Chính thức khai thác mỏ cát biển cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

29/06/2024 12:31 GMT+7

Những tàu hút cát đầu tiên vừa chính thức nổ máy hoạt động tại mỏ cát biển rộng 99,95 ha thuộc vùng biển tỉnh Sóc Trăng để khai thác cát cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Thí điểm mở rộng trước khi sử dụng đại trà

Sáng 29.6, UBND tỉnh Sóc Trăng, Ban QLDA Mỹ Thuận (Bộ GTVT) và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C tổ chức lễ khởi công khai thác mỏ cát biển được giao để cung cấp cát cho thí điểm mở rộng đắp nền đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Chính thức khai thác mỏ cát biển cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 1.

Những vòi hút cát biển đầu tiên hoạt động trên khu vực biển giao cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C khai thác để cung cấp cát cho cao tốc

ĐÌNH TUYỂN

Theo quyết định giao khu vực biển cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C của Bộ TN-MT, khu vực biển được giao có diện tích 99,95 ha; độ sâu được phép sử dụng đến 7,5m, độ cao được phép sử dụng đến 5m tính từ mặt nước biển. Địa điểm khai thác tại tiểu khu B1.1 thuộc khu B1 vùng biển tỉnh Sóc Trăng (cách bờ Trần Đề khoảng 20km).

Những vòi hút cát biển đầu tiên hoạt động trên khu vực biển Sóc Trăng để cấp cát cho cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau


Cát biển khai thác sẽ cung cấp cho thí điểm mở rộng tại Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau). Thời gian khai thác khoáng sản từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày (không khai thác vào ban đêm).

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, trước đó, Bộ GTVT đã tổ chức thực hiện thi công thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Dự án thí điểm này đã đưa vào khai thác từ tháng 8.2023, đến nay tuyến đường vẫn ổn định và không có bất cứ ảnh hưởng gì đến sản xuất của người dân hai bên.

Chính thức khai thác mỏ cát biển cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 2.

Tàu hút cát biển được huy động để triển khai thi công ngay sau khi Bộ TN-MT có quyết định giao khu vực biển

ĐÌNH TUYỂN

Kết quả nghiên cứu thí điểm đã được Hội đồng cấp bộ đánh giá kết quả vào tháng 12.2023 cho thấy, cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 "Nền đường - thi công và nghiệm thu"; có đủ cơ sở để có thể sử dụng cát biển đắp nền đường ô tô trong các điều kiện môi trường tương tự như khu vực thi công thí điểm.

Cần được tiếp tục thí điểm mở rộng ở các dự án với cấp quy mô, cấp thiết kế cao hơn, cũng như thí điểm ở các điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường, nguồn vật liệu cát biển khác nhau để có cơ sở đánh giá một cách toàn diện trước khi sử dụng đại trà vật liệu cát biển để xây dựng đường ô tô.

Bên cạnh đó, xuất phát từ tính cấp thiết về nhu cầu cát đắp nền đường của Dự án bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cần Thơ - Cà Mau nhằm đảm bảo hoàn thành vào 31.12.2025, Bộ GTVT tiến hành tiếp tục tổ chức thí điểm mở rộng.

Đưa cát biển vào công trình từ 1.7

Sau lễ khởi công, cát biển sẽ được vận chuyển đến công trình để dự kiến thi công đắp nền đường từ ngày 1.7. Phạm vi thi công thí điểm mở rộng được lựa chọn: từ Km 81 + 000 đến hết phạm vi tuyến chính tại Km126+223 (thuộc địa bàn H.Hồng Dân, Bạc Liêu; H.Vĩnh Thuận, Kiên Giang; H.Thới Bình, Cà Mau) và đoạn tuyến nối Cà Mau từ Km 6+522 đến Km16+510 (thuộc địa bàn các huyện: Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước, tỉnh Cà Mau).

Chính thức khai thác mỏ cát biển cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 3.

Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn (thứ 2 từ trái qua) và Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu (thứ 2 từ phải qua) trao đổi cùng lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận

ĐÌNH TUYỂN

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, đối với công tác quản lý khai thác, thi công cát biển, Ban QLDA Mỹ Thuận đã chỉ đạo nhà thầu thi công tổ chức quản lý, khai thác, vận chuyển tuân thủ các nội dung quy định tại "Bản xác nhận" đã được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp, các quy định pháp luật liên quan trong suốt quá trình khai thác, sau khi kết thúc hoạt động khai thác cũng như đảm bảo an toàn hàng hải, đường thủy trên các tuyến vận chuyển.

Về công tác giám sát, đánh giá mức độ tác động trong quá trình thi công sử dụng cát biển, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho hay: "Để việc thi công cát biển được thuận lợi, không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực, Bộ GTVT cùng với UBND các địa phương có dự án đi qua phối hợp với chủ đầu tư trong việc kiểm tra, giám sát, theo dõi quá trình tổ chức triển khai thực hiện thí điểm mở rộng trên dự án. Việc mở rộng thí điểm thi công trên dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông có ý nghĩa hết sức quan trọng và là cơ sở để Bộ GTVT và các địa phương đánh giá, mở rộng phạm vi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với các dự án đường cao tốc đang được triển khai trong khu vực tại thời điểm hiện tại và tương lai".

Chính thức khai thác mỏ cát biển cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 4.

Khu vực biển giao cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C khai thác cát biển cách bờ Trần Đề (Sóc Trăng) khoảng 20km

ĐÌNH TUYỂN

Hiện Ban QLDA Mỹ Thuận đã có văn bản thông tin đến UBND các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau đề nghị phối hợp trong công tác giám sát môi trường, đồng thời mời các sở, ngành, địa phương liên quan tham gia công tác lấy mẫu, giám sát định kỳ.

Tại ĐBSCL, đến nay, đang triển khai thi công các dự án cao tốc như: Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Dự án An Hữu - Cao Lãnh và một số dự án trọng điểm khác với tổng nhu cầu nguồn vật liệu cát đắp khoảng 50 triệu m3.

Mặc dù đã được áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp mỏ vật liệu, các địa phương cũng đã tích cực triển khai và đã xác định được khoảng 37 triệu m3; tuy nhiên, nguồn cát sông và công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tiến độ thi công. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp các bộ ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp vật liệu thay thế, trong đó có việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại các khu vực phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.