Sách tiếng Việt Cánh Diều điều chỉnh có đáp ứng được mong mỏi ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
24/12/2020 07:49 GMT+7

Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM vừa đăng tải tài liệu điều chỉnh ngữ liệu sách giáo khoa tiếng Việt 1 (bộ sách Cánh Diều) đã được Bộ GD-ĐT cho phép điều chỉnh.

Thay thế 13 bài đọc

Công văn số 5240 của Bộ GD-ĐT do ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ký ngày 3.12.2020, gửi Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM cho hay, trước phản ánh về việc sách giáo khoa (SGK) môn tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung theo quy định. Hội đồng thẩm định đã thực hiện rà soát tổng thể nội dung SGK môn tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, xem xét nghiên cứu các nội dung phản ánh của dư luận; tổ chức đối thoại với tác giả và nhà xuất bản để thống nhất các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung; tổ chức thẩm định bản mẫu theo quy định.

Tìm lại những bộ sách dạy tiếng Việt ngày xưa, có thể thấy những câu văn ngắn nhưng vẫn rất mượt mà

PGS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Phương Đông

Theo công văn này, căn cứ hồ sơ đề nghị thẩm định của Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM và báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định, Bộ GD-ĐT cho phép điều chỉnh nội dung ngữ liệu SGK tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Cánh Diều (có bản mẫu tài liệu kèm theo).
So với tài liệu nhà xuất bản đăng tải hôm 14.11 để xin ý kiến, tài liệu được Bộ phê duyệt có một số điểm khác. Về ngữ liệu bài đọc, có 13 “bài đọc thay thế”cho 13 bài bị cho là không phù hợp trong SGK. Ở lần xin ý kiến trước, chỉ có 12 bài đọc trong danh sách này. Ở phần điều chỉnh từ ngữ, 14 trang sách có từ được điều chỉnh. Cụ thể, tài liệu gồm 2 phần: phần 1 đưa ra 13 bài đọc thay thế cho 13 bài trong SGK bị cho là không phù hợp để giáo viên sử dụng. Ví dụ, phần 1 bài tập đọc Ve và gà được thay bằng bài Bờ hồ, còn phần 2 được thay bằng bài Chăm bà. Bài Quạ và chó được thay bằng bài Phố Thợ Nhuộm. Bài Cua, cò và đàn cá (cả 2 phần) được thay bằng 2 bài đọc khác là Kết bạn và Hồ sen. Phần 1 và 2 của bài Hai con ngựa có thể thay bằng 2 bài Gà mẹ, gà con và Sáng sớm trên biển. Hai phần bài đọc Lừa, thỏ và cọp được thay bằng 2 bài Hạt giống nhỏ (dự thảo đưa ra xin ý kiến góp ý là bài Bạn của Hà) và Ông bà em. Với SGK tiếng Việt tập 2 của bộ sách này cũng có 2 bài được đưa vào tài liệu bổ sung, chỉnh sửa là Mưa và Lịch bàn… Như vậy, ở tài liệu được phê duyệt, có thêm một bài đọc trong SGK được thay thế so với dự thảo công bố trước đó là bài Lỡ tí ti mà, bài này tài liệu điều chỉnh thay bằng bài Nhớ bố.
Ở phần chỉnh sửa từ ngữ - câu, những từ/cụm từ gây phản ứng trong thời gian qua như “quà... quà”, “hí hóp”, “thở hí hóp”, “nhá dưa”... đều được điều chỉnh bằng cách bỏ hẳn trong bài. Từ “dưa đỏ” gây tranh cãi về ngôn ngữ địa phương được thay thế bằng từ “quả dưa”; “gà nhép” được thay bằng “gà nhí” “nom” được thay bằng từ “trông”...

Ưu tiên hàng đầu là nguyên tắc học âm học vần ?

Điều dễ nhận thấy là trong 13 bài đọc được thay thế không có bài đọc nào thực sự hay, dù người viết cũng cố gắng truyền tải một thông điệp nào đó qua mỗi văn bản đọc, nhưng nhiều câu từ ghép lại khá khiên cưỡng. Bài đọc gồm những câu ngắn ghép lại tạo ra một sự “giật cục”, không hay và dễ nhớ. Điều này không chỉ ở sách Cánh Diều mà là vấn đề chung của hầu như cả 5 cuốn SGK tiếng Việt lớp 1 mới.

Tiếp thu ý kiến đến đâu ?

Nếu như dự thảo chỉnh sửa công bố ngày 14.11 để xin ý kiến góp ý, đơn vị xuất bản gọi những bài đọc đưa vào tài liệu là “bổ sung” và “giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng”,... thì tài liệu được phê duyệt đã chính thức gọi các văn bản mới này là “bài đọc thay thế”. Trước đó, Thanh Niên đã phản ánh thắc mắc của các giáo viên về bản dự thảo: “Nếu “bổ sung” thì có thể hiểu là có thể dạy bài đọc cũ hay bài đọc bổ sung đều được, nhưng nếu “thay thế” thì bắt buộc giáo viên không thể dạy bài đọc cũ. Đây là những nội dung cần làm rất rõ chứ không chỉnh sửa rồi mà vẫn khó thực hiện”. Về từng chi tiết, nội dung cụ thể cũng có một số điều chỉnh so với dự thảo được công bố để xin ý kiến góp ý.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong 13 bài đọc được thay thế đã thấy có nhiều câu văn rất “vụng” khi tác giả dùng nhiều từ ngữ mang tính khẳng định, nói hộ người đọc. Ví dụ, khi nói về cái đẹp như: “phố tấp nập và đẹp lắm” (Phố Thợ Nhuộm), “hồ sen đẹp lắm” (Hồ sen), “biển thật là đẹp” (Sáng sớm trên biển), “cuốn lịch rất đẹp” (Lịch bàn)… Với xu hướng dạy học theo định hướng “phát triển năng lực người học” mà Bộ GD-ĐT đặc biệt nhấn mạnh khi thực hiện chương trình - SGK mới, thì không nên dùng các từ ngữ mang tính khẳng định như “đẹp lắm”, “rất đẹp” mà nên miêu tả cái đẹp ấy và để học sinh phát huy năng lực tự cảm nhận, khám phá của mình.
Được biết, khi dự thảo tài liệu điều chỉnh được công bố, nhiều ý kiến đã góp ý với mong muốn các bài đọc sẽ hay hơn, dễ đọc, dễ nhớ hơn như những bài tập đọc ngày xưa trong SGK. Tuy nhiên, tài liệu chính thức ban hành cho thấy sự điều chỉnh là không nhiều (như một số chi tiết đã kể trên). PGS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Phương Đông, cho rằng: “Tìm lại những bộ sách dạy tiếng Việt ngày xưa, có thể thấy những câu văn ngắn nhưng vẫn rất mượt mà. Chúng ta không tham câu văn dài nhưng như thế không có nghĩa là ngắn tới mức cộc lốc, vô cảm. Điều này đòi hỏi phải làm sao có những bài văn phù hợp với tâm lý, lứa tuổi người học, đồng thời đạt yêu cầu về mục đích Giáo dục. Nếu ngắn để dạy mỗi vần với chữ thì không cần, ngày xưa các cụ dạy bình dân học vụ chỉ 3 tháng là biết đọc biết viết”.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng: “Từ dự thảo 1 đến dự thảo trình lãnh đạo Bộ GD-ĐT phê duyệt đã cho thấy một thái độ nghiêm túc, cầu thị tiếp thu những góp ý xác đáng của các nhà khoa học và dư luận xã hội. Những góp ý dựa trên mong muốn từ nhiều góc độ khác nhau, còn Hội đồng thẩm định và Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định và phê duyệt dựa trên sự tôn trọng về nguyên tắc học âm, học vần của chương trình môn tiếng Việt lớp 1, đảm bảo được mục tiêu của tài liệu hướng đến mục tiêu, yêu cầu cần đạt của học sinh khi học tài liệu này”.
Do vậy, vị đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, những góp ý để ngữ liệu có thể hay hơn nhưng không đảm bảo nguyên tắc này thì cũng không thể tiếp thu được. Vị này cũng khẳng định tác giả SGK có quyền bảo vệ quan điểm soạn sách của mình theo ưu tiên số 1 là nguyên tắc học âm học vần, miễn là ngữ liệu đó không sai, không phản cảm hoặc có những từ ngữ khó hiểu... Còn những ý kiến góp ý để làm bài đọc hay hơn mà không vi phạm nguyên tắc học âm học vần đã được tiếp thu một cách tối đa.
Đến nay, nhiều nhà trường cho biết đã nhận được tài liệu điều chỉnh, nhưng nội dung chỉnh sửa nhiều nhất tập trung ở SGK tập 1 trong khi thời điểm nhận được thì đã gần kết thúc học kỳ 1 nên việc điều chỉnh này chỉ có nhiều ý nghĩa ở năm học sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.