Gì chớ nỗi nhớ thì không thể “lập trình”. Nhưng nhỏ bạn mình, từ thành phố lần nào điện về quê cũng tràn trề... ẩm thực.
Ảnh: T.C.D |
Nào là ngọn bí xào dầu, nào là cá diếc kho rau răm, nào là cá trê nướng lụi... Mới hôm qua đây chớ đâu, bỗng dưng nó nói tao nhớ canh khổ qua rừng quá mày ơi! Chữ “ơi” với âm vực không cao, không thấp, chỉ đủ nghe thôi nhưng cũng làm mình “xao xuyến” và bật ra lời hứa: “Để tao gởi vô cho, gì mà thương với nhớ”.
Làng mình là làng biển nhưng cách rừng không xa. Bởi vậy, chuyện đi tìm khổ qua rừng là không khó. Mấy năm gần đây thì khỏi tìm nữa rồi, bởi loại trái vô chủ này đã theo chân những người làm rẫy di cư về xuôi, mọc tươi tốt trong vườn nhà. Sung quá, nó còn leo cả lên những bụi bờ, tràn lên những hàng rào gai tre để lần thứ hai “hoang dại” giữa làng.
Với tập tính “rừng rú”, loại khổ qua này chẳng cần chăm sóc “thuốc men” gì mà sức sống vẫn dẻo dai bền bỉ. Có lẽ vì thế khổ qua rừng được coi là vô hại. Mình để ý thấy những hôm trời nắng chang chang, ai cho chút nước nào đâu mà khổ qua vẫn xanh um, hoa vàng thắm.
Khổ qua rừng trái nhỏ mà “có võ”. “Khổ qua nào chả đắng nhưng vị đắng của khổ qua rừng dễ chịu, dễ ăn và dễ thương lắm”. Mẹ mình hay nói vậy khi hái biếu cho bà con và những vị khách xa nào đó. Mẹ thường nấu canh khổ qua rừng với cá băm vo viên. Khi nấu canh, khổ qua rừng dai hơn khổ qua loại khác. Cái dai này khiến người ta phải nhai. Nhai để chầm chậm tận hưởng vị đắng đót... ngọt ngào của hương rừng. Viên chả cá đâu kém cạnh gì, cũng phô diễn vị mặn mà xa khơi của biển.
Những ngày biển động, chỉ cần ít thịt heo nạc thì nồi canh khổ qua cũng thăng hoa. Được vị đắng của khổ qua thấm vào nên miếng thịt nạc có “âm hưởng” vừa quen vừa lạ. Và lúc này, cái đắng trong miếng khổ qua có vẻ... lừng khừng, không đắng hẳn mà ngập ngừng bởi vị ngọt của thịt lan sang.
Mẹ mình hay ca ngợi canh khổ qua rừng bởi cái sự “mát lắm, mát lắm, trẻ nhỏ bị rôm sảy, ăn vô lặn liền” của nó. Đóng hộp mấy ký khổ qua và mớ chả cá gửi cho nhỏ bạn xong xuôi, mình điện cho nó, nói mai hàng tới. Trái nào hườm hườm thì nấu trước nghe chưa. Hết... rưng rưng nhớ khổ qua rừng rồi nha. Mình cũng không quên “tái bản” nguyên xi lời của mẹ. Nó cười trong vắt, nói tao biết lâu rồi, cảm ơn “dược sĩ” nhiều nhé!
Bình luận (0)