Định hướng cho trò
Cô Nguyễn Thị Thùy Linh, giáo viên ngữ văn, Trường THCS Tân Tạo A (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết hiện nay gần như học trò nào cũng sở hữu ít nhất một tài khoản mạng xã hội. Do đó, giữa những vụ “nóng” trên mạng xã hội, các trò đều quan tâm.
Cũng đồng quan điểm với cô Linh, thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên ngữ văn, Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), cho hay thế hệ học sinh hôm nay tiếp cận với mạng xã hội từ rất sớm, các em cũng có nhu cầu được tìm hiểu trước những vấn đề mọi người quan tâm. Các vấn đề cải cách tiếng Việt của ông Bùi Hiền, tiếng Việt công nghệ giáo dục và nhiều vụ việc thời sự khác liên quan ngành sư phạm đều được học trò hỏi thầy Huy, nhờ thầy giải đáp.
Thầy Huy nói: “Quan trọng nhất với người giáo viên những lúc học trò hỏi như vậy là bản lĩnh, để trả lời. Tùy những vấn đề trò hỏi, người thầy sẽ có cách giải khác nhau, để khiến học sinh thấy được sự tôn trọng mình dành cho các em. Nếu đó là vấn đề thuộc những khái niệm hàn lâm mà độ tuổi của các em chưa đủ để tìm hiểu sâu những vấn đề thì tôi thường hay bảo đợi đủ trải nghiệm con hãy tìm hiểu. Ví dụ như đọc sách, không phải sách nào cũng đọc, kiến thức nào cũng tiếp thu vào. Nếu chưa phù hợp về trình độ, về độ tuổi, góc nhìn, quan điểm của bản thân chưa vững vàng sẽ ảnh hưởng đến tư duy của bản thân và gần nhất là việc tiếp nhận kiến thức ở cấp phổ thông sẽ khó khăn. Ngược lại có những vấn đề, kỹ năng giúp ích cho bản thân thì tôi khuyến khích học trò tìm hiểu sâu hơn”.
Quan tâm chứ không giám sát
tin liên quan
Thầy trò thời 4.0: Thầy cập nhật mỗi ngày để không lạc hậu với tròCô Nguyễn Phạm Thùy Trang, giáo viên tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, cho rằng trong thời đại công nghệ hiện đại, thông qua mạng xã hội cô trò có thể gần gũi với nhau hơn, chia sẻ với nhau được nhiều điều. Đồng thời, theo cô Trang, hiện nay nhiều thầy trò cùng triển khai mô hình học nhóm, làm việc nhóm trên mạng xã hội. “Tuy nhiên, giáo viên cần phải khuyến khích, động viên, theo dõi kín đáo hoạt động của học sinh, chỉ góp ý định hướng nhẹ nhàng nếu việc chia sẻ học tập qua nhóm có dấu hiệu đi xa hay đi lệch vấn đề, tránh để học sinh có cảm giác gò bó và đang bị giám sát”, cô Trang nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Thị Thùy Linh cũng đồng tình với quan điểm này. Theo cô Linh, học trò ngày nay phát triển sớm hơn, cả thể chất và tâm lý… Các em có thể thích ai đó vu vơ, ngưỡng mộ một ai đó, lấy hình ảnh người đó làm hình đại diện trên mạng xã hội để lấy đó làm động lực phấn đấu học tập… Mỗi giáo viên đọc những gì các em viết trên mạng xã hội có thể đoán được phần nào đó tâm tư của các em, sau đó có thể khéo léo cùng chuyện trò, gỡ rối giúp các em. “Tuy nhiên sự 'gỡ rối' này cũng cần tinh tế, nhẹ nhàng, nhân một dịp nào đó nói với các em, như những người bạn chứ không phải áp đặt, sẽ khiến các em có cảm giác mình đang bị theo dõi, khiến các em bị tổn thương…”, cô Linh nói.
Thầy trò thời 4.0
Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi, thói quen và thậm chí cả quan hệ, tình cảm của con người. Trong dòng chảy đó, tình cảm thầy - trò, mối quan hệ rất được tôn trọng ở Việt Nam, có những đổi thay gì so với trước?
Trò có còn “kính nhi viễn chi” thầy, trong khi ngày nay thầy cô cũng “selfie” và đưa hình lên mạng xã hội tưng bừng như trò; cuộc sống, sinh hoạt của giáo viên đều được học trò “giám sát” thông qua mạng xã hội hay các công cụ hỗ trợ của công nghệ? Thầy cô còn độc quyền trao kiến thức cho trò khi hiện nay người học có biết bao phương tiện để nâng tầm hiểu biết? Việc dạy và học cũng đổi thay, không còn phụ thuộc vào bảng đen, phấn trắng vào việc cầm tay chỉ việc của thầy nữa, liệu có làm nhạt phai chút nào lòng tôn sư trọng đạo? Tình cảm thiêng liêng, sẻ chia, gắn bó của thầy trò có bị tác động nào trong khi nhiều nơi đã sẵn sàng đưa robot làm thay vị trí của giáo viên?...
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm, ghi nhận… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi công nghệ và hơn bao giờ hết khái niệm “công nghiệp 4.0” đã trở nên quen thuộc.
Với chủ đề Thầy trò thời 4.0, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Bài sẽ đăng trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết đăng tải sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
|
Bình luận (0)