Sách hay: Du ký Việt Nam độc đáo trên Nam Phong tạp chí

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
06/04/2024 06:33 GMT+7

Khác với nhiều cuộc hành trình vượt ra khỏi biên giới VN như Pháp du hành trình nhật ký (Phạm Quỳnh), Hạn mạn du ký (Nguyễn Bá Trác), Ai Lao hành trình (Trần Quang Huyến)…, những chuyến du hành trong nước khi mà các phương tiện giao thông còn thô sơ, việc đi lại còn rất hạn chế trong Du ký Việt Nam - từng in trên Nam Phong tạp chí, không chỉ có giá trị về mặt văn học, mà còn cung cấp nhiều thông tin quý giá về lịch sử, văn hóa, tập quán các vùng miền rất thú vị và hấp dẫn.

VUA TẾ TRỜI Ở ĐÀN NAM GIAO

Hai tập của tựa sách Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí được nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu (NXB Trẻ vừa ấn hành), mở đầu bằng câu chuyện Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh (đăng số 10, tháng 4.1918), kể chi tiết việc tác giả vào Huế chơi, được diện kiến nhà vua và có mặt trong lễ tế trời đàn Nam Giao.

Sách hay: Du ký Việt Nam độc đáo trên Nam Phong tạp chí- Ảnh 1.

Bìa sách Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí

Đàn nằm ngay giữa cánh đồng, theo tác giả Phạm Quỳnh ước tính thì nhìn bao quát chừng khoảng gấp đôi Văn Miếu (Hà Nội). Ngày thường đàn bỏ không, chỉ khi "nhà có việc" mới căng vải dựng nhà, tế xong lại triệt đi. Đàn thứ nhất căng vải xanh thành nhà tròn gọi là thanh ốc, ở giữa đặt hai án chính vị: tả thờ Thiên hoàng (trời), hữu thờ Địa kỳ (đất), quay mặt về phía nam. Ở hai bên tả hữu đặt 3 án phối vị, đông tây đối nhau: tả nhất án thờ đức Nguyễn Hoàng, hữu nhất án thờ đức Gia Long; tả nhị án thờ đức Minh Mạng, hữu nhị án thờ đức Thiệu Trị; tả tam án thờ đức Tự Đức, hữu tam án thờ đức Đồng Khánh.

Tác giả Phạm Quỳnh cho biết thêm: "Thành thứ nhì ở trước viên đàn về mặt nam dựng nhà vuông căng vải vàng gọi là hoàng ốc. Chính giữa hoàng ốc đặt ngoại hương án, trước án đặt chỗ ngự bái để Hoàng thượng đứng tế. Thành thứ ba góc đông nam đặt liệu sở, trữ sẵn củi bằng gỗ tùng để khi tế đốt lửa làm đình liệu, góc tây bắc là chỗ chôn mao huyết những sinh vật dâng tế…".

Quá trình tế Nam Giao diễn ra thật hoành tráng. Sách đã dẫn kể: "Đúng 2 giờ 40 phút thì Ngự giá tự Trai cung ra Giao đàn. Hoàng thượng đội mũ miện, mặc áo cổn, tay cầm ngọc trấn khuê, có hai ông quan võ cầm quạt lông che, bốn ông cầm đèn lồng, cầm nến rồi có mấy ông đi theo sau nữa. Ngài ngự vào nhà đại thứ làm lễ quán tẩy (rửa tay). Bấy giờ quan cung đạo (Lễ bộ), quỳ tâu rước ngài lên nhà hoàng ốc. Trống chuông nổi lên, Hoàng thượng tiến vào đứng trước ngoại hương án. Phàm các lễ tiết là do những quan nội tán xướng tâu, Hoàng thượng cứ y lời mà hành lễ…".

Từ khai tế cho đến khi tế xong, thời gian kéo dài khoảng 2 giờ. Cũng theo bài viết tiết lộ, sau khi xong việc ở Giao đàn, Hoàng thượng về nghỉ ngơi, thay áo vàng ngự lên ngai để các quan làm lễ khánh thành ở trước sân Trai cung. "Lễ xong, ông Quản vệ bày loan giá, phụng Hoàng thượng lên ngồi rước về cung, nghi vệ cũng y như khi đi. Chỉ khác trống chuông đều đánh, quân nhạc, đại nhạc, nhã nhạc đều cử. Hai bên đường các kỳ lão quỳ tống ở cạnh hương án. Đến cửa Ngọ Môn quan Kinh thủ đã đứng sẵn ở bên hữu để đón. Ngoài thành bắn 9 tiếng súng mừng… Hoàng thượng tiến vào trong Đại nội. Quan thị vệ mang phần rượu phúc thịt tộ đi theo sau…".

GIÁO DỤC TÌNH YÊU SỬ VIỆT

Không chỉ miêu tả chi tiết về các lăng điện xứ Huế, từ cách bài trí cho đến những câu chuyện "hậu cung" triều Nguyễn lý thú trong sách, loạt bài du ký Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh của Nguyễn Đức Tánh (đăng liên tục 6 kỳ từ tháng 11.1928 - 7.1929) còn tiết lộ các lễ nghi phong tục, những truyện truyền kỳ, nhiều nhân vật có tiếng ở miền An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), nửa thuộc Đàng Trong, nữa thuộc Đàng Ngoài, quan hệ mật thiết với lịch sử Đại Việt: Từ việc vua Lê Thái Tổ đánh Tàu cho đến cuộc chiến tranh nhà Nguyễn với nhà Trịnh…., giải đáp nhiều "nghi án", giúp cho độc giả, nhất là những người trẻ càng thêm yêu sử Việt.

Sách hay: Du ký Việt Nam độc đáo trên Nam Phong tạp chí- Ảnh 2.

Sông Sài Gòn thập niên 1920 qua ống kính Léon Ropion

BELLEINDOCHINE.FREE.FR

Về đất phương nam, đọc Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn của tác giả Mẫu Sơn Mục N.X.H với cuộc ngao du thú vị bằng đường bộ "mắt thấy tai nghe" (Nam Phong tạp chí tháng 5.1928). "TP.Biên Hòa tuy nhỏ mà đông đúc vui vẻ lắm. Hàng cao lâu của các chú rất là náo nhiệt, xe ô tô tư, xe ô tô hàng đi lại rầm rập, xe ngựa cho thuê đứng đầy một khu đất tại chợ. Con sông ở cạnh TP to và đẹp lắm, nước sông đầy ăm ắp, hai bên bờ thì dân cư cây cối, có nhiều dừa, sầm uất lắm".

Mô tả về Sài Gòn - Chợ Lớn, tác giả Mẫu Sơn Mục N.X.H so sánh: "Chợ Lớn lại càng vui hơn Sài Gòn. Buổi tối, đèn điện ở Sài Gòn thắp đã nhiều, mà ở Chợ Lớn lại nhiều hơn, cứ như ngày hội". Về trang phục người Sài Gòn cũng lạ: "Đàn bà sang trọng thì quần áo và khăn quàng đều là nhiễu hoa trắng, người làm ăn thì quần áo toàn là vải đen, trên đầu vắt một cái khăn vải trắng, dòng dọc đen dài độ ba bốn vuông. Áo toàn là hai ống tay chật nít lại và gài khuy cổ cá…".

Sách hay: Du ký Việt Nam độc đáo trên Nam Phong tạp chí- Ảnh 3.

Kênh Tàu Hủ và cầu Malabars trong Chợ Lớn thập niên 1920 qua ống kính Léon Ropion

BELLEINDOCHINE.FREE.FR

Tác giả Phạm Quỳnh đúc kết trong Một tháng ở Nam Kỳ: "Ở Sài Gòn thật là có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây. Vào đến Chợ Lớn thì lại ra cái cảm giác một nơi đô hội theo lối Tàu. Còn các châu thành khác ở Lục tỉnh thì những nơi quan sở là Tây mà chốn phố phường là Tàu, phần An Nam thật ít lắm. Xét về những phương diện đó thì những nơi đô hội Bắc Kỳ, tuy coi cũ kỹ mà còn có cái vẻ An Nam hơn".

Và cứ thế, bức tranh toàn cảnh Nam - Bắc những năm đầu thế kỷ 20 hiện rõ mồn một qua bộ sách Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí vô cùng cuốn hút và độc đáo. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.