Những số lượng in mơ ước
Là người giữ bản quyền tác phẩm Tài mạng tương đố, Nguyễn Chánh Sắt in lần đầu sách này năm 1926 với số lượng 5.000 cuốn. Số lượng in được ghi rõ nơi bìa 1 của hai cuốn. Số lượng bản in này còn thấy ở tiểu thuyết Một linh hồn của Thụy An được in tại Nhà in Lê Cường năm 1941. Điều này tỏ ra xứng đáng khi sau này, Vũ Ngọc Phan điểm tên Thụy An trong Nhà văn hiện đại, đã nhấn mạnh giá trị của Một linh hồn "cũng đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay: tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn".
Có những cuốn in một lần, số lượng in tới cả vạn, đó là con số đáng kể với một ấn phẩm. Sách Vai tuồng của các nhà gõ đầu trẻ của Bùi Thế Mỹ do Dân báo xuất bản tại Sài Gòn năm 1942 in 10.000 quyển. Dù là sách nông học khô khan, nhưng lại thiết thực với một nền kinh tế nông nghiệp lúa nước như Việt Nam, tác giả là Khuyến nông sứ Bắc kỳ, kỹ sư nông học Nguyễn Công Tiễu, thế nên sách Những điều bí mật về bèo dâu - Một thứ cây dùng làm phân bón ruộng của ông được Nhà in Ngô Tử Hạ thực hiện năm 1934 tới 10.000 cuốn. 10.000 bản cũng là số lượng bản in tiểu thuyết Cư Kỉnh của nhà văn Hồ Biểu Chánh được Nhà xuất bản Đại Việt ra mắt năm 1942, ngoài ra còn có 100 bản giấy tốt đánh số.
Cùng một bộ sách, nhưng có bộ các tập in với số lượng khác nhau chứ không đồng đều. Cuốn Nhứt Hậu Vân Tiên diễn ca của Trần Phong Sắc xuất bản năm 1925, in 2.000 cuốn. Năm 1928, cuốn Hai xuất bản với số lượng gấp đôi. Những sách luân lý, chính trị, khảo cứu số lượng in không lớn. Việt Nam luân lý thiệt lục của Phan Đình Long xuất bản số lượng 1.000 cuốn năm 1927. Dù là sách chính trị, nhưng số lượng in cũng ở mức vừa phải chứ không đến nỗi èo uột. Sách Một dự án cải cách thuế thân xuất bản tại Hà Nội năm 1938 của Qua Ninh và Tô Vân được in 2.000 cuốn; Chủ nghĩa fát [phát] xít với nội chiến Tây Ban Nha được in năm 1937 với số lượng 1.000 bản.
Nguyễn Công Hoan tự hào nhiều bản sách của ông, số lượng in rất khá. Truyện ngắn được in với số lượng 4.000, còn truyện dài in số lượng 5.000. Trong đó nhiều cuốn truyện dài được tái bản. Đối chứng lời của tự thuật này xem ra có phần đúng. Bởi tiểu thuyết Cô giáo Minh được Nhà in Tân Dân in 3.100 cuốn. Thậm chí khi đang dạy học, sách Vần chữ Việt Nam năm 1929 của ông được in 5.000 bản. Sách được tái bản nhiều lần, là của Tự lực văn đoàn với những cuốn Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Gánh hàng hoa. Đơn cử như cuốn Gánh hàng hoa của Khái Hưng và Nhất Linh, được in lần thứ nhất năm 1934 với số lượng 1.500; năm 1936 in trong dòng sách Lá mạ; năm 1940 in 2.500… Tất cả các lần in đều do Nhà xuất bản Đời Nay của Tự lực văn đoàn ấn hành.
In bao nhiêu bản, bấy nhiêu bản... đặc biệt
Hãn hữu, vẫn có trường hợp sách được in thấp hơn con số nghìn, bắt gặp ở tập thơ Đầy vơi dày 122 trang của Đái Đức Tuấn. Năm 1943, tập thơ này được Nhà xuất bản Mới ấn hành với số lượng 369 bản. Tuy nhiên, không vì chất lượng tác phẩm kém. Ngược lại, 369 bản này đều có chủ, được đánh số cụ thể và in tên người sở hữu. Do đó, có thể xem đây là 369 bản giới hạn, bản đặc biệt mà không có bản thường. Sách Thanh dạ văn chung của Nguyễn Duy Cần xuất bản năm 1939 chỉ in 500 cuốn, và đều có đánh số; số lượng này cũng bắt gặp ở sách Việt Nam Phật giáo sử lược của Mật Thể xuất bản năm 1944.
Thể loại sách văn học có ưu thế về độc giả, do đó số lượng in có phần vượt hơn so với những thể loại sách khác. Tiểu thuyết Ngậm miệng của Nguyễn Bính được in với số lượng 3.000 bản năm 1940 tại Nhà in Lê Cường; hoặc Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận có dạo làm xôn xao cả độc giả vì viết tiểu thuyết rất cuốn. Bởi vậy, bộ Lửa lòng 19 cuốn của nhà văn, nhà báo này mỗi cuốn đều được in với số lượng 5.000 bản bởi Nhà in Xưa Nay năm 1928 - 1929. Với sách thơ, số lượng in khiêm tốn hơn so với truyện ngắn, tiểu thuyết. Tiếng thu của Lưu Trọng Lư in năm 1939 với số lượng 1.000 cuốn; tập thơ Tơ lòng của Vân Đài và Đào Anh cũng chỉ in 1.000.
Về số lượng in sách, cũng có hiện tượng ăn gian làm dối của nhà xuất bản, và có thể xem đó là mánh khóe xấu trong nghề này. Nguyễn Công Hoan từ thực tế xuất bản nhiều sách, hiểu rõ về in ấn, xuất bản, sách báo thời 1945 về trước, đã tiết lộ: "Sau năm 1935, sách báo ra nhiều. Nhiều nhà xuất bản bịp độc giả. Họ in độ ba bốn nghìn, nhưng cứ ghi ở tờ cuối sách là in một vạn. Họ in hai ba lượt bìa. Lượt này, đề là in lần thứ nhất. Lượt sau, đề là in lần thứ hai". Cách này, tạo ra hiện tượng ảo để độc giả ngỡ sách hay, bán chạy nên sẽ bỏ tiền mua. (còn tiếp)
Bình luận (0)