Sách xưa một thuở: Viết sách để... tranh luận

29/04/2023 07:06 GMT+7

Mục đích viết sách thực đủ đường, tùy vào mỗi người minh định. Các cuộc tranh luận văn nghệ liên quan đến tác giả, tác phẩm, quan điểm… diễn ra rộn ràng mạnh mẽ, có cả những tác phẩm được viết để phê bình… tác phẩm.

Nguyễn Triệu Luật phê Phan Trần Chúc

Ấn tượng về một số tác giả viết cho tuần báo Công dân, Vũ Bằng nhớ về Nguyễn Triệu Luật "tác giả Hòm đựng người, Bà chúa Chè, cũng nổi tiếng trên báo này vì những bài phê bình văn học, mà được lưu ý nhất là loạt bài đả Phan Trần Chúc". Loạt bài phê bình ấy, sau được xuất bản thành cuốn sách Ô. Phan Trần Chúc bôi nhọ quốc sử bán với giá 5 xu một cuốn vào năm 1939, do nhà in của báo Công dân ấn hành.

Sách xưa một thuở: Viết sách để... tranh luận  - Ảnh 1.

Sách Ô. Phan Trần Chúc bôi nhọ quốc sử của Nguyễn Triệu Luật

ĐÌNH BA

Ở tác phẩm này, Nguyễn Triệu Luật phê phán những điểm sai lạc của Phan Trần Chúc khi ông Chúc xuất bản cuốn Vua Hàm Nghi xuất bản năm 1935 do Nhà in Trung Bắc Tân Văn in. Lý do xuất bản sách, Nguyễn Triệu Luật nói rõ trong "Lời nói đầu": "Tôi có giận gì cái sức học ông Phan Trần Chúc, tôi chỉ giận ông đem sức học ấy mà bôi nhọ quốc sử thôi. Ấy cũng vì thế mà tôi muốn đem những bài ấy in thành sách. Ông đã rửa vết bùn làm mờ gương nghìn xưa thì nên rửa trước mặt nhiều người". Chỉ trong 30 trang, Nguyễn Triệu Luật đã chỉ ra nhiều lỗi sai của tác phẩm Vua Hàm Nghi.

Không chỉ sai về phương pháp viết sử, về tài liệu, mà ông Chúc còn có những cái lầm nghiêm trọng khi viết sử bị Nguyễn Triệu Luật vạch ra trong sách, trong đó có lỗi về sử dụng quốc văn; về kém chữ Hán; về lỗi dịch sai… "Trang 15: Người trong thời thường chê Thuyết… Ý chừng ông định nói người đương thời. Nếu có người trong thời thì tất lại phải có người ngoài thì nữa!" là một lỗi quốc văn Nguyễn Triệu Luật phê ông Chúc. Còn lỗi về Hán văn, sau đây là một ví dụ ông Luật chỉ ra: "Trang 93: Người ấy là phụ chánh Thân thần Nguyễn Văn Tường. Thưa nhà làm sử, người trong họ nhà vua làm phụ chánh thì mới gọi thân thần được Nguyễn Văn Tường có phải họ nhà vua? Tôn Thất Thuyết, hay gần đây, Tôn Thất Hân mới là Phụ chánh thân thần".

Sách xưa một thuở: Viết sách để... tranh luận  - Ảnh 2.

Sách Đại hài kịch Tiểu thư đi bộ của Lê Công Đắc phê phán phụ nữ tập thể thao

"Đầu xứ Tố" phê bình Nho giáo

Ngô Tất Tố dẫu là nhà văn, nhưng xuất thân cựu học, được mệnh danh là "đầu xứ Tố", đã không thể làm ngơ sau khi sách Nho giáo của Trần Trọng Kim được xuất bản. Năm 1940, Nhà in Mai Lĩnh xuất bản sách của Ngô Tất Tố mang tên Phê bình Nho giáo Trần Trọng Kim. Số lượng in sách tới 3.100 cuốn. Cái lý chính yếu cho việc phê bình Nho giáo, là bởi "đọc đi đọc lại đến hai, ba lượt, càng đọc càng bị thất vọng. Té ra trong bộ "Nho giáo" còn có nhiều chỗ khuyết điểm".

Ngô Tất Tố đã phê Trần Trọng Kim trong việc cẩu thả dùng tư liệu; đặt nhầm tư tưởng người khác làm tư tưởng Khổng Tử; dịch sai, hoặc thêm ý vào tác phẩm… Như việc dùng tài liệu, có những tài liệu tham khảo tác giả chọn không tinh: Khổng Tử gia ngữ, Kinh Thư, Kinh Lễ… là những sách còn đáng ngờ không nên dùng làm tài liệu để khảo cứu; một số ý của Tống nho, của Lương Khải Siêu trong Ẩm băng thất văn tập… bị lấy làm lời, làm ý Khổng Tử là không chính xác.

Sách xưa một thuở: Viết sách để... tranh luận  - Ảnh 3.

Nhà văn Ngô Tất Tố viết sách phê bình sách Nho giáo của Trần Trọng Kim

Lê Công Đắc theo Nguyễn Công Hoan cho hay trong hồi ức Nhớ gì ghi nấy là một trí thức Công giáo, về tính tình thì "anh này nổi tiếng gàn, nên tuy không bị ai ghét, nhưng hay bị trêu". Cái gàn của Lê Công Đắc đến nỗi Đắc ở trên một căn gác, ai muốn gặp thì ghi vào sổ ở dưới cầu thang để người làm mang lên. Chủ nhân muốn tiếp thì mời lên, chưa tiếp ngay thì ghi vào sổ hẹn, từ chối cũng ghi vào sổ nốt, thành ra có lúc hai bên tranh luận luôn qua sổ hẹn.

Cuộc đi bộ của cô Hoàng Việt Nga, được Bắc Kỳ thể thao số 1, ra ngày 4.11.1930 và các số sau tường thuật, cổ vũ. Sau cuộc đi bộ ấy, nhiều cuộc đi bộ của giới nữ, học sinh và thanh niên được tổ chức. Lê Công Đắc đã chê cô Hoàng Việt Nga cùng chị em phụ nữ nên viết sách Đại hài kịch Tiểu thư đi bộ được in năm 1931 tại Hà Nội bởi Đông Tây ấn quán. Trong "Tựa", tác giả rằng viết sách không có ý chỉ trích ai, chỉ "để cảnh tỉnh một phần nam nữ thiếu niên đã bỏ phí thì giờ về những việc đoảng vị vô ích, để ngăn ngừa các bạn thanh niên khác khỏi sai đàng lạc nẻo mà quá nghe để người ta lợi dụng". Việc luyện tập thể thao ở đàn bà con gái ở nước Nam khi mà máy móc thể thao luyện tập như phương Tây còn ít, việc làm ăn, nuôi sống bản thân và gia đình cần thiết nên phụ nữ phải lấy nữ công gia chánh làm chính, "thích đi bộ, thích thể thao thì ít, mà thích hư danh, quảng cáo, phô trương thì nhiều, khiến người ta dễ đường lợi dụng".

Đáp lại, trên nhiều báo đã chỉ trích Lê Công Đắc, như Trung tâm tuần báo số 4, ra ngày 7.11.1931 phê bình: "Ghét cay ghét đắng bọn phụ nữ tân tiến, ông Lê Công Đắc cho rằng các cô đi bộ làm hại phong hóa nước nhà, rồi ông ra sức bài trừ, công kích, nào phát truyền đơn, nào diễn kịch để mạt sát các cô đó. Ông làm hăng hái quá, tưởng như những cặp giò yếu đuối của các cô kia sắp đạp đổ cái đài phong hóa mà ông tốn công sây [xây] đắp". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.