“Rưng rưng” bún ruốc xứ Lệ

07/01/2013 16:27 GMT+7

Vừa đặt tô bún xuống bàn, bà chủ quán vừa giới thiệu: “Đây là bún Lệ Thủy. Chú ăn xem có gì đặc biệt không”. Câu nói của bà chủ quán khiến tôi bồi hồi nhớ đến câu chuyện người dân quê tôi vẫn truyền lại.

Vừa đặt tô bún xuống bàn, bà chủ quán vừa giới thiệu: “Đây là bún Lệ Thủy. Chú ăn xem có gì đặc biệt không”. Câu nói của bà chủ quán khiến tôi bồi hồi nhớ đến câu chuyện người dân quê tôi vẫn truyền lại. Chuyện kể rằng, một lần về quê, khi ngang qua chợ Tréo, vị tướng lừng danh, người con của xứ Lệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chợt thốt lên: “Bún chợ Tréo chấm ruốc, chừ có ngon không?”

Bún xứ Lệ
Bún chấm ruốc Lệ Thủy - Ảnh: D.C.H

Quá 12 giờ trưa. Cái dạ dày “trai tráng” của tôi, thường ngày đến giờ này đã sôi lên sùng sục. Song giờ đây, ngồi trước tô bún dậy mùi thơm phưng phức, tôi bỗng trở nên xa lạ với chính mình. Bún Lệ Thủy ư? Giờ tôi mới để ý thấy, sợi bún quê mình, quả không giống như bún nhiều nơi khác. Sợi bún nhỏ và mảnh hơn, không quá giòn sần sật mà dẻo dai vừa đủ, không trắng đục mà vẫn giữ được màu tự nhiên như hạt gạo vừa được nấu chín. Nhất quyết, nó phải được làm ra từ thứ gạo của chính đồng đất và phải qua bàn tay khéo léo của người xứ Lệ quê mình, nơi nổi tiếng là xứ sở “gạo trắng, nước trong”, là vùng đất “nhì hai Huyện”- H. Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) chỉ xếp sau xứ “nhất Đồng Nai” trứ danh.

Với người dân Lệ Thủy, bún không phải là món ăn quá sang trọng hay quá bình dân. Bún có mặt trên các mâm cỗ đại sự trong gia đình hay trong bữa tiệc thịnh soạn ở các nhà hàng lớn. Cũng có khi, chỉ đơn sơ, mộc mạc nhưng đậm đà là món bún chấm ruốc (hoặc mắm), nhưng phải là thứ ruốc (mắm) Lệ Thủy chính hiệu và không dùng thêm bất cứ nguyên liệu nào khác, ngoài món ớt cay cháy cổ họng. Người Lệ Thủy vốn ăn cay, kho mặn mà.

Thuở nghèo khó, có bún chấm ruốc mà ăn đã là phúc. Giờ, nhan nhản những những bún bò, bún giò, bún chả… hảo hạng, mà ở một số quán, người ta vẫn thường gọi là “phở” cho sang trọng, cho “thị thành”. Chứ như người dân quê tôi vẫn “trung thành” gọi là bún. Bà chủ quán nhất quyết bảo: “Bún là bún, việc gì phải gọi là phở. Phở phải khác. Mà nếu có phở thì phở của quê mình (Lệ Thủy) làm sao bì được với phở người miền Bắc”. Vì vậy mà quán của bà vẫn trưng ra cái biển là quán bún.

Bà kể, bún Lệ Thủy chính cống, phải làm từ hạt gạo Lệ Thủy được giã bằng cối tay, rứa mới ngon. Chứ cứ “hiện đại hoá”, cắm điện mà xay gạo thành bột rồi mới làm thì mất “vị” đi. Ăn không ngon, không đậm đà. Chính vì vậy mà ông bà ta xưa ăn bún với ruốc cũng ngon. Đó là chưa kể nhiều nơi khác, người ta còn cho thêm các khoản phụ gia độc hại khác cho sợi bún giòn, dai và bảo quản lâu hơn.

Thưởng thức tô bún chính cống quê mình, bên cạnh dĩa rau sống đủ các loại, nào rau diếp cá, tía tô, húng chanh, hoa chuối… tươi ngon như vừa mới hái sau một khu vườn cũng xanh um (không bị bầm dập như những quán xá ở thành phố) nào đó, lòng tôi chợt rưng rưng khi nghĩ về hình ảnh vị tướng già với mái tóc bạc phơ, đã có lần khắc khoải nhớ đến một món ăn từ thuở hàn vi. Có lẽ, những sợi bún kia đang gợi nhắc những sợi tơ lòng vương vấn…

Dương Công Hợp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.