SỐ LƯỢNG SÁCH PHỤ THUỘC VÀO SỰ LỰA CHỌN CỦA HỌC SINH
Tình trạng thiếu sách giáo khoa (SGK) những năm gần đây thường xảy ra trầm trọng ở những lớp chỉ còn học theo sách cũ năm cuối cùng, sang năm sẽ thay sách. Ngoài nguyên nhân do nhà xuất bản (NXB) in sách cầm chừng thì nhiều nhà sách cho biết họ không dám mạo hiểm nhập nhiều SGK mà sang năm sẽ không còn giảng dạy nữa vì không có người mua. Do vậy, nếu phụ huynh không mua sớm thì sẽ không mua được.
Trả lời PV Thanh Niên về việc liệu có khắc phục được tình trạng này đối với SGK các lớp sang năm sẽ thay sách (lớp 5, 9, 12) hay không, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục VN, cho biết đối với SGK các lớp 5, 9, 12, NXB Giáo dục VN đã in 24,8 triệu bản (101% kế hoạch), đã nhập kho 24,2 triệu bản (98% kế hoạch) đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời.
SGK của các môn học lựa chọn ở lớp 10 năm ngoái cũng xảy ra tình trạng khan hiếm dù đã khai giảng năm học mới một thời gian khá dài. Năm nay, bước vào năm thứ 2 đổi mới SGK ở cấp THPT, ông Tùng cho biết đối với SGK lớp 10 và lớp 11, ở nhiều môn học, học sinh (HS) sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của HS tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể.
Theo ông Tùng, lường trước thực tế này, NXB Giáo dục VN đã triển khai bám sát các địa phương, nhà trường để nắm bắt cụ thể số lượng từng tên sách và số lượng cần cung ứng; đồng thời đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện (về vật tư, về nhà in…) để triển khai in cuốn chiếu ngay đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời.
"Trên thực tế, có hiện tượng các đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ sẽ hạn chế nhập SGK lớp 10, lớp 11 hoặc không nhập đủ các tên sách do không nắm được chính xác nhu cầu sử dụng trên địa bàn, vì vậy có thể xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ một số tên sách cụ thể", ông Tùng cho hay.
Để giải quyết tình huống này, ông Tùng thông tin NXB Giáo dục VN đã chỉ đạo các công ty phát hành sách tại địa phương tăng cường hệ thống bán lẻ, bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại… nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tại các địa phương. Bên cạnh đó, NXB Giáo dục VN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện bày bán đầy đủ SGK, tăng thêm thời gian bán hàng để tạo điều kiện tốt hơn cho khách hàng có thể tìm mua SGK tại các TP lớn.
MỚI CÓ 13/63 TỈNH THÀNH ĐĂNG KÝ SỐ LƯỢNG SGK
Ông Nguyễn Văn Tùng cũng chia sẻ, khó khăn lớn nhất là các địa phương chậm chọn và đăng ký số lượng SGK các lớp 4, 8, 11 để NXB triển khai in cho năm học 2023 - 2024. Đến ngày 12.7, NXB Giáo dục VN mới nhận được đăng ký số lượng SGK của 13/63 tỉnh, thành.
Trước thực tế này, NXB Giáo dục VN đã nắm bắt thông tin từ các địa phương để xây dựng kế hoạch dự kiến nhằm tổ chức in sớm, đồng thời cập nhật thông tin để điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu của địa phương. NXB Giáo dục VN đã xây dựng kế hoạch in dự kiến là 51,41 triệu bản và đã tổ chức mua sắm dịch vụ in rộng rãi (đấu thầu rộng rãi) theo quy định của pháp luật, kết hợp với các phương thức in khác để huy động tối đa năng lực của các nhà in trong cả nước nhằm có đủ sách phục vụ HS trước khai giảng năm học mới.
Đơn vị phát hành bộ SGK Cánh diều lãi khủng
Theo báo cáo tài chính năm 2022 của CTCP Đầu tư Xuất bản và Thiết bị Giáo dục VN (VEPIC, công ty làm bộ SGK Cánh diều), tổng doanh thu của đơn vị này là hơn 615,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập hơn 46 tỉ đồng. Cơ cấu doanh thu của VEPIC trong năm 2022 ghi nhận chủ yếu đến từ hoạt động bán sách, chiếm gần 98% trên tổng doanh thu của công ty.
Kết quả kinh doanh năm 2022 mà VEPIC đạt được tăng gần gấp đôi so với năm trước đó. Năm 2021, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty này đạt 317 tỉ đồng. Năm 2020, khi đơn vị này bắt đầu tham gia làm SGK thì doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp cũng bắt đầu tăng vọt (lên 188 tỉ đồng). Còn lợi nhuận trong năm này là trên 22 tỉ đồng.
Trong khi đó, khi chưa tham gia làm SGK, kết quả kinh doanh của VEPIC lỗ triền miên: năm 2017 lỗ hơn 1,8 tỉ đồng; năm 2018 lỗ hơn 10,3 tỉ đồng; năm 2019 lỗ 14,4 tỉ đồng. Năm 2017 - 2019 doanh thu chỉ từ 4 - 6 tỉ đồng tùy từng năm. Như vậy, so với giai đoạn 2017 - 2019, thì năm 2022 doanh thu của VEPIC đã tăng tới 100 lần.
Hiện nay, NXB Giáo dục VN đang phối hợp chặt chẽ cùng các nhà in đẩy nhanh tiến độ, tổ chức cho công nhân làm tăng ca, thêm giờ để nỗ lực đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trước thực trạng thiếu điện, một số nhà in bị cắt điện luân phiên, NXB Giáo dục VN đã triển khai các giải pháp bổ sung nhằm đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ SGK trước khai giảng năm học mới. Ví dụ, huy động công nhân tập trung thực hiện các phần việc không sử dụng máy móc trong thời gian cắt điện; bám sát tiến độ in nhập kho từng ngày, cử cán bộ bám trụ tại nhà in để giám sát, đẩy nhanh tiến độ in nhập kho; ưu tiên in SGK trước, sách bài tập, sách giáo viên sau; in sách tập 1 trước, sách tập 2 sau….
Theo ghi nhận của Thanh Niên, các năm trước, việc thiếu SGK cục bộ diễn ra trên hầu khắp cả nước; tuy nhiên với các tỉnh lẻ, tình trạng này trầm trọng và kéo dài hơn. Năm nay, NXB Giáo dục VN đã chỉ đạo các công ty phát hành bám sát, cập nhật sát với nhu cầu của các địa phương để kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch; chỉ đạo NXB Giáo dục ở các miền tổ chức in gấp, nhập nhanh đối với những kế hoạch phát sinh; các công ty đầu mối điều chuyển sách, cung ứng gấp để giải quyết sớm nhất các điểm nóng (nếu có) bằng mọi phương thức, kể cả bằng đường hàng không. Ngoài ra, tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận, hỗ trợ giáo viên, HS gặp khó khăn khi tìm mua SGK và các vấn đề có liên quan.
"Tùy theo diễn biến thực tế thị trường, NXB Giáo dục VN sẽ điều chỉnh và bổ sung những giải pháp phù hợp để đảm bảo cung ứng đủ SGK trước khai giảng năm học mới", ông Tùng khẳng định.
Bình luận (0)