Rút ngắn khoảng cách thầy trò nhờ công nghệ

Bích Thanh
Bích Thanh
17/11/2018 08:39 GMT+7

Với sự phát triển của công nghệ, trường học cũng thay đổi nhưng cốt lõi tình cảm của thầy cô dường như không thay đổi dù biểu hiện có khác ngày xưa. Thầy không chỉ là người rót đầy kiến thức mà còn là người thắp lửa đam mê.

Những ý kiến này được các thầy cô chia sẻ trong buổi tọa đàm “Thầy trò thời công nghệ” do Báo Thanh Niên tổ chức và phát trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn và qua fanpage Facebook, kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Người thắp lửa đam mê 
Đề cập đến mối quan hệ thầy trò trong thời hiện tại, thầy Đỗ Đức Anh nói, giữa thầy với trò hiện nay không có nhiều khoảng cách và học trò coi thầy không chỉ là người rót đầy kiến thức mà còn là người thắp lửa đam mê. Đôi khi đổ lỗi thời công nghệ tình cảm phai nhạt nhưng thực tế có phai nhạt hay không còn phụ thuộc vào người sử dụng. Bởi nếu biết tận dụng hiệu quả công nghệ thì sẽ có nhiều hình thức kết nối. Không gian tiếp xúc mở hơn thì mối quan hệ nồng ấm hay phai nhạt đều là do tự thân của thầy và trò.

Đồng tình với quan điểm này, bà Tô Thụy Diễm Quyên nhận định, xu hướng thầy thành bạn của trò không sai. Người thầy không phải là đi trước dẫn đường hay đằng sau thúc đẩy mà phải là đồng hành. Nhà trường và người thầy không phải là kênh học tập duy nhất mà trở thành một trong những kênh đó nên phải thay đổi chức năng và cần tìm hiểu năng lực, sở trường định hướng đúng cho học sinh (HS), thầy phải tạo động lực cho HS và đánh giá công tâm. Với sự phát triển của công nghệ, khoảng cách thầy trò gần hơn, có thể tâm sự, chia sẻ qua nhiều kênh khác nhau.
Ở khía cạnh khác, thầy Trần Văn Toàn phân tích, hình ảnh truyền thống là trong lớp chỉ có một ông thầy uy nghiêm, truyền giảng kiến thức nên học trò cứ e sợ. Mà con người với con người, nếu tồn tại một sợi dây sợ hãi thì sao đến gần nhau. Đến nay mối quan hệ cởi mở hơn nhiều, gặp nhau dễ dàng và có nhiều cách thức. Vì vậy chúng ta nên coi công nghệ là một lợi thế.
Rút ngắn khoảng cách thầy trò nhờ công nghệ1
Các giáo viên tham gia buổi tọa đàm “Thầy trò thời công nghệ”
Thầy không còn là “biết tuốt”
Các khách mời cũng chỉ ra những mặt trái của sự phát triển công nghệ. Cô Diễm Quyên cho rằng câu thành ngữ “chọn bạn mà chơi” có thể áp dụng khi tham gia mạng xã hội. Chúng ta hãy luôn cẩn trọng sử dụng mạng xã hội, đừng đưa ra điều tiêu cực, điều bức xúc khiến người khác có cảm giác mình không đáng tôn trọng.
Tham dự chương trình, các khách mời là thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM); thầy Đỗ Đức Anh, Tổ phó tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) cùng chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft Tô Thụy Diễm Quyên đã chia sẻ với học sinh (HS) Trường Quốc tế Á Châu và THCS - THPT Đào Duy Anh (Q.6) về hình ảnh người thầy hiện đại.
Trước thực tế đã có những trường hợp HS bị kỷ luật khi sử dụng mạng xã hội không đúng cách nên thầy Đức Anh lưu ý, cần có nhận thức để sử dụng mạng xã hội thông minh, đừng để mặt trái của mạng xã hội lôi kéo. Chọn lọc thông tin, hình ảnh để kết nối học trò, đừng trút vào mạng xã hội những điều không đẹp. Hãy thắp lên ngọn lửa khao khát thay bằng những hình ảnh tiêu cực.
Từ thực tế thường xuyên đưa bài giảng lên trang cá nhân của mình, thầy giáo trẻ Đức Anh nhận ra rằng có thể HS có trăn trở nhưng ở thời điểm tức thời, khi nghe thầy cô giảng trực tiếp, chưa nghiền ngẫm ra để đặt câu hỏi. Nhưng khi đưa lên mạng rộng rãi thì không chỉ học trò trong lớp đang dạy, trong trường mà còn ở nhiều trường khác đưa ra thắc mắc. Vì vậy trong kỷ nguyên mở, bản thân người thầy phải thay đổi để đáp ứng bởi không phải thầy là “biết tuốt” và có những điều học trò giỏi hơn thầy.
Robot giảng bài nhưng không biết dừng khi HS bị bệnh
Trong thời đại phát triển công nghệ, vai trò của người thầy như thế nào và có một lúc nào đó robot có thể thay thế thầy cô truyền đạt kiến thức?
Với câu hỏi này, cô Diễm Quyên nói rằng trong những năm gần đây robot có thể thay thế tài xế taxi, công nhân, bác sĩ. Thế giới cũng đang đặt ra câu hỏi robot có thể thay thế người thầy hay không trong sự phát triển của trí tuệ nhân tạo khi chúng có rất nhiều tri thức, nhiều hơn các thầy cộng lại? Nhưng câu trả lời là không, bởi chúng ta hơn robot ở chỉ số cảm xúc. Đã có nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng người có chỉ số cảm xúc cao sẽ thành công trong cuộc sống. Thế thì làm sao để có chỉ số cảm xúc cao, bao gồm các lĩnh vực, cách nhận thức, cách quản lý bản thân, đồng cảm thế giới, giao tiếp xã hội.
Thầy Đức Anh cũng đưa ra suy nghĩ: “Có nhiều người lo lắng cho những người làm thầy bởi một lúc nào đó sẽ mất việc bởi robot. Nhưng robot có thể giảng bài nhưng không biết dừng lại khi HS bị bệnh, không biết nhắc nhở, không biết giải quyết các yếu tố cảm xúc. Bởi thế với một người thầy “bằng xương bằng thịt”, HS không chỉ ngồi lắng nghe kiến thức mà nhìn từ cái chớp mắt, cái gật đầu, nhún vai của thầy đều biểu thị cảm xúc của bài giảng. Đặc biệt với giờ văn, dù robot có giọng nói hay như thế nào đi nữa nhưng chắc chắn yếu tố cảm xúc mà nó mang đến không thể bằng thầy”. 
Sợ giờ kiểm tra, mong thầy cô bị ốm
Thầy Trần Văn Toàn nhớ lại ký ức người thầy dạy hóa trong trường phổ thông của mình. Thầy Toàn kể thầy của mình là người chân thành, tận tâm, luôn lắng nghe chia sẻ của HS. Giờ thầy đã về hưu khá lâu nhưng vẫn còn liên lạc, chia sẻ với cựu HS. Thầy Toàn chia sẻ, dù bây giờ bản thân đã lớn tuổi nhưng đôi khi vẫn có những đêm ngủ mơ ngày mai kiểm tra và sợ lắm.
Còn thầy Đỗ Đức Anh kể, thời học trò học tốt nhưng phá cũng rất nhiều, đã từng phải làm việc với công an xã nên đã có nhiều bạn bè bất ngờ khi biết thầy chọn nghề sư phạm.
Hay cô Tô Thụy Diễm Quyên kể rằng ngày còn bé cô cũng có những mong ước như bao HS khác, mong thầy cô ốm để không phải học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.