Ngày 10.7, ông Phạm Văn Dự, Giám đốc Ban điều hành XL02 (đoạn H.Thới Bình, Cà Mau), cho biết sà lan chở gần 600 m3 cát biển đầu tiên đã về đến công trình thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau vào chiều hôm qua (9.7). Gói thầu của Ban điều hành XL02 thuộc dự án cao tốc thành phần Hậu Giang - Cà Mau, dài hơn 22 km, cần khoảng 2 triệu m3 cát, hiện đã tiếp cận được trên 1 triệu m3.
Theo ông Dự, cát được tàu hút khai thác ở cửa biển thuộc tỉnh Sóc Trăng, sau đó bơm lên phương tiện vận tải, chuyển về công trình. Quá trình vận chuyển cát từ biển về đến Cà Mau mất khoảng 24 tiếng. Do bến đậu sà lan cách xa công trình, có đoạn lên đến vài km nên việc chuyển cát phải qua nhiều công đoạn bơm chuyền.
Ông Phạm Văn Tý, đội bơm cát tuyến cao tốc đoạn thuộc H.Thới Bình, cho biết các tổ máy bơm chuyền có hàng chục người phụ trách từ hút cát dưới sà lan, vận hành tổ máy và khuân vác ống. Nếu cát về nhiều thì nhân công sẽ được chia ca ra làm.
Ghi nhận vào chiều 10.7, tại đoạn kênh xáng Huyện Sử (H.Thới Bình), nhiều ghe cát biển và cát sông đang xếp hàng đợi bơm cát lên công trình.
Trước đó, ngày 29.6, mỏ cát biển ở Sóc Trăng với diện tích gần 100 ha chính thức được khai thác phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Bộ GTVT, từ đầu tháng 7.2024 sẽ thi công thí điểm đắp nền đường tại công trường của dự án thành phần cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Việc thí điểm được thực hiện sau khi cơ quan này phối hợp các bộ, ngành dùng 5.000 m3 cát biển đắp nền gần một km đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 (Bạc Liêu) - thuộc cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hồi năm 2023. Kết quả cho thấy, cát biển đáp ứng tiêu chuẩn về vật liệu thi công nền đường và thực hiện tương tự như cát sông.
Bình luận (0)