Rưng rưng nồi bánh chưng giữa phố

An Dy
An Dy
11/02/2021 18:34 GMT+7

Nồi bánh chưng thôi thúc sự trở về bên bếp lửa ấm đượm tình thân, cũng là những ký ức không thể nào quên của tết xưa, tết cũ.

Những ngày giáp tết năm nay, có một điểm chung khá tích cực là mọi người dành thời gian trở về bên gia đình nhiều hơn ở bên ngoài. Phần là thời điểm dịch Covid-19 trở lại và diễn biến phức tạp nên các khuyến cáo phòng chống dịch được tăng cường. Phần cũng vì sau một “năm Covid”, nhiều giá trị tinh thần, trong đó có giá trị tình thân được nhìn nhận lại. Mọi người đã biết chắt chiu những giây phút cho hiện tại, cho yêu thương hiện hữu quanh mình... Lẽ dĩ nhiên sẽ không thể thiếu nồi bánh chưng.

Nồi bánh chưng hiện hữu giữa phố xá tấp nập khơi gợi những nỗi niềm ngày cuối năm

An Dy

Vậy là người người lại “trở về”, quây quần bên gia đình. Cùng nhau dọn dẹp, bày biện, mang không khí xuân vào nhà, vào tận bếp, vào tận lớp ký ức phủ đầy những mảng rêu phong của người già cho đến ký ức mới toanh năm ngoái của những đứa trẻ.

Kiểu gì cũng phải có nồi bánh chưng...

Con tôi nói, "năm này mình tiếp tục nấu bánh chưng đường phố cùng ông nội đúng không mẹ". Tôi "ừ, đương nhiên rồi con".
Thế là tạm gác lại công việc cuối năm, tranh thủ sên cho xong mẻ mứt dừa, rồi chở hũ thịt ngâm mắm về biếu nhà ngoại, xong đâu đó tôi đưa con về nội để nó hân hoan với nồi bánh chưng được lôi ra từ ký ức mùa tết năm ngoái...
Để nấu được nồi bánh chưng và ngồi canh xuyên màn đêm, trước tiên phải qua khâu gói bánh khá kỳ công. Nếp phải là tiêu chuẩn nếp cái hoa vàng loại 1 được vuốt sạch và ngâm nhiều giờ liền. Nếp để ráo và xốc vào một ít muối sống, ít dầu phộng. Kế đến là đậu xanh cũng được ngâm tối thiểu 3 giờ đồng hồ, vớt ra để thật ráo và ướp ít muối tiêu, dầu... Thịt heo phải chọn thịt ba chỉ xắt thành những miếng dày, khổ bằng bàn tay và cũng ướp vừa đủ vị tiêu, ít bột nêm, muối. Lá dong được lau thật sạch, bẻ góc vừa khuôn và kết đều các góc đối xứng với nhau.

Bánh chưng nhân đậu xanh và thịt ba chỉ

An Dy

Cứ một lớp nếp, lớp mỏng đậu xanh, lát thịt heo, rồi lại đầu xanh, phủ nếp. Đủ phần nếp và nhân cho bánh thì bắt đầu khéo léo bẻ các góc đối xứng. Để đảm bảo các góc bánh không bị rách và xì, nên có những lớp lá mỏng phủ các góc trước khi tém và buộc chặt lại bằng những sợi lạt mềm...

Gói bánh và nấu bánh chưng là một trải nghiệm không thể thiếu đối với những đứa trẻ ngày tết đến xuân về

An Dy

Những đứa trẻ thường rất thích thú với công đoạn gói bánh chưng ngày tết. Chúng được lăng xăng và học kỹ năng lau lá, bẻ góc lá, róc lá. Kế đến là gia giảm nhân trong từng lớp bánh. Tôi nhớ, mùa bánh chưng nào, những đứa trẻ con cũng sẽ len lén gói cho mình một chiếc bánh thật đặc biệt và làm dấu riêng. Đó là một sự háo hức trải nghiệm và sở hữu. Kể cả việc sẵn sàng chấp nhận và chịu trách nhiệm với những thành phẩm không hoàn hảo do mình làm ra. Khoản này thì trẻ xưa hay nay đều không khác nhau là mấy...
Bánh chưng sau khi được gói và buộc lạt sẽ được xếp vào một chiếc nồi lớn, bên dưới có chèn một lớp phên tre và lá chuối mỏng, để bánh bên trên không bị sém khi cạn nước. Thường thì nồi bánh chưng sẽ được nấu bằng lửa lớn, sôi liên tục từ 12 đến 15 giờ đồng hồ. Sau đó sẽ tiếp nước lạnh từ bên ngoài vào cho bánh nguội, chắt hết nước rồi mới vớt bánh ra...

Rưng rưng nồi bánh chưng giữa phố

Nhà tôi xưa ở giữa ruộng xứ Bình An (Hòa Cường, Đà Nẵng), sau quy hoạch và giải tỏa thì ra mặt phố. Xưa nấu nồi bánh chưng bên ruộng thì nay lai nhóm lửa trước hiên nhà, ngay giao lộ có trục đèn đỏ và dải phân cách. Mỗi khi xe cộ qua lại dừng đèn đỏ sẽ ngắm nghía nồi bánh chưng ấm áp trước nhà của chúng tôi. Họ thích thú trầm trồ chỉ cho những đứa trẻ đang ngồi trên xe kiểu “nấu bánh chưng kìa”, “nồi bánh chưng to chưa kìa”... Kèm theo đó là những biểu cảm khát khao thứ hạnh phúc bình dị được gác lại những bộn bề lo toan để ngồi canh nồi bánh chưng ngày giáp tết, hay chợt nhớ da diết những mùa bánh chưng xưa cũ, nhớ những người thân yêu đã vắng xa...
Cũng từ nồi bánh chưng giữa phố, tôi thấy chị lao công dừng lại với ánh mắt rưng rưng đượm buồn. Thấy tôi nhìn, chị vội tránh đi. Vì chưa đến giờ vớt bánh nên mẹ con tôi chạy theo dúi vào tay chị ít tiền để chị mua thêm ít bánh cúng giao thừa.
Từ nồi bánh chưng tôi thấy những đứa trẻ là chúng tôi ngày xưa lớn lên thiếu thốn, thức gì ngày tết cũng thèm thuồng... Những chiếc bánh ra giêng còn giữ lại được ba cạo sạch phần mốc bên ngoài, cứ thế cắt lát chiên lên để cả anh lẫn em lại xuýt xoa thơm nức cả căn bếp cũ.
Đẩy củi chêm thêm dưới nồi bánh đang sôi ùng ục nước, tôi thấy lung linh trong ánh lửa hồng hình bóng những người muôn năm cũ, những thương yêu quanh mình đã yếu gầy, hao mòn qua tháng năm. Có những dáng hình đã quá vãng bay lên và tan theo những làn khói mỏng trong đêm 30...
Năm sau, chúng tôi cũng sẽ lại nấu bánh chưng giữa phố. Con trai tôi cũng sẽ bắt đầu xếp thành lớp ký ức nồi bánh chưng những ngày giáp tết bên ba mẹ, ông bà, anh chị em... Chỉ khác, ký ức bánh chưng giữa phố của con sẽ có tiếng còi xe vội vã phía ngã tư đèn đỏ, tiếng hụ còi gấp gáp của những chuyến xe cứu thương vội vàng chuyển viện tuyến cuối cho những bệnh nhân nặng, tiếng nhạc xập xình của trung tâm thương mại phía bên kia đường đang rao hàng kích cầu mua sắm, xả hàng đêm cuối... Mọi thứ vẫn sẽ tiến về phía trước mạnh mẽ như cách mà ký ức nối nhau đến hiện tại, đi về phía tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.