Sách hay: Chọn lựa tự do

29/07/2023 00:43 GMT+7

Trong diễn từ nhận giải Nobel Văn chương 2010, nhà văn Peru Mario Vargas Llosa có đưa ra một ý tưởng cô đọng và độc đáo về văn chương.

Theo ông: "Văn chương là hình ảnh không thật về cuộc đời, nhưng nó lại giúp ta hiểu cuộc đời một cách tốt hơn, giúp ta định hướng trong cái mê hồn trận nơi ta ra đời, ta đi qua và chết".

Trước đó 13 năm, ông đã có những diễn giải về ý tưởng này thông qua cuốn Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ (Ngân Xuyên dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2023 - tựa gốc tiếng Tây Ban Nha: Cartas a un joven novelista, 1997).

Sách hay: Chọn lựa tự do - Ảnh 1.

Nhà văn Mario Vargas Llosa

Tư liệu

Có thể nói, đây là cuốn sách trình bày lược đồ quan niệm văn chương của Mario Vargas Llosa được thể hiện hàm súc, mạnh mẽ và hùng hồn nhất dưới dạng những bức thư.

Đưa kinh nghiệm văn chương vào các bức thư là hình thức không mới - thực sự trước đó, có những nhà văn đã chọn cách này - độc giả Việt Nam có thể đã biết đến cuốn Những lá thư gửi thi sĩ trẻ của Rainer Maria Rilke. Dẫu vậy, các "bức thư" văn chương của những bậc thầy dành cho đối tượng giả định "mới viết" vẫn luôn quyến rũ, bởi thực ra đó là một phương thức phân thân, để tác giả có thể đi vào câu chuyện văn chương một cách tự nhiên và chân thành nhất. Nguồn nhiệt hứng và háo hức với văn chương luôn đặt cạnh sự trầm tĩnh và nghiệm sinh sâu sắc.

Văn chương, là kết quả của "lựa chọn tự do"

Có thể đặt ngay câu hỏi, vậy thì trong tư cách một người viết tiểu thuyết hàng đầu, Mario Vargas Llosa quan tâm đến vấn đề gì qua những bức thư này? Cuốn sách có 12 "bức thư", trình bày các vấn đề phổ quát mà một người viết (và đọc) tiểu thuyết nên quan tâm, rạch ròi: tương quan nhà văn với văn chương của anh ta, sức thuyết phục của một tác phẩm thực sự nằm ở những khía cạnh nào, phong cách một nhà văn, các cấp độ hiện thực trong tác phẩm, những chuyển động nội tại của một tác phẩm, thực tế bị che giấu trong tiểu thuyết... Ở mỗi vấn đề, bằng sự uyên bác và một lối văn chính xác, lý tính, Llosa giúp cho người viết tiểu thuyết nói riêng và sáng tác văn chương nói chung không chỉ chú ý tới những phương diện kỹ thuật, thực hành văn chương mà còn mở ra những tự vấn cần thiết cho công việc sáng tạo.

Mario Vargas Llosa, sinh năm 1936, là tiểu thuyết gia nổi tiếng người Peru. Tác phẩm của ông có sức ảnh hưởng lớn ở khu vực văn học Mỹ Latin hiện đại và thế giới.

Các tiểu thuyết của ông từng được dịch ra tiếng Việt: Dì Hulia và nhà văn quèn, Trò chuyện trong quán La Catedral, Thành phố và lũ chó.

Ông được trao giải Nobel Văn chương năm 2010.

Ở "bức thư" đầu sách, có tựa Truyện ngụ ngôn về con sán dây, Llosa nói về tương quan nội tại của nhà văn với văn chương. Ở đây, nhà văn Peru không phủ định yếu tố năng khiếu - thứ khiến cho một người nghĩ rằng viết văn là cách sống tốt nhất có thể mà không màng tới các phần thưởng xã hội, chính trị hay tài chính do văn chương mang lại - nhưng ông cũng muốn giải ảo những gì được tạo liên quan tới năng khiếu văn chương như: định mệnh, thiên bẩm. Văn chương, với ông là kết quả của "lựa chọn tự do". Người viết chịu những thôi thúc về việc phải kiến tạo một thế giới tưởng tượng (có thể nói khác đi là "bịa đặt") để thay cho cái thực tế luôn "hỏng hóc" mà người viết có mầm mống bất mãn, phản kháng đang tồn tại. Ở đó, nhà văn sống một cuộc đời khác.

Về ý này, Flaubert, một trong những thần tượng mà Mario Vargas Llosa từng nhiều lần bày tỏ sự kính trọng, cho rằng: "Văn chương chỉ là một cách sống khác".

Theo Mario Vargas Llosa, nhà văn sống cho cuộc đời bên trong mình, nuôi sống văn chương như phải nuôi sống một loài ký sinh trùng nằm trong cơ thể (mà ở đây, ông so sánh với con sán dây hay con quỷ nổi loạn).

Dưới nhãn quan của Mario Vargas Llosa, nhà viết tiểu thuyết, không nghi ngờ gì, nôm na là những kẻ bịa chuyện, mà nói cụ thể hơn, là những nhà phản kháng quyết liệt và xây dựng lại đời sống trong các câu chuyện anh ta viết. Điều này giải thích cho sức mạnh của văn chương trong thực tế.

Tuy nhiên, "bịa đặt" thế nào để trở thành một tác phẩm thuyết phục? Tác giả tiểu thuyết Thành phố và lũ chó viết: "Văn chương là sự giả tạo thuần túy, nhưng văn chương lớn thì biết cách che giấu điều đó, còn văn chương tầm thường thì phơi nó ra".

Sách hay: Chọn lựa tự do - Ảnh 3.

Tác phẩm Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ

N.V.N

Như một người soi dẫn uyên bác, Mario Vargas Llosa đưa ta đi qua những thành tựu lưu dấu trong các tác phẩm lớn của Cervantes, Flaubert, Joyce, Marcel Proust, Borges, Kafka, Faulkner... để dẫn giải câu chuyện xây dựng thi pháp không gian, thời gian trong tiểu thuyết, cấu trúc và bố cục, điểm nhìn tự sự… Chi tiết, đó là những dẫn giải cần thiết không chỉ với người viết, mà còn cần cho người đọc tiểu thuyết, để có thể đi sâu hơn vào một tác phẩm và thậm chí để có những cơ sở đánh giá xác đáng hơn về một tác phẩm mà ta đọc.

Cuối cùng, điều này cần cho người đọc tiểu thuyết: Liệu có nên tách riêng chủ đề, phong cách, trật tự, điểm nhìn... của một tác phẩm để đánh giá hay không? Không. Mario Vargas Llosa đi từ kinh nghiệm đọc và viết của mình, cho rằng tác phẩm là "một vũ trụ tưởng tượng vô cùng tận nơi tất cả các truyện cùng tồn tại và kết nối mật thiết với nhau". Vì thế, tất cả chúng là một chỉnh thể liền khối.

Điều thú vị của cuốn sách là trong phần tái bút, ông khuyên "nhà tiểu thuyết trẻ" - đối tượng giả định của những bức thư - hãy quên những điều được coi là cẩm nang này đi, mà hãy ngồi xuống viết cuốn tiểu thuyết của mình!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.