Sách xưa một thuở: 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt'

01/05/2023 07:01 GMT+7

Nghề xuất bản thời nào cũng vậy, ngoài những chuyện chính danh, thẳng thớm, thì phía sau nghề có những việc, những người, những tác phẩm chứa trong nó những câu chuyện không dễ mấy ai biết nếu thân chủ hoặc người liên quan không tiết lộ.

Trần Huy Liệu viết tiểu thuyết ba xu

Giữa lúc phong trào xuất bản tiểu thuyết ba xu đang thịnh, sinh kế khó khăn, tác giả của Một bầu tâm sự đành phải nghĩ cách xoay tiền. "Nhân đó, tôi cũng biên tập quyển Thái Nguyên khởi nghĩa do những tài liệu tôi đã sưu tầm được ở nhà tù Côn Đảo hồi cùng ở chung với một số chiến sĩ Thái Nguyên. Quyển sách này, tôi không dám ký tên và nhờ một người quen đem bán bản quyền cho Bảo Ngọc văn đoàn, kỳ kèo bớt một thêm hai, rồi đi đến ngã giá là 25 đồng bạc", Trần Huy Liệu nhớ lại chuyện đó trong hồi ký Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Sách xưa một thuở: 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' - Ảnh 1.

Tác phẩm Loạn Thái Nguyên số 1 do Bảo Ngọc văn đoàn xuất bản, mang tên tác giả T.C. và H.K

ĐÌNH BA

Tiền bản quyền bán đứt được 25 đồng, nhưng tác giả chỉ nhận được một nửa, nửa còn lại anh chàng người quen làm mối bán kia chiếm trọn. Với số tiền hơn 10 đồng bản quyền thực nhận, Trần Huy Liệu dùng may quần áo "cho khỏi bệ rạc giữa chốn nghìn năm văn vật". Riêng bản thảo bán cho Bảo Ngọc văn đoàn, nhà xuất bản ở số 67 phố Cửa Nam, Hà Nội đã đổi tên cho… kêu và để tránh bị kiểm duyệt soi mói nên đổi thành Loạn Thái Nguyên.

Xuất bản Loạn Thái Nguyên, Bảo Ngọc văn đoàn chia thành 4 số mỏng. Mỗi số 16 trang bao gồm cả quảng cáo và in với số lượng 2.900 - 3.000 cuốn. Sách xuất bản năm 1935, bán với giá 3 xu một cuốn. Tác giả được in trên bìa 1 là hai người mà chắc chắn chẳng ai biết mặt, biết tên nếu nhìn vào mấy chữ cái: T.C., và H.K., trong khi chính chủ là Trần Huy Liệu. Sở dĩ tác giả thật không thể ký tên lên sách này vì Trần Huy Liệu là tù chính trị ở Côn Đảo về, các tác phẩm sẽ bị kiểm duyệt soi kỹ; còn các nhà xuất bản đơn thuần làm kinh tế, chẳng dại gì làm ăn với người "có vết" để khỏi bị chính quyền để ý.

"Râu ông mà cắm cằm bà"

Lại cũng có lúc trong làng chữ nghĩa, chuyện tác giả, tác phẩm "râu ông cắm cằm bà" đã xảy ra, mà ở đây không phải là do vô ý. Ngọc Giao đã kể lại việc liên quan đến Vũ Trọng Phụng và Trương Đình Thi trong hồi ức Hà Nội cũ nằm đây của ông. Việc ấy xảy ra năm 1950, nhưng hồi cố thì sự vụ cụ thể liên quan giữa hai người kia, là trước năm 1939 nữa.

Năm 1950, Tam Lang Vũ Đình Chí đứng chân Chủ bút nhật báo Lẽ sống ở Hà Nội. Tòa soạn chỉ có vài người, trong đó có Ngọc Giao và Trương Đình Thi, người giữ chân sửa bản in thử. Trước năm 1945, báo Loa của Côn Sinh có đăng hồi ký Tôi, kép kịch của Trương Đình Thi. Biết vậy, Ngọc Giao có lần thủ thỉ với Thi, đại ý báo ít người viết, thiếu bài, sao anh không viết một phóng sự hay tiểu thuyết. Nghe Ngọc Giao nói vậy, Trương Đình Thi không nói gì mà tỏ mặt tức giận bỏ đi. Thấy thế Ngọc Giao không hiểu, mới được Tam Lang cảnh báo "Ông bảo nó thế, nó cho là ông chửi nó, lật tẩy nó. Nó thù ông rồi đấy, phải coi chừng". Ngọc Giao càng ngạc nhiên không biết vì sao, sau đó mới sáng tỏ ra vì "Hồi ký Tôi, kép kịch được nổi tiếng, nổi tên Trương Đình Thi, sự thực thì hồi ký ấy Vũ Trọng Phụng viết hộ, cho nó ký tên", Tam Lang tiếp lời.

Khi Vũ Ngọc Phan làm báo Hà Nội Tân văn, Lưu Trọng Lư đã đưa bản thảo Chuyến tàu định mệnh để Phan in nhiều kỳ trên báo này, và tác giả Tiếng thu cần tiền, Vũ Ngọc Phan đã gửi trọn vẹn nhuận bút bản thảo này cho Lưu Trọng Lư. Kỳ đầu tiên của Chuyến tàu định mệnh đã đăng trên Hà Nội Tân văn số báo ra ngày 12.11.1940. Đăng được một kỳ, tác giả truyện lấy lại bản thảo để "sửa". Ấy nhưng nào nhà thơ có sửa gì đâu ngoài sửa… tên sách. Lưu Trọng Lư đã đem bản thảo ấy, sửa tên mới thành Cô gái bên song cửa, đem bán cho Nhà xuất bản Cộng lực, lấy trước một phần tiền từ nhà này và chu du vào Huế. Thế là "chuyến tàu" trên Hà Nội Tân văn bị "hết vốn" phải dừng lại ở đó, chủ bút phải cáo lỗi độc giả với dòng chữ in trên Hà Nội Tân văn: "Vì lẽ riêng, truyện Chuyến tàu định mệnh phải tạm ngừng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.