Thỏa thuận lãi suất khi rút tiền gửi trước hạn
Ngân hàng Nhà nước mới đưa ra dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là ngân hàng - NH).
Rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn sẽ được thỏa thuận lãi suất |
NGỌC THẮNG |
Thông tư quy định trường hợp khách hàng rút toàn bộ tiền gửi, NH áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất. Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi, đối với phần tiền gửi rút trước hạn, NH áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất; đối với phần tiền gửi còn lại, NH và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Mức lãi suất này được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi tiền.
Giải quyết vấn đề rút tiền gửi trước hạn ở mỗi nước, mỗi NH có cách xử lý khác nhau. Tại Mỹ nếu rút trước hạn tiền gửi có kỳ hạn trong vòng 6 ngày kể từ ngày gửi tiền hoặc trong vòng 6 ngày kể từ ngày rút một phần gần nhất thì khách phải chịu mức phạt theo quy định. Ấn Độ quy định lãi suất áp dụng đối với tiền gửi rút trước hạn sẽ được trả theo tỷ lệ áp dụng cho số tiền và kỳ hạn mà khoản tiền gửi vẫn được gửi tại ngân hàng và không theo tỷ lệ đã ký trên hợp đồng. Ngân hàng ANZ tại Úc quy định khách hàng có thể rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước hạn tại ANZ, tuy nhiên bất kỳ khoản rút trước hạn nào cũng bị áp dụng lãi suất thấp hơn lãi suất ban đầu, phần tiền không rút trước hạn được hưởng mức lãi suất như ban đầu. Ngân hàng Bank of New Zealand ở New Zealand quy định khách hàng rút trước hạn một phần hoặc toàn bộ tiền gửi sẽ phải chịu mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất ban đầu.
Tại VN hiện nay, rút tiết kiệm trước hạn đa số NH sẽ đưa lãi suất về bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, ở mức rất thấp. Vì thế thay đổi mới này được đánh giá có lợi hơn cho người gửi tiền. Anh Trương Hùng (Q.4, TP.HCM) nhận xét quy định này có lợi cho người gửi tiền trong trường hợp cần tiền cấp bách. Bản thân anh Hùng có một cuốn sổ tiết kiệm gần 1 tỉ đồng gửi tại ngân hàng với lãi suất khoảng 6,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng. Đến tháng thứ 8, anh Hùng cần hơn 100 triệu đồng đột xuất, nhưng phía nhà băng không cho rút một phần tiền. Nhưng nếu rút cả cuốn sổ 1 tỉ đồng thì coi như mất trắng 45 triệu đồng tiền lãi của 8 tháng. Nhân viên ngân hàng tư vấn cầm sổ tiết kiệm vay lấy 100 triệu đồng, lãi suất tiền gửi cộng thêm biên độ 2,5%, tương ứng 9,3%/năm. Số tiền lãi phải trả cho khoản vay này trong 4 tháng còn lại của sổ tiết kiệm hơn 3 triệu đồng. Anh Hùng chọn cầm cố sổ tiết kiệm để vay số tiền trên, thay vì rút ra toàn bộ sẽ bị mất lãi.
Vì thế, chính sách thay đổi sắp tới, khi NH đồng ý cho rút một phần vốn trên sổ mà lãi suất tiền gửi không thay đổi thì khách hàng mới có lợi. Còn NH thỏa thuận lãi suất gửi ở mức thấp hơn trên sổ thì việc cầm sổ vay có lợi hơn.
Khách hàng và ngân hàng đều có lợi
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận xét chính sách này có lợi cho người gửi tiền và cả NH. Hiện nay, một số NH nhỏ triển khai chương trình tiền gửi tích lũy cũng cho phép khách hàng rút ra một phần tiền. Việc cho phép khách hàng được rút một phần tiền gửi tiết kiệm khi cần mà vẫn bảo toàn được phần lãi đối với số tiền gửi còn lại sẽ tạo tâm lý an tâm lựa chọn những kỳ hạn gửi dài có lãi suất cao hơn.
Theo biểu lãi suất huy động tiết kiệm của các NH, những kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao, thế nhưng tâm lý khách hàng sợ cần tiền đột xuất nên chọn lựa kỳ hạn gửi ngắn, tránh rút trước hạn gây mất lãi. Lãi suất không kỳ hạn của các nhà băng hiện nay ở mức gần 0%, dao động từ 0,1 - 0,3%/năm, nên nếu có cần tiền đột xuất mà rút và bị tính lãi không thời hạn thì coi như không còn bao nhiêu lãi. Để giải quyết vấn đề này, các NH cho vay cầm cố sổ tiết kiệm và tính thêm chênh lệch đó là chi phí vận hành đối với khách.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi), lo ngại chính sách thay đổi cách tính lãi suất khi khách hàng rút vốn trước hạn sẽ gây ra sự xáo trộn cho nguồn vốn NH, ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Bởi lãi suất tiền gửi của khách hàng và NH do hai bên thỏa thuận, chứ không nên can thiệp vào cụ thể như thế nào. Các NH cân đối cơ cấu nguồn vốn ngắn, trung, dài hạn khác nhau để đưa ra mức lãi suất huy động.
Để NH có nguồn vốn trung dài hạn, ông Hải cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên xem xét kiến nghị Bộ Tài chính không tính thuế đối với phần lãi mà khách hàng mua trái phiếu do NH phát hành. Không đồng ý, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng NH sẽ không bị ảnh hưởng nguồn vốn huy động quá nhiều khi chính sách cho phép rút trước hạn, tính lãi suất thỏa thuận phần tiền còn lại. NH sợ khách rút vốn trước hạn thì bị hụt vốn và phải huy động với chi phí cao hơn. Nhưng với cách tính lãi suất như chính sách mới ban hành, NH sẽ huy động được nguồn vốn trung và dài hạn tốt hơn.
Tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 32/2021 tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng. Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12.12.2021.
Bình luận (0)