Viết báo ‘Cậu Ấm’ cho... trẻ em trai, nhuận bút của Nguyễn Công Hoan là chiếc bút máy

13/03/2021 11:13 GMT+7

Cậu Ấm là một tờ báo dành cho thiếu niên, nhi đồng nửa cuối những năm 1930. Tuy nhiên thông tin để lại hiện nay về báo rất ít ỏi. Từ những mảnh tư liệu rời rạc có được, có thể phục dựng lại vài nét cơ bản về tờ báo này.

Theo thông tin từ cuốn sách Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, báo Cậu Ấm hoạt động thời gian 1935-1937, là tuần báo thiếu nhi. Quản lý là Nguyễn Đức Phong. Tòa soạn đặt tại Hà Nội. Số 1 ra ngày 20.2.1935, đình bản ở số 129, tháng 11.1937.

Báo Cậu Ấm qua trí nhớ văn thi sĩ

Báo Cậu Ấm để lại ấn tượng trong trí nhớ Nguyễn Công Hoan vì đây là tờ báo mà Nguyễn Công Hoan nhận được món nhuận bút cho bài viết của mình bằng... chiếc bút máy. Ông tâm sự trong hồi ký Nhớ gì ghi nấy: “Mình cũng không hiểu đấy là nhuận bút, vì ngày này viết vì tình bạn chứ không vì tiền, cho nên mình không nhận, nói rằng mình không quen dùng bút máy”.
Tuy nhiên Chủ nhiệm của báo là Thái Phỉ vẫn đưa, và chiếc bút máy, món nhuận bút đầu tiên ấy Nguyễn Công Hoan không giữ lại, mà cho một người khác. Xem các số báo Cậu Ấm thì được biết, bài Nguyễn Công Hoan viết trên Cậu Ấm là truyện dài Tấm lòng vàng được đăng dài kỳ. Năm 1944, tác phẩm được in thành sách.
Xem Cậu Ấm số 5, ra ngày 20.3.1935 thể hiện đây là tờ tuần báo dành cho con trai với Chủ nhiệm là N.Đ.Phong, tức Nguyễn Đức Phong, họ tên thật của Thái Phỉ. Thái Phỉ là người rất quan tâm đến vấn đề giáo dục trẻ em, sinh thời ông có nhiều tác phẩm liên quan: Một nền giáo dục Việt Nam mới (1941), Muốn học giỏi (1942), Giáo dục nước Nhật (1942)...

Mục 'Cậu Ấm tập vẽ' trên báo Cậu Ấm số 7 (hình trái) và truyện dài 'Tấm lòng vàng' đăng nhiều kỳ trên Cậu Ấm

Ảnh: T.L

Vẫn theo thông tin từ tờ Cậu Ấm, tòa soạn báo nằm ở số 82 rue du Coton, Hà Nội, tức phố Hàng Bông hiện nay. Dòng chữ dưới trang cuối cho ta biết báo được in tại Nhà in Trung Bắc tân văn. Với 20 trang báo mỗi số, Cậu Ấm được bán giá 5 xu một tờ. Báo cũng niêm yết rõ giá bán cho độc giả đặt dài hạn. Cụ thể là với trong nước: Một năm: 2,5 đồng; sáu tháng: 1,3 đồng; ba tháng: 7 hào. Với nước ngoài: Một năm: 4 đồng; sáu tháng: 2,2 đồng; ba tháng: 1,2 đồng.
Báo có trụ sở ở Hà Nội, nhưng được phát hành vào tận Sài Gòn với hệ thống đại lý rộng khắp như Tín Đức thư xã ở đường Sabourain (nay là đường Tạ Thu Thâu), Cổ Kim thư xã ở đường Boulevard Albert (nay là đường Đinh Tiên Hoàng), Vũ Lai ở đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng)…
Xem các số báo Cậu Ấm, ta thấy điểm nhấn là trang nhất đều được in màu rất đẹp như ở các số 5, 6, 7 với các tranh vẽ truyện tranh Ba đứa trẻ mạo hiểm của Nguyễn Văn Thịnh.
Trong trí nhớ của Vũ Bằng ghi lại nơi hồi ký báo chí Bốn mươi năm nói láo, ông ấn tượng với Cậu Ấm vì lúc ấy đây là tờ báo duy nhất dạo ấy dành cho thiếu nhi và khi “tờ Cậu Ấm của Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong vừa đóng cửa, cả nước không có một tờ báo loại đó”. Đó cũng chính là một động lực để Vũ Bằng cùng ông chủ của Tân Dân thư quán là Vũ Đình Long ra tờ báo Truyền Bá ngay sau khi Cậu Ấm đình bản. Xem Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Nguyễn Thành) được biết Cậu Ấm ra số cuối vào tháng 11.1937.

Báo Cậu Ấm có gì?

Để bạn đọc biết được nội dung của số sau, thì số trước đó giới thiệu những bài sẽ có ở số tiếp theo. Chẳng hạn trong số 7, ra ngày 8.4.1935 thông tin “Các bạn nhớ đón xem Cậu Ấm số 8” sẽ đăng những bài như truyện lịch sử của Anh - Mỹ, bài hát Đi! Ta đi! (Nam Hương), truyện ngụ ngôn Khỉ làm dáng (Nam Hương), truyện vui Cậu bé “phò mã” (Vũ Xuân Chính) cùng nhiều truyện dài, truyện ngắn, các trò vui...
Đúng với tiêu chí là báo cho trẻ em, lại là trẻ em trai, nội dung các số của Cậu Ấm phản ánh đối tượng phục vụ của mình với các mục, bài đa dạng, thú vị để thể hiện cái ích lợi mà báo giới thiệu là “Muốn cho trẻ khỏi nghịch nhảm và bẩn trong những giờ rỗi, không gì bằng cho trẻ đọc CẬU ẤM”. Một điều đáng lưu tâm nữa là báo dành cho trẻ con với chất thuần Việt rất cao. Các nội dung chủ đạo đều là của tác giả Việt. Một số truyện dịch thì có sự Việt hóa thích hợp với lối tiếp nhận của trẻ nhỏ.
Cậu Ấm có mục truyện cổ tích dạy đạo lý, cách sống, như số 5 đăng bài Chưa đỗ ông Nghè…của Nguyễn Văn Ngọc; truyện ngụ ngôn Người và Rắn (số 5), Cu Tý và con Vàng (số 6), Rùa và Ngựa (số 7)… được thực hiện bằng tranh vẽ trực quan cho trẻ hứng thú và dễ cảm thụ; câu hát vặt được thực hiện dễ thuộc, dễ nhớ; truyện cười để trẻ giải trí… Ngoài ra, báo còn dạy trẻ chơi ô chữ kiến thức, tập vẽ, xếp chữ và số… Chẳng hạn Cậu Ấm số 6 trong mục "Cậu Ấm mua vui" có tranh đố rất trực quan phát huy trí tưởng tượng cùng hiểu biết lịch sử của trẻ với câu hỏi “Các bạn trông những hình trên này mà đoán ra tên một ông vua nước Nam”. Ở Cậu Ấm số 7, đáp án được đưa ra là “Lê Đại Hành”.

Hình đố vui trong tuần báo Cậu Ấm số 6 với lời giải ở Cậu Ấm số 7 (là vua Lê Đại Hành)

Ảnh: T.L

Để giáo dục lòng yêu nước, yêu lịch sử dân tộc, Cậu Ấm cũng đăng bài liên quan đến nhân vật lịch sử theo hướng kể chuyện nhẹ nhàng, hấp dẫn như truyện lịch sử Ông Ích Khiêm đánh giặc (Cậu Ấm số 5, ra ngày 20.3.1935). Có thể thấy báo tận dụng hoàn toàn việc minh họa bằng các tranh vẽ phù hợp với trẻ nhỏ của các họa sĩ: Nguyễn Văn Thịnh, Mạnh Quỳnh, NGYM…
Báo cũng tìm cách thu hút trẻ qua các cuộc thi có thưởng như cuộc thi “Cái bánh xe Cậu Ấm”, cuộc thi “Tiếng bí mật” với đối tượng tham gia rộng rãi ở các tỉnh thành, chủ yếu là Bắc Kỳ, giải thưởng được nhận là báo biếu hoặc ảnh của tài tử chiếu bóng được tổng kết trên Cậu Ấm, số 7, ra ngày 8.4.1935.
Dù là tuần báo nhưng cũng có lúc Cậu Ấm không ra đúng hạn định. Chẳng hạn số 6 ra ngày 27.3.1935, số 7 đáng lẽ phải ra ngày 3.4.1935 mới phải lẽ, nhưng đến ngày 8.4.1935 báo mới ấn hành với lý do được nêu là lỗi của nhà in. Lại để có thêm nguồn thu ngoài bán báo, Cậu Ấm cũng thực hiện các mẩu tin quảng cáo, rao vặt dù không nhiều. Ở Cậu Ấm số 5, báo quảng cáo cho hiệu Ích Cát chuyên khắc dấu và tranh, số 6 quảng cáo bán sách của hiệu Nam Ký, Hà Nội…
Từ cuộc thi “Cái bánh xe Cậu Ấm”, cuộc thi “Tiếng bí mật”, trong 22 bài được giải thưởng có 4 độc giả là nữ. Duyên cớ đó là động lực để chủ báo Cậu Ấm ấp ủ mong muốn ra tờ báo Cô Chiêu dành cho các trẻ em gái. Tuy nhiên, như giãi bày trong bài “Kết quả hai cuộc thi của Cậu Ấm” trên Cậu Ấm số 7 thì việc đó chưa làm được mà phải tính đến một giải pháp khác: “Nhưng xét ra cái tình thế ngày nay chưa để chúng tôi mạnh bạo cho ra riêng một tờ báo con gái, nên chúng tôi bất đắc dĩ phải tạm cho “Cô Chiêu” ra chung với “Cậu Ấm” bắt đầu từ số 13 ra ngày 15 Mai 1935”. Cũng ở Cậu Ấm số 7, báo đưa tin cho việc thực hiện ý định trên của mình, theo đó “Cô Chiêu sẽ ra thành phụ trương với Cậu Ấm bắt đầu từ số 13 ra ngày 15 Mai 1935”.
Thông tin này ứng với Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam khi sách này cho hay ở số 13, ra ngày 15.5.1937, báo đổi tên thành Cậu Ấm Cô Chiêu và kết thúc vào tháng 11.1937. Tuy nhiên Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam có sai lệch về số báo khi cho biết số cuối cùng là số 429, thực ra đó là số 129 được Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 xác nhận.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.