều quá nên ông nghi ngờ không phải chụp ở lâm phần do đơn vị ông quản lý.
Rồi ông Bắc gọi ông Lâm Ngọc Đồi (Đội trưởng Đội tuần tra quản lý rừng) đến và đưa cho ông Đồi xem hình ảnh mà PV cung cấp. Xem xong, ông Đồi nói: “Chúng tôi mới họp hôm qua, các tiểu khu trưởng báo cáo tình hình ổn”.
Tuy nhiên, sau khi cùng PV đến hiện trường, ông Đồi thừa nhận nơi rừng bị chặt phá là tiểu khu 136, thuộc BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1. Rồi ông đi một vòng, sau đó quay trở lại cho biết “cụm” cây có dấu mới bị chặt số lượng khoảng 70 - 80 cây. Trong khi đó, theo quan sát của PV, thì chỉ mới cách nhau 2 ngày nhưng diện tích cây rừng bị chặt đã rộng ra nhiều.
 Rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng2

Một cây đước hơn 15 năm tuổi bị đốn hạ

“Với cương vị của mình, chúng tôi phải phối hợp cùng tiểu khu tăng cường kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, do đai rừng phòng hộ nằm cặp với biển nên nước lên, đêm hôm cây bị chặt thì khó phát hiện. Tới đây, chúng tôi sẽ kết hợp với xã Tam Giang Đông và đồn biên phòng kiểm tra thường xuyên hơn nữa”, ông Đồi cho biết.
Ngày 26.11, ông Nguyễn Quốc Em, Trưởng BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1, thông tin ông đang đi vào khu vực PV phản ánh rừng bị chặt phá và xác nhận: “Đúng là rừng bị chặt phá. Là người quản lý rừng, để rừng như thế rất đau lòng, dù số lượng mỗi lần chặt không nhiều nhưng chuyện rừng bị chặt phá diễn ra trong thời gian dài”.
Cùng ngày, trả lời PV Thanh Niên về vấn đề này, ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết sẽ cho kiểm tra thông tin, sai phạm đến đâu xử lý đến đó, kể cả liên quan đến cán bộ. Ông Thức cũng thừa nhận việc chặt phá cây rừng có từ nhiều năm trước.
“Khu vực ven biển này năm nào cũng có chuyện chặt phá cây rừng. Họ lợi dụng cơ quan quản lý rừng không có phương tiện lớn, họ “tấp” vào chặt vài chục cây”, ông Thức nói.

Khó kiểm soát tình trạng chặt phá

Trước đó, BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1 cũng có báo cáo gửi Sở NN-PTNT cho rằng rừng phòng hộ ven biển vẫn xảy ra tình trạng chặt phá, khó kiểm soát do hoạt động đánh lưới của người dân trên biển. Họ lợi dụng sơ hở của lực lượng quản lý bảo vệ rừng để ghé vào chặt cây rừng. Thời gian chặt diễn ra nhanh, phương tiện vận chuyển có công suất lớn, nên đơn vị quản lý rừng không đuổi bắt được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.