Hà Nội chuyển sang bắt buộc
Ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết từ năm học 2016 - 2017, Hà Nội triển khai đại trà bắt buộc tại 100% các trường THPT, mỗi trường có ít nhất 2 lớp 10 dạy sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới, những lớp 10 còn lại tiếp tục dạy học theo SGK hiện hành. Từ năm học 2017 - 2018, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai mỗi trường có ít nhất 3 lớp 10 SGK theo chương trình mới.
Ông Dũng cho biết thêm, từ năm học 2012 - 2013, chương trình - SGK tiếng Anh mới đã đưa vào thí điểm đối với lớp 10 trường THPT, số lượng thí điểm tăng mạnh theo từng năm và năm nay Sở GD-ĐT quyết định triển khai đại trà tới 100% các trường. Tuy nhiên, do điều kiện về đội ngũ giáo viên, năng lực của học sinh (HS)... nên vẫn chưa thể triển khai tới tất cả các lớp 10 trên toàn thành phố.
Theo ông Dũng, khi thực hiện chương trình tiếng Anh mới, Hà Nội cũng chọn SGK của Đề án ngoại ngữ 2020, HS sẽ học tối thiểu 3 tiết/tuần với các chủ điểm, chủ đề quen thuộc, gần gũi; quan tâm đầy đủ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết với định hướng phát triển toàn diện các kỹ năng ngôn ngữ; tạo hứng thú học tập cho HS và đánh giá HS theo kết quả tốt nghiệp.
|
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2015 - 2016, ở bậc THPT, 56 tỉnh/thành phố tiếp tục triển khai đối với lớp 10 với số lượng 37.000 HS (7 tỉnh chưa triển khai gồm TP.HCM - triển khai theo kế hoạch riêng, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lai Châu).
Khi dự thảo Đề án đổi mới chương trình - SGK sau 2015 được công bố, trả lời thắc mắc của PV Thanh Niên về việc không thấy nhắc đến môn ngoại ngữ vậy khi thay đổi chương trình - SGK phổ thông thì chương trình - SGK ngoại ngữ đang thí điểm hiện nay có thay đổi không, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay Đề án 2020 cũng nằm trong đề án đổi mới chương trình - SGK sau 2015. Khi thiết kế chương trình mới cũng phải dành thời lượng cho việc học ngoại ngữ theo đúng quy định của Đề án ngoại ngữ. Như vậy, theo ông Hiển, môn ngoại ngữ được cho là đi trước một bước. Sau khi thực hiện chương trình - SGK mới thì sẽ không thay SGK ngoại ngữ nữa mà chỉ điều chỉnh SGK thí điểm hiện nay.
Trước thực tế một số thành phố lớn có vẻ không mặn mà với SGK ngoại ngữ (thí điểm) của Bộ, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng đó là việc bình thường, khi chủ trương đổi mới theo hướng có một chương trình, nhiều bộ SGK thì việc chọn bộ sách nào để giảng dạy sẽ là quyền của các địa phương, nhà trường miễn là HS dù học sách nào cũng đạt được những tiêu chuẩn chung. Tuy nhiên, ông Hiển cho biết nhiều nơi chưa đủ điều kiện triển khai đại trà cũng như chưa được chọn thí điểm thực hiện đề án nhưng đã xin thực hiện chương trình - SGK ngoại ngữ này, để HS được học như môn học tự chọn.
Với Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng thông tin từ năm học này tất cả các trường THPT đều sử dụng SGK của đề án. Những lớp học tăng cường ngoại ngữ có thể học các tài liệu khác để bổ trợ cho HS. Tuy nhiên, ông Dũng nhấn mạnh: “Các trường có thể sử dụng tài liệu khác để bổ trợ cho bài giảng dựa trên các tiêu chí quy định trong chương trình khung do Bộ GD-ĐT ban hành nhưng phải lưu ý dạy hết kiến thức trong SGK theo quy định trước khi bổ sung tài liệu bổ trợ. Không được tự ý dùng tài liệu bổ trợ để thay thế SGK”.
Học sinh không mặn mà tiếng Anh theo đề án
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm học 2016 - 2017 sẽ tiếp tục triển khai dạy học tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ 2020 ở bậc THCS tại một số trường như: Minh Đức (Q.1), Lê Quý Đôn (Q.3), Trung học Thực hành Sài Gòn (Q.5), Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh). Sở cũng bắt đầu triển khai dạy chương trình này ở 3 trường THPT là Lương Thế Vinh (Q.1), Trung học Thực hành Sài Gòn (Q.5) và Gia Định (Q.Bình Thạnh). Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng GD trung học Sở GD-ĐT, cho biết: “Căn cứ vào số lượng HS lựa chọn chương trình tiếng Anh đề án, các trường tổ chức các lớp học phù hợp và sử dụng bộ SGK của chương trình do Bộ quy định”.
Tuy nhiên, trong thực tế, HS ở 3 trường THPT được triển khai không mặn mà với chương trình tiếng Anh này. Lãnh đạo Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh) cho biết: “Nhà trường có tổ chức cho HS lựa chọn, tuy nhiên chỉ có 2 HS đăng ký nên không thể tổ chức lớp học. Trường đành động viên các em chuyển qua học chương trình tiếng Anh tăng cường”. Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, thông tin: “Trong tổng số gần 400 HS lớp 10 của trường chỉ có 4 HS đăng ký học tiếng Anh đề án. Do vậy trường cũng không tổ chức được lớp riêng biệt”.
Tình hình tương tự tại Nghệ An. Bà Lê Thu Hương, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP.Vinh, cho biết HS không mặn mà với chương trình tiếng Anh thí điểm. Bằng chứng là 2 năm trước mỗi năm còn tổ chức được một lớp dạy tiếng Anh theo chương trình SGK mới, nhưng năm nay do số lượng HS lớp 10 đăng ký không đủ để tổ chức lớp nên trường không còn lớp thí điểm mới nào.
Theo bà Hương, nguyên nhân là do HS khá thực dụng khi nhìn vào cách thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia hiện nay, đề thi chỉ có trắc nghiệm và một phần nhỏ viết luận. Trong khi đó, nếu học theo chương trình - SGK mới thì kiểm tra đòi hỏi yêu cầu cao hơn với cả 4 kỹ năng nên điểm của HS học chương trình SGK mới thường thấp hơn so với HS học chương trình hiện hành.
Bích Thanh - Tuệ Nguyễn
|
Bình luận (0)