Sách hay: Tự do trong một quả trứng

Tuấn Duy
Tuấn Duy
29/06/2024 06:12 GMT+7

Sau 7 năm từ tiểu thuyết Người yêu dấu, mới đây, nhà văn Dạ Ngân đã trở lại văn đàn với tập tản văn Trong vô vàn do Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Cõi người trầm luân

Sách gồm 50 bài, được tuyển từ mấy trăm bài do bà, một người viết "ngắn và nhanh", viết trong 10 năm nay. Nếu đã biết Dạ Ngân qua những tiểu thuyết và truyện ngắn trước đây thì dễ nhận ra những trang viết vẫn mang cái nhìn thường trực sắc sảo, tinh tế, được thể hiện qua thứ văn xuôi nữ tính, nhạy cảm và nhiều cảm thông. Trong tác phẩm này, nữ tác giả đã bàn về rất nhiều chuyện, từ vĩ mô như sự đổi thay của thời thế, của lịch sử, cho đến bé mọn như những cái nhìn thoáng qua về đời sống thường ngày hay chuyện gia đình của bất cứ ai… Chủ đề dù lớn dù nhỏ, dù hẹp dù rộng, thì cho đến cuối, Dạ Ngân vẫn luôn mang đến một niềm hy vọng và lòng vững tin vào nhân loại.

Sách hay: Tự do trong một quả trứng- Ảnh 1.

Nhà văn Dạ Ngân

FBNV

Phải nhận định rằng cái nhìn tích cực của Dạ Ngân không phải là một màu hồng rực rỡ, choáng ngợp, mà trong từng trang viết, dẫu có bợt bạt, nhạt phai sau bao năm tháng, thì điều tươi đẹp vẫn luôn còn đó, bởi bà luôn có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Qua các trang viết, dù nhịp điệu xô bồ, bon chen, thực dụng, bày vẽ của ngày hiện đại không thể khác đi, nhưng tác giả đã giúp độc giả thêm vững tin rằng luôn luôn còn đó những người mà "khi nhìn vào khiến ta thấy bình yên, khiến ta muốn nghiêng chào và chiêm ngưỡng"…

Hoài niệm có vị trí quan trọng trong trang viết của Dạ Ngân. Nó khiến bà nhớ đến tuổi ấu thơ hồn nhiên như cây như cỏ, nhưng cũng đưa bà về với câu chuyện đời mình, về những người phụ nữ góa, về những dâu bể trong ánh chớp số phận... Cũng như trong những cuốn tiểu thuyết, ký ức chiến tranh và di chứng của nó liên tục trở đi trở lại và ám ảnh bà dẫu ngày tháng ấy giờ đã lìa xa. Việc nhớ về ngày xưa cũ không chút vướng bận một phần nào đó giúp ta giải khuây trong một đời sống vốn dĩ chật vật, nhưng cũng giúp ta hiểu hơn về bản thân mình, để rồi buông bỏ.

Tản văn của Dạ Ngân không đao to búa lớn, nhưng từ những thứ nhỏ bé lại có thể ngoại suy thành câu chuyện lớn có tầm phổ quát của rất nhiều người. Chẳng hạn chỉ từ hình tượng cỏ thôi mà bà đã nói ra được biết bao nhiêu điều, từ khu vườn thơ ấu với đủ thứ cỏ cho đến ngày nay, khi đời sống đã bê tông hóa khiến không ở đâu còn bãi cỏ nữa để ta vui đùa. Nó cũng gợi cho bà về sức sống trường tồn của con người, như dân ta qua mưa sa nắng táp vẫn đứng kiên gan, vĩnh cửu, nhưng cũng đại diện cho tuổi xanh của những con người đã mãi nằm xuống…

Sách hay: Tự do trong một quả trứng- Ảnh 2.

Bìa sách Trong vô vàn

Tao Đàn

Những thứ lọt vào mắt bà từ quen thuộc như cây me, ngõ nhỏ… cho đến từng khoảnh khắc một đều chứa đựng những câu chuyện riêng. Bằng ký ức, suy tư và những liên tưởng thú vị, bà giúp độc giả có được cơ hội tự mình ngụp lặn trong dòng miên man. Với vốn sống của người đi nhiều, biết nhiều, đọc nhiều, Dạ Ngân mang vào trong trang viết những trải nghiệm phong phú từ trong ra đến ngoài nước, qua đó luận bàn về nhiều vấn đề, vừa hẹp vừa rộng, vừa cá nhân vừa phổ quát… mang đến mạch vận động riêng cho tác phẩm này.

Người gỡ rối tơ lòng

Trong những tác phẩm văn chương của Dạ Ngân, hình tượng người phụ nữ luôn có vị trí đặc biệt quan trọng, và ở Trong vô vàn, ta cũng thấy lại chủ đề nói trên. Trong cuốn sách này, họ hiện lên muôn hình muôn vẻ nhưng quan trọng nhất vẫn là sức mạnh, ý chí và giá trị cá nhân. Ngược với góc nhìn nam quyền rằng phải cần đến những Hai Bà Trưng, Bà Triệu… đứng lên chống giặc ngoại xâm mới là đóng góp, với nữ tác giả, những việc "không tên", "không lương" cũng là minh chứng cho người phụ nữ mạnh mẽ, không nề hà, không trốn tránh, không chờ đợi, dẫu là trên đường phố, đồng ruộng, những dòng sông hay trong một ngôi nhà...

Ngoài là nhà văn, Dạ Ngân từng đóng vai trò cây bút giúp "gỡ rối" chuyện tình cảm cho độc giả Báo Nông nghiệp Việt Nam suốt thời gian dài. Có thể từ những câu chuyện bà đã nghe qua mà mọi hỉ nộ ái ố trong cuộc sống gia đình đều được bà thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ đến tận gốc rễ. Trong các tản văn, các cặp vợ chồng từ mới cưới cho đến son sắt, từ đang ở tuổi xuân thì cho đến đã cách biệt âm dương… đều hiện lên một cách khác biệt với những vấn đề của mình

Đúng như câu nói của Lev Tolstoy trong Anna Karenina: "Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng những gia đình bất hạnh thì lại bất hạnh theo cách riêng mình", muôn hình vạn trạng của những khúc mắc gia đình đã được Dạ Ngân nhắc đến. Đó là câu chuyện của những cặp vợ chồng cơm không lành canh không ngọt vì áp lực cuộc sống, khiến họ nhận ra hôn nhân không còn như xưa, hoặc cũng có thể là những người đã đứng bên kia dốc cuộc đời, cảm thấy trống vắng vì những đứa con giờ đã bay xa... Tất cả đều là vấn đề mà rất nhiều người cũng đang gặp phải, lặn lội muôn nơi để tìm ra câu trả lời làm an lòng mình.

Bằng góc nhìn sâu sắc và trải nghiệm cá nhân, qua các tản văn, Dạ Ngân mang đến lời thầm thì và sự ủi an khi ta bối rối. Tâm sự của bà không khái quát, không chung chung, nó có thể khiến người này hoặc thiệt thòi hơn, nhiều trách nhiệm hơn, nhưng tin chắc họ rồi sẽ nhận thấy sự hy sinh này hay nhún nhường kia cũng rất đáng giá. Khi biết thu mình tự do tự tại trong một quả trứng là sự vừa đủ, thì hạnh phúc nhỏ cũng hóa vô biên. Có thể nói Trong vô vàn là một tập sách gần gũi, tinh tế, chân thành, phóng khoáng và đậm dấu ấn Dạ Ngân.

Dạ Ngân sinh năm 1952 tại Cần Thơ, hiện đang sinh sống tại TP.HCM. Bà tên thật là Lê Hồng Nga, từng là Trưởng ban Văn xuôi của Tuần báo Văn nghệ. Bà là tác giả của 5 tiểu thuyết, 7 tập tản văn và nhiều truyện ngắn nổi bật khác. Tiểu thuyết Gia đình bé mọn của bà từng được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và được đón nhận tích cực. Mới đây bà xuất hiện trong ấn phẩm Longings và là một trong 22 nữ nhà văn có tác phẩm ấn tượng được giới thiệu đến bạn bè ngoài nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.