Sách nghiên cứu 'bung lụa'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
30/01/2024 07:38 GMT+7

Sách nghiên cứu bán tốt hơn, được vinh danh nhiều hơn trong giải thưởng Sách quốc gia là tín hiệu đáng mừng trên thị trường sách trong nước.

VỪA HAY VỪA ĐẸP

TS Trần Hậu Yên Thế (Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có một cuốn sách nghiên cứu "thắng lớn" trên nhiều mặt trận. Cuốn Mỹ thuật Việt soi từ phía khác của ông vừa nhận giải B giải thưởng Sách quốc gia 2023. Đồng thời, đây cũng là một cuốn sách nghiên cứu thú vị với người đọc, do đó bán rất thuận lợi. Cuốn sách gồm nhiều bài viết cắt nghĩa mỹ thuật Việt với phân tích, thông tin hấp dẫn. Chẳng hạn, mỹ thuật VN, do vị trí lịch sử đặc biệt của mình đã từng là một điểm sáng trên bản đồ mỹ thuật thế giới ngay từ thời Đông Sơn ra sao. TS Thế phân tích để thấy trên trống đồng Động Xá đã xuất hiện hình trâu và cả hình bò Vân Nam như một biểu hiện của giao lưu văn hóa.

Sách nghiên cứu 'bung lụa'- Ảnh 1.
Sách nghiên cứu 'bung lụa'- Ảnh 2.
Sách nghiên cứu 'bung lụa'- Ảnh 3.

Những cuốn sách nghiên cứu được vinh danh trong giải thưởng Sách quốc gia

NXB

TS Nguyễn Thị Thu Hòa (Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội) trước đó cũng nhận giải B giải thưởng Sách quốc gia 2020 với bộ sách 2 cuốn: Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Đông Hồ. Đây là những cuốn sách bà Hòa tự bỏ tiền nghiên cứu, in ấn và phát hành. "Sách bán hết rất nhanh vì tư liệu quý và đẹp đẽ. Nhìn chung những cuốn như thế này không phải lo lắng về phát hành vì người yêu mỹ thuật cổ sẽ mua ngay. Phần vì sách đẹp, phần vì giá thành cũng không cao nếu so với chi phí đầu tư để ra sách. Nói thẳng ra là tôi làm sách không vì lợi nhuận mà chỉ muốn quảng bá các dòng tranh là chính", TS Hòa chia sẻ.

Nhìn vào giải thưởng Sách quốc gia, có thể thấy những cuốn sách nghiên cứu được viết, được dịch thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: kinh tế, luật, lịch sử, địa lý địa chất, văn hóa, giới… Bách khoa thư làng Việt cổ truyền của tác giả Bùi Xuân Đính là một cuốn sách lĩnh vực dân tộc học. Kiến trúc nhà cổ Hội An qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích là cuốn sách của mảng kiến trúc, di sản. Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới là cuốn sách "vỡ lòng" cho những người nghiên cứu về giới, bình đẳng giới.

Điều này không chỉ có ở giải thưởng, trên thị trường, các cuốn sách nghiên cứu cũng đang ngày một nhiều hơn với chất lượng tốt hơn dù chưa nhận giải thưởng hoặc không tham dự giải. Có thể kể đến những cuốn sách như: Tiền tệ thế kỷ 21 - ứng phó của Cục Dự trữ liên bang Mỹ từ đại lạm phát đến nay, bộ sách 2 tập Một lý thuyết về công lý và Một lý thuyết về pháp quyền…

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Hội đồng chấm giải thưởng Sách quốc gia bao gồm khoảng 70 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, sách thiếu nhi... Mặc dù việc chấm giải được phân chia thành các nhóm ngành như vậy nhưng có một thực tế là sự hấp dẫn "chéo" của các cuốn sách.

PGS-TS Trần Đức Cường, người đứng đầu Hội đồng sách khoa học xã hội nhân văn, đã bị thu hút bởi cuốn sách được giải A năm nay: Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển. Đây là cuốn vừa có nhiều kiến thức địa chất, hải dương, lại có kiến thức luật.

"Chúng ta có thể thấy chất lượng sách nghiên cứu đi lên, với nhiều lý thuyết đa dạng hơn", ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT), đánh giá.

PGS-TS Trần Đức Cường nhận xét: "Những cuốn sách nghiên cứu gần đây vừa nhiều lên, vừa hấp dẫn". Mặc dù vậy, theo ông Cường, vẫn cần có những hỗ trợ để sách nghiên cứu có thể phát triển tốt hơn, từ đó người đọc, người học cũng có sách công cụ để sử dụng.

"Có cuốn sách rất hay nhưng do đối tượng hẹp nên chỉ in 500 bản. Điều này rất đáng tiếc. Nếu có thể hỗ trợ in những cuốn đã được giải thưởng thì tốt hơn nhiều", PGS-TS Trần Đức Cường nói. Theo ông Nguyễn Nguyên, hiện tại cuốn sách ông Cường nói đến đã được in thêm 1.000 bản nữa.

Về lâu dài, cũng cần có các hỗ trợ tài chính hoặc in ấn cho sách nghiên cứu. TS Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết trong tình hình hiện nay, nhiều cuốn sách nghiên cứu hay, bán tốt nhưng để hạch toán thì chắc chắn không có lãi. Các tác giả vì quá yêu mến đề tài, muốn lan tỏa nghiên cứu của mình nên tự chịu thiệt thòi để sách đến với độc giả.

"Nếu muốn hạch toán thì không thể có lãi. Tôi sẵn sàng chi trả nhưng có nhiều nhà nghiên cứu cần hỗ trợ để sách nghiên cứu tới với nhiều bạn đọc hơn. Cũng nên có ưu tiên đưa sách tốt vào các chương trình mua sách tặng thư viện được xã hội hóa", TS Hòa nói.

Chúng ta có thể thấy chất lượng sách nghiên cứu đi lên, với nhiều lý thuyết đa dạng hơn.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.