Rút tiền mặt ở nước ngoài không quá 30 triệu đồng/ngày

Thanh Xuân
Thanh Xuân
04/01/2019 13:31 GMT+7

Đây là hạn mức mới về rút tiền mặt ở nước ngoài khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế ở nước ngoài.

 
Khách hàng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhận được thư điện tử thông báo từ nhà băng này về việc điều chỉnh hạn mức rút ngoại tệ tại nước ngoài tối đa tương đương không quá 30 triệu đồng/ngày đối với tất cả các sản phẩm thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế. Theo Vietcombank, điều này nhằm tuân thủ quy định tại Thông tư 26/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng áp dụng từ ngày 1.1.
Quản lý rút tiền mặt ở nước ngoài
Cụ thể, tại khoản 1 và bổ sung khoản 1a Điều 14 quy định “Tổ chức phát hành thẻ thỏa thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, hạn mức chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác trong việc sử dụng thẻ đối với chủ thẻ phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật” và “Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 (ba mươi) triệu đồng Việt Nam trong một ngày”.
Trước đây, hạn mức rút tiền mặt của các thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế các ngân hàng tùy theo từng loại thẻ khác nhau, hạn mức tín dụng khác nhau. Quy định mới này nhằm quản lý tình trạng rút tiền mặt ở nước ngoài.
Đại diện Vietcombank cho biết, quy định này không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu của khách hàng. Bởi theo khảo sát trong thời gian qua, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng rút tiền ở nước ngoài rất ít do phí rút tiền cao và ngân hàng tính phí, lãi. Ví dụ thẻ Visa là 4% trên số tiền rút và tối thiểu 50.000 đồng; phí chuyển đổi ngoại tệ 2,5% trên số tiền giao dịch…
Đề nghị tăng hạn mức rút tiền mặt ở nước ngoài Ngọc Thạch

Đề nghị tăng hạn mức rút tiền mặt

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Cố vấn Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) nhận xét mức rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng và ghi nợ ở nước ngoài 30 triệu đồng là chưa đến 1.500 USD, khoảng 1.000 bảng Anh, khoảng 1.100 euro… Sinh hoạt phí, giá cả ở một số nước cao gấp 20 - 30 lần so với Việt Nam nên hạn mức rút này khá thấp. Ở nước ngoài, ngân hàng cũng có quy định hạn mức rút tiền mặt trong thẻ khi đi nước ngoài, tùy theo mỗi quốc gia có hạn mức khác nhau. Quy định này cũng để hạn chế mang tiền mặt khi ra nước ngoài.   
 So với quy định mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu là 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương 15 triệu đồng thì hạn mức trên cũng là quá thấp.
Đó là chưa kể sự bất nhất giữa các quy định. Cụ thể, rút tiền ở nước ngoài thì không quá 30 triệu đồng/ngày' mang tiền mặt qua hải quan cửa khẩu không quá 5.000 USD; Còn theo Thông tư 20/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ là 100 USD/người/ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày; mang qua hải quan không quá 5.000 USD; ngân hàng bán cho cá nhân 100 USD/người/ngày. Ông Hiếu kiến nghị cần có sự thống nhất về hạn mức để người dân dễ thực hiện. Nhằm hạn chế mang tiền mặt khi ra nước ngoài, ông Hiếu kiến nghị tăng lượng tiền mặt rút bằng thẻ ở nước ngoài lên tương ứng khoảng 3.000 USD. Chủ thẻ rút tiền mặt ở nước ngoài mất phí, lãi cao nên họ cũng hạn chế rút nhưng trong hoàn cảnh cần thiết họ vẫn có thể rút tiền sử dụng được.
Trong trường hợp không tăng hạn mức rút tiền mặt qua thẻ ở nước ngoài, khả năng người dân mua ngoại tệ tiền mặt mang ra để có hạn mức cao hơn, lên 5.000 USD. Lúc này, thị trường ngoại tệ chợ đen sẽ vẫn có đất sống khi ngân hàng bán ngoại tệ hay cho rút ngoại tệ tiền mặt bằng thẻ  “nhỏ giọt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.