Sách hay: Chuyện đời người 'đi qua trăm năm'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
02/03/2024 06:58 GMT+7

104 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm, việc nhà nghiên cứu - kỷ lục gia Nguyễn Đình Tư vẫn tiếp tục đều đặn cho ra mắt những tác phẩm mới là một kỳ tích. Tự truyện Đi qua trăm năm (NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành), với những câu chuyện đời của người từng đi qua trăm năm luôn gắn liền với những giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Trong các cuộc trò chuyện, khi nói về dòng họ Nguyễn Đình của mình, cụ Tư thường kể về ngài Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí. Vì vậy, mở đầu cuốn tự truyện, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư dành trang đầu tiên viết về vị khai quốc công thần hai lần của triều Hậu Lê:

"Cuối đời Hậu Lê, hậu duệ người con thứ ba của ngài Nguyễn Xí lên lập nghiệp tại làng Chi Nê, H.Thanh Giang (vì tránh tên húy của chúa Trịnh Giang nên đổi thành Thanh Chương), trên phía tả ngạn sông Lam, có lẽ vì ở đây có một số ruộng lộc điền được vua chúa ban, không rõ cho ngài Nguyễn Xí hay con cháu của ngài, vì trong chi họ Nguyễn Đình của tôi, tổ tiên có vài vị sư tổ được phong tước hầu… Vào thời Nguyễn Huệ ra đánh chúa Trịnh có đóng quân tại Nghệ An để bắt lính và thu mua lương thực, một người trong chi họ tôi đem gia quyến chạy lên vùng rừng núi Ngọc Lâm (nay là xã Thanh An) lánh nạn rồi định cư lập ra chi họ Nguyễn Đình…".

Sách hay: Chuyện đời người 'đi qua trăm năm'- Ảnh 1.

Sách hay: Chuyện đời người 'đi qua trăm năm'- Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư và tác phẩm mới Đi qua trăm năm

QUỲNH TRÂN

TUỔI THƠ CÔI CÚT

Lý giải cho cái tên Tư cúng cơm của mình, cụ Nguyễn Đình Tư tiết lộ: "Anh cả tôi tên Anh, lúc đó cha mẹ tôi còn hiếm con nên gọi anh là thằng Mày (tên cho xấu để ma quỷ khỏi bắt), sau có thêm em trai nữa nên gọi anh là Mày anh. Anh thứ hai tên Giáp (sinh năm Giáp Dần 1914) gọi trại là Giớp, bị gọi là Mày em. Anh thứ nữa tên Siên (viết chữ Hán là San) sinh thứ ba nên gọi là anh ba. Còn tôi thứ tư nên đặt tên tục là Tư, tên chữ là Hồ đi kèm với anh thứ ba gọi là San Hồ. Nhưng tôi cho rằng ao hồ… hơi xấu nên chỉ giữ lại tên Tư. Thầy Nguyễn Đình Tứ của tôi lúc đó cũng khuyên tôi nên chọn tên Tư. Khi tôi viết tự truyện này, đại gia đình "ngũ đại đồng đường" liên tiếp 5 đời hiện còn sống chung 1 ông sơ, gồm trai, gái, dâu, rể, cháu chắt, chít trai gái, nội ngoại".

Mất mẹ từ năm mới lên 4 tuổi, tuổi thơ của cụ Nguyễn Đình Tư là những năm tháng cơ cực, côi cút. Mẹ lâm bệnh nặng nên lúc nào cậu bé Tư cũng trong tình cảnh đói khát sữa, phải chạy bú sữa nhờ bà mự (thím) trong dòng họ có con trai sinh cùng tuổi. Cụ kể: "Năm 1930 đoàn biểu tình của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo đến bắt cha, tôi sợ quá lén chạy xuống bờ tre phía hói trước nhà nằm núp nhìn lên, run rẩy. Cũng từ hôm đó, tôi bị một trận ốm thập tử nhất sinh, có lẽ là bị sốt thương hàn, người luôn sốt có lẽ lên đến 40 độ. Tôi không ăn uống gì, người mê sảng, chóng mặt quay cuồng, có cảm giác như lơ lửng trên không. Sau nhờ thuốc Đông y tôi khỏi bệnh".

Trận ốm liệt giường "chết đi sống lại" này có lẽ đã tạo sức đề kháng "khủng" cho cơ thể nên sau này cả cuộc đời cụ Tư, cho dù đến tuổi 104 vẫn không bao giờ phải nằm viện nữa, "ngoại trừ phải đi khám định kỳ để nhận thuốc bảo hiểm về uống", cụ tâm sự.

Đến tuổi đi học, nhà nghèo không có tiền để mua nón cối hay ô như chúng bạn: "Tôi đội thứ nón thô kệch do người dân địa phương làm bằng lá tro vừa nặng vừa xấu… Khổ tâm nhất là gặp những buổi sáng trời mưa gió, ngoài đội nón tôi còn phải mang tơi nặng trịch…", trích tự truyện.

Đọc tự truyện Đi qua trăm năm, độc giả không chỉ hiểu thêm về "một kiếp người" vùng đất Thanh Chương, nơi cậu bé Tư trải qua thời thơ ấu sống động, vẹn nguyên ký ức đến hôm nay. Quê hương "non xanh nước biếc như tranh họa đồ" luôn giữ lại trong tâm khảm cụ về hình dáng và tình cảm của người cha mẫu mực, người mẹ ruột yêu thương chẳng may qua đời sớm, người mẹ kế vì chồng, vì mấy đứa con chồng mà chịu thương chịu khó…, tập sách còn là "bộ sưu tập" những phong tục tập quán làng quê độc lạ trong cưới hỏi, sinh nở, tang chế, tục "hú hồn hú vía", các tín ngưỡng dân gian phong phú và đặc biệt là ngôn ngữ đặc sắc của xứ Nghệ.

Tác giả Nguyễn Đình Tư nhận định: "Chưa có công trình nào nghiên cứu, đó là tiếng nói của người dân quê ở Bình-Trị-Thiên, Nam-Ngãi, Bình-Phú đa số giống người Nghệ Tĩnh. Các nhà ngôn ngữ cho đó là tiếng nói địa phương, pha trộn với tiếng Chăm. Tôi nghĩ đó không phải tiếng nói địa phương mà là tiếng nói, âm vực những hậu duệ của người Hà Tĩnh. Xin thưa, từ thời nhà Lý, sau khi Lý Thường Kiệt lấy được ba châu Tân Bình, Địa Lý và Ma Linh sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, nhà Lý đem dân vào khai thác, sinh cơ lập nghiệp. Vì giao thông bấy giờ còn khó khăn… nên số người tiên phong sống hòa hợp với dân bản địa, đồng hóa họ theo văn hóa của ta. Các giai đoạn sau dưới thời nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, nhà Mạc rồi các chúa Nguyễn cũng thế".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại xã Thanh Chi, H.Thanh Chương, Nghệ An.

Các tác phẩm đạt giải thưởng và những ghi nhận:

Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ - Giải bạc Sách hay của Hội Xuất bản VN năm 2009

Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954) (2 tập) - Giải A Sách hay giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất năm 2018.

Tác giả nhận Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 11 (năm 2023) chuyên ngành lịch sử với bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020) và được Hội Khoa học lịch sử VN trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sử học VN.

Ông cũng là một trong 10 đại sứ của ngày Sách và văn hóa đọc VN lần 2 (2023 - 2024).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.