Không chỉ nổi tiếng về mặt văn chương, mà tác phẩm này còn được chuyển thể dưới nhiều hình thức và đã đạt được những tiếng vang riêng. Vào năm 1985, phiên bản điện ảnh do đạo diễn Steven Spielberg đảm nhận từng nhận 11 đề cử Oscar nhưng không chiến thắng. Mới đây, phiên bản nhạc kịch 2023 cũng chỉ có 1 đề cử ở mục diễn xuất. Trong 2 lần ấy thì Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ đều bị chỉ trích vì thiếu công bằng, nhưng chính những lần trở lại đã càng khẳng định vị thế tuyệt đối của Màu tím và Alice Walker trong dòng văn chương da màu.
Hai ngã rẽ riêng
Cuốn sách xoay quanh hành trình của 2 chị em Celie và Nettie khi họ chạy trốn khỏi sự lạm dụng của người cha dượng vì mẹ giờ đã qua đời. Ở tuổi 14, Celie được gả cho một người đàn ông trung niên để về làm vợ, làm mẹ của lũ nhóc con, bởi y đã giết vợ cũ chỉ vì ghen tuông. Nettie sau đó cũng trốn khỏi nhà, nhưng do không có nơi nào để đi, nên đã nương tựa vào gia đình của một mục sư, sau đó tham gia vào việc truyền đạo ở tận châu Phi. Cách nhau biền biệt gần 3 thập niên, liệu 2 chị em có gặp lại nhau, và họ đã phải trải qua những điều khủng khiếp nào?
Dễ thấy motif một cặp chị em và những ngã rẽ tương đối phổ biến trong văn chương da màu. Nếu 2 chị em Yêu dấu và Denver trong cuốn Yêu dấu của Toni Morrison đại diện cho quá khứ - hiện tại; 2 chị em Desiree và Stella trong Nửa kia biệt tích minh chứng cho các phản ứng tự khinh màu da - tự tôn sắc tộc; thì Nettie và Celie trong cuốn sách này lại ngầm ý cho những cách đương đầu với cuộc sống riêng, khi một bên phản kháng - một bên chịu đựng. Alice Walker chia cuốn tiểu thuyết ra làm 2 nửa, để rồi từ đó chính sự khác biệt tự làm nổi bật lên phía còn lại.
Nhưng dù chọn lựa thế nào thì hành trình ấy cũng không dễ dàng. Trong khi Celie phải biến bản thân thành một khúc gỗ thì mới có thể sống sót sau nhiều thập niên làm việc quần quật, lẳng lặng chịu đựng khi chồng đưa nhân tình về hay bị bạo hành…, thì Nettie lại hướng đến thứ lớn hơn và hùng vĩ hơn, vì Chúa, vì điều vĩ đại, vì chủng tộc và vì cộng đồng ở tận ngôi làng Olinka hư cấu xa xôi ở Tây Phi trong việc truyền giáo.
Từ chính nỗi đau của một cá nhân, Alice Walker đã nhân nó lên thành mất mát của một chủng tộc. Với Celie, đó là sự thuần phục chủ nghĩa gia trưởng, là việc ý thức bản thân không hơn một vật vô tri khi thiếu may mắn trở thành phụ nữ. Trong khi Nettie dù có học vấn, dù có chỗ dựa chính là niềm tin, thì cô vẫn không thoát khỏi nỗi hoài nghi: Vì sao trong quá khứ chỉ vì lòng tham mà chính tổ tiên đã bán con dân của mình lên các con tàu buôn nô lệ, để rồi nhiều thế kỷ sau, vẫn những người ấy cũng đang tiếp tay cho chủ nghĩa tư bản và sự hiện đại sục sâu vào nền văn hóa đậm tính cộng đồng rồi phá hủy nó?
Tác phẩm chạm đến cốt tủy
Thế nhưng có một điểm chung là họ không ngừng đấu tranh cho cuộc đời mình. Cũng như hạn chế của những phong trào mang tính cấp tiến, Alice Walker hiểu rõ bình đẳng không thể đạt được thông qua đả kích, cực đoan hay bạo lực, mà phải cùng nhau đoàn kết và hợp sức lại. Điều này được thể hiện qua khung cảnh những người phụ nữ cùng nhau đan chiếc chăn bông, bởi đây chính là hành động bất khả xâm nhập mà đức ông chồng không thể chen vào.
Ngoài ra đó cũng chính là lựa chọn của Celie, khi cô mạnh mẽ thổ lộ lòng mình với Shug - một nữ ca sĩ tự mình làm chủ vận mệnh, từ đó họ đến với nhau hồn nhiên như cây như cỏ. Ngoài ra còn là Sofia - người không cam chịu hành động đè đầu cưỡi cổ của chồng dù rất yêu anh… Khép lại cuốn sách, khi Celie giờ đã thoát khỏi "địa ngục trần gian", Walker cũng cho chính nhân vật này làm nghề may quần - đồ vật vốn dĩ những người phụ nữ từng không được diện, như ngầm ý nói mọi chuyện giờ đây đã khác, giờ họ được sống tùy theo ý mình.
Và có thể vì ý tưởng có phần khắt nghiệt, vì cách khắc họa những người đàn ông không được tích cực hay việc xây dựng mối quan hệ đồng giới… mà cùng với Mắt nào xanh nhất của Toni Morrison, Màu tím là một trong những cuốn sách bị cấm nhiều nhất trong các trường học ở Mỹ. Thông qua đó nó cũng cho thấy hóa ra con người sợ hãi phải đối mặt với chính tội lỗi và những thiếu sót của bản thân mình đến mức độ nào. Nhưng chính việc được chuyển thể liên tục, đã đoạt giải Pulitzer và giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ khi mới vừa ra mắt… đã chứng minh cho sức sống trường tồn và lời vạch trần không hề khoan nhượng của Alice Walker với một chế độ, một thể chế đã từng tồn tại.
Cho đến sau cùng, ta nhận thấy tầm vóc lớn lao ấy vốn dĩ đạt được bởi vì tác giả đã không nhắm đến bất cứ người nào. Màu tím, nói rộng hơn là sự giải phóng những người da màu ra khỏi định kiến đã kìm kẹp mình, để đưa họ đến với tinh thần chung, để họ biết rằng vị Chúa mà mình tôn thờ không phải là một cá thể, mà là cảm giác khi được tự do, được là chính mình, cũng như được sống với chính những gì mình thương yêu nhất. Khi đạt đến được điều đó, họ sẽ thấy mình như có tất cả.
Cho đến cuối cùng, với sự hòa mình vào với cuộc đời, Alice Walker đã gửi gắm bài học về sự bao dung, lòng trắc ẩn cũng như niềm tin vào sự thay đổi. Màu tím là một tác phẩm dữ dội, chạm đến cốt tủy của những vấn đề mang tính chủng tộc, giới tính và bất bình đẳng dày đặc bất công, nhưng chính việc hóa giải nó bằng sự yêu thương và tình đoàn kết đã càng khẳng định vị trí không thể thay thế của cuốn sách trong nền văn chương da màu nói riêng và văn học thế giới nói chung.
Alice Walker sinh năm 1944, là nhà văn, tác giả truyện ngắn, nhà thơ và nhà vận động xã hội người Mỹ. Năm 1983, bà trở thành phụ nữ da màu đầu tiên đoạt giải Pulitzer ở hạng mục hư cấu. Trong sự nghiệp của mình, Walker đã xuất bản 17 cuốn tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn, 12 tác phẩm phi hư cấu, cùng nhiều tiểu luận và nhiều tập thơ khác.
Bình luận (0)