Sách dạy kỹ năng sống - không phải chỉ thu hồi là xong

28/08/2015 08:41 GMT+7

Cả tháng nay, ngành giáo dục được mùa dư luận. Nào chuyện cộng điểm ưu tiên, lễ khai giảng hình thức, loạn đồng phục học sinh, tuyển sinh đại học… Chuyện nào cũng nóng bỏng bức xúc, chưa kịp nguôi thì có thêm bộ sách Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục.

Cả tháng nay, ngành giáo dục được mùa dư luận. Nào chuyện cộng điểm ưu tiên, lễ khai giảng hình thức, loạn đồng phục học sinh, tuyển sinh đại học… Chuyện nào cũng nóng bỏng bức xúc, chưa kịp nguôi thì có thêm bộ sách Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục. 

Học sinh trường THCS đang được thực hành đi trên thảm thủy tinh Học sinh THCS đang được thực hành đi trên thảm thủy tinh 
Tên sách nghe rất kêu, bởi “kỹ năng sống” đang là mốt thời thượng của bệnh hình thức trong giáo dục. Vì giáo dục lâu nay quá nặng về lý thuyết, xa rời thực tiễn cuộc sống nên phải bổ sung. Thế là có ngay những “chuyên gia” thức thời mở các lớp huấn luyện cấp tốc. Các trung tâm đào tạo kỹ năng sống ra đời như nấm sau mưa, dù chưa ai kiểm chứng nghiệp vụ của họ. Có ai cắc cớ, hỏi lại các chuyên gia “kỹ năng sống” là gì, đảm bảo, mỗi người sẽ trả lời một phách và ai cũng cho là mình đúng nhất.
Ở các nước, người ta dạy toàn chuyện thực tế, cụ thể. Từ cách ứng xử khi gặp người lạ, kẻ xấu đến việc hành xử khi lạc đường… Cao hơn là chuyện bơi lội và sơ cấp cứu. Các nước giàu đưa vào chính khóa, nước nghèo hơn thì ngoại khóa. Việt Nam còn nghèo chưa đưa môn bơi vào chính khóa được nhưng sơ cấp cứu và các phần khác thì hoàn toàn có thể. Ngay cả ngoại ngữ và các môn năng khiếu, nhà trường chưa dạy nhưng phụ huynh vẫn cố trang bị cho con em mình từ tuổi mẫu giáo, xem đó như là “đồ trang sức” của người lớn. Vấn đề là quan điểm giáo dục của cả nhà trường lẫn phụ huynh Việt Nam quá khác xa thiên hạ.
Trở lại với cuốn sách làm dậy sóng dư luận. Tác giả Phan Quốc Việt, có bằng tiến sĩ, là lãnh đạo của tập đoàn Tâm Việt mà Trung tâm Tư vấn và Đào tạo Phát triển ABA là thành viên. Tác giả cho biết: “Bài học dạy trẻ lớp 1 đi trên mảnh vỡ thủy tinh đã được Tâm Việt Group dạy học sinh 10 năm qua và chưa em nào bị chảy máu. Theo nguyên tắc trong vật lý, mảnh vỡ thủy tinh to cỡ 3 cm2 và độ dày 3 cm thì không thể cắt vào chân. Trên thảm thủy tinh, mảnh nào bé, thiết diện nhỏ thì áp suất lớn, sẽ bị chìm xuống dưới; mảnh nào to, thiết diện lớn thì áp suất bé, sẽ trồi lên trên. Và bao giờ giáo viên cũng dùng băng keo để dính lại những mảnh rất nhỏ. Như vậy đi trên thảm thủy tinh sẽ không bị đau, thậm chí còn êm chân”.
Thì ra vậy, để “thực hành lòng dũng cảm” phải có mảnh thủy tinh đồng kích cỡ và dùng băng keo dính các mảnh nhỏ. Làm vậy thì ai đi chẳng được. Ngài tiến sĩ kinh doanh “kỹ năng sống” cho mấy nhóm nhỏ, cả chục năm nay, giờ muốn mở rộng trung tâm, phát triển đại trà nên viết sách phổ biến. Thưa ông, huấn luyện vài nhóm nhỏ kiểu kinh doanh khác hẳn phổ cập đại trà trong giáo dục cả nước. Chẳng lẽ, mỗi giáo viên là một huấn luyện viên? Ông lý giải “Khi thực hành về lòng dũng cảm, giáo viên để học sinh chọn đi trên sỏi, đinh và mảnh chai. Trẻ chọn nhiều nhất là đi trên sỏi, sau đó là đinh, rồi mới đến thủy tinh. Tuy nhiên, sau khi làm bài tập thì học sinh mới biết là dễ đi nhất là thủy tinh, đến sỏi, rồi mới đến đinh. Tôi đã trải nghiệm nhiều lần, thậm chí cõng học sinh đi qua thảm thủy tinh và không hề việc gì. Quản trị cảm xúc không thể học thuộc lòng được, phải trải qua thực tế". Kể chuyện cho học sinh lớp 1 mà cứ ngỡ đang tham luận trong hội nghị của các nhà khoa học thần kinh.
Câu chuyện cô giáo cho trẻ đi trên thảm thủy tinh gây tranh cãi trong cuốn sáchCâu chuyện cô giáo cho trẻ đi trên thảm thủy tinh gây tranh cãi trong cuốn sách
Ông còn dạy “học sinh lấy kim tiêm tự đâm vào tay, rút ra sau đó tự cho thuốc đỏ rồi dùng bông băng lại. Trẻ nhỏ hiện nay thấy kim tiêm là khóc nên bài học này sẽ giúp trẻ đối diện với sợ hãi. Đây là kỹ năng sinh tồn và đa số chúng ta chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì tai nạn. Chúng tôi không dạy an toàn, mà chúng tôi dạy dũng cảm.". Càng đọc càng hoảng. Gót chân trẻ lớp 1 thành phố khác gót chân trẻ ở quê, càng khác với người lớn được luyện tập. Mọi hoạt động, đặc biệt là giáo dục thì an toàn luôn là số 1, là ưu tiên hàng đầu; mà ông bảo “chúng tôi không dạy an toàn” thì ai dám thử? Có gì phụ huynh và giáo viên phải tự chịu trách nhiệm.
Ông nói “Người lớn không cần lo trẻ con sẽ đọc và làm thử điều này ngoài đời thật, bởi vì khi chưa học thì chúng sẽ sợ, mà nếu sợ thì sẽ không bao giờ làm thử. Thực tế, một người không làm gì thì sẽ không có thất bại, trong khi ‘thất bại là mẹ của thành công’. Trẻ phải thấy chai vỡ thật, phải nghe tiếng ‘xoảng’, phải bước qua nó thì mới vượt qua được sợ hãi. Nếu không đối diện với thực tế thì khi chiến tranh, khó khăn, trẻ không biết đối mặt thế nào”… Cứ như ông đang chuẩn bị cho chiến tranh sắp xảy ra. Tôi không dám đọc tiếp vì thiếu dũng cảm. Chắc tại hồi nhỏ không được đi trên thủy tinh vụn hay tự lấy kim chích vào tay. 
Trách tác giả biên soạn 1 thì phải trách nhà xuất bản 3. “Nó lú, có chú nó khôn” nhưng tất cả cùng lú thì chí nguy. Cuối cùng thì sách dạy bậy cũng bị thu hồi, Bộ đang chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm. Nhà xuất bản còn chống chế: “Đây là sách tham khảo chứ không phải sách giáo khoa”. Nghe rất quen điệp khúc này. Sách giáo khoa địa lý từng quên vẽ bản đồ Hoàng Sa, cổng trường em treo cờ Trung Quốc… Nhưng đã sai, bậy thì sách gì cũng không thể chấp nhận. Bác sĩ, y tá chẩn đoán sai, điều trị biến chứng lập tức bị kỷ luật và dư luận phê phán, dù hậu quả chỉ gây cho một vài người. Còn báo chí, sách tham khảo, sách giáo khoa thì tha hồ tùy tiện thêu dệt, sai sót nhưng chỉ bị “kiểm điểm rút kinh nghiệm”, dù rằng hậu quả nguy hại khôn lường. Nó không chỉ làm méo mó cả kiến thức và nhận thức mà còn kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Với những cuốn sách kiểu Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 thì không chỉ bị thu hồi và rút kinh nghiệm là xong việc. Những sai lầm về kiến thức và khoa học cần phải được xử lý nghiêm minh và thỏa đáng để đảm bảo những việc tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.