Tôi biết được hai tiếng này từ bà chị dâu. Hôm soạn quần áo cũ không dùng đến, chị bảo con: Cái áo rung rúc này ngày xưa vẫn là áo diện được đấy, bây giờ chúng mày cứ chê. Thôi để tao mặc đi làm đồng còn tốt chán.
Người thành phố tuổi càng lớn càng phát phì, còn chị tôi sống ở nông thôn vất vả tuổi cao lên thì tọp đi. Phần vì làm lụng, phần do ăn uống đạm bạc. Cuộc sống bạn với dưa cà lấy đâu ra mỡ mà tăng cân. Chị bảo cái giống dưa xào ăn tốn cơm nhưng cũng nhanh đói lắm. Toàn rau là rau, có chất béo bổ gì đâu. Bởi thế đống áo con thải ra chị mặc đâm vừa, có cái còn thùng thình.
Mấy đứa con gái không muốn để mẹ dùng đồ cũ của chúng, nhưng chị bảo rằng mẹ cũng thuộc loại rung rúc rồi, dùng đồ rung rúc là hợp với tao, còn bàn cãi gì nữa.
Đi xa bao nhiêu năm, nghe chị nói tôi bỗng giật mình nhìn lại mảnh vườn, sân nhà, chợt nhận ra quê hương nhiều chỗ cũng trong trạng thái rung rúc.
Dạo trước ở xã xuất hiện nhiều nhà xây cấp bốn lợp ngói tươm tất, trông sáng hoe. Nhưng rồi suốt bao nhiêu năm cũng chả thấy thay đổi gì. Giờ thì thành những căn nhà ngói xỉn, tường mốc, sân gạch chỗ mẻ chỗ bong. Chẳng hiểu chủ nhà không tiền hay ở lâu nhìn mãi quen mắt không thấy nên không sửa. Tất cả cứ như trong trạng thái rung rúc triền miên.
Cũng có vài gia đình con ra tỉnh làm thuê nhặt nhạnh được tí tiền, tự làm lò gạch đắp vỏ bùn đốt đuổi, tâng lên được căn nhà hai tầng, nhưng chỉ đủ tiền trát qua quýt nhôm nhoam rồi dừng ở đó, không thể xoa nhẵn quét vôi cho sáng nữa. Kiểu này chỉ độ vài năm thôi, mưa gió thời gian lại biến thành đồ rung rúc cho mà xem.
Nhưng qua trò chuyện tôi thấy cả thôn chả ai quan tâm điều đó. Với người nông thôn, mưa không dột gió không lùa là tiên cảnh rồi.
Ngẫm lại suy nghĩ của dân quê tôi khá đơn giản. Cứ rung rúc cũng được. Chả cần mới, miễn là không hỏng, chỉ cần dùng được, không đòi hỏi gì hơn.
4.2013
Đỗ Đức
>> Ngày hội đổi đồ cũ dành cho sinh viên
>> Đồ cũ hút bạn trẻ
>> Phiên chợ bán đồ cũ giúp trẻ em nghèo
>> Đồ cũ hút bạn trẻ
>> Chợ đổi đồ cũ
Bình luận (0)