Sách xưa một thuở: Thêm những đắm say

26/04/2023 07:00 GMT+7

Với các văn thi sĩ, sách là người bạn quý, là chất liệu cần thiết, là nguồn tri thức gieo mầm cho tình yêu văn chương, kiến thức của họ để về sau mở dần ra con đường chữ nghĩa của những người theo nghiệp viết.


Gặp sách gì cũng đọc

Lê Văn Trương là tác giả có tên tuổi, được nhiều nhà xuất bản (NXB) săn đón, và số lượng in sách của ông thường cao hơn tác giả khác. Ông viết nhiều, xuất bản nhiều, và theo Ngọc Giao ghi trong Hà Nội cũ nằm đây thì Lê Văn Trương là người siêng đọc sách, nghiên cứu sâu văn học Pháp từ thế kỷ Ánh sáng. Tuy nhiên, ông khiêm tốn, không khoe sách trong khi đàm đạo, chuyện phiếm với bạn bè khi nói về văn học.

Sách xưa một thuở: Thêm những đắm say - Ảnh 1.

Nhà văn Lê Văn Trương là người siêng đọc sách

ĐÌNH BA

Thy Ngọc, ở tuổi chưa đến 18 đã có tác phẩm Vỡ đê viết cho thiếu nhi, được in tại NXB Cộng lực năm 1943. Ngay từ nhỏ, Thy Ngọc đã đọc nhiều sách, "ban ngày, tôi thường ngồi đọc sách, báo chỗ có đặt chiếc chõng tre thấp, nhỏ ở hiên sân, lối xuống bếp". Có những cuốn đọc đến thuộc nội dung cốt truyện như tác phẩm dày cộp Vô gia đình của Hector Malot.

Khi đọc cọp tại nhà sách Hương Giang của Hải Triều ở Huế lúc mới chỉ là cậu học sinh, Tố Hữu lúc ấy với tên thật Nguyễn Kim Thành, đã đọc rất nhiều sách mà ông còn điểm tên rõ ràng trong hồi ký Nhớ lại một thời như: Người mẹ (M. Gorki), Thép đã tôi thế đấy (Ostrovsky), Khói lửa (Barbusse), Mười ngày chấn động hoàn cầu (John Reed), Gót sắt (Jack London)… lại đọc cả Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Tư bản… Hai hiệu sách Kim Thành thường lui tới khi đi học là hiệu Hương Giang của Hải Triều và hiệu sách Thuận Hóa của Lê Duẩn.

"Bọn học sinh chúng tôi được nghỉ chiều thứ năm và ngày chủ nhật. Cứ có thời gian là đến hiệu sách vùi đầu vào đọc. Chúng tôi cảm thấy những điều trong sách như mở ra một chân trời mới", Tố Hữu đã tâm sự như thế trong hồi ký của mình. Những tác phẩm Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Kép Tư Bền, Giông tố… Nguyễn Kim Thành đã đọc qua, và học cách diễn đạt ngôn ngữ hiện đại, cái nhìn hiện thực của những tác phẩm này cho nghiệp viết của mình.

Với Vũ Bằng, gần như một đời dành cho báo chí, việc đọc sách cũng là chất liệu quan trọng để ông khoe ngòi bút trên các tờ nhật trình. Khi còn đi học tại Trường Albert Sarraut, vì học văn chương Pháp, nên nhiều sách Pháp được Vũ Bằng tìm xem. "Tôi bắt đầu đọc Alexandre Dumas, André Theuriet, Guy de Maupassant, Flaubert… từ hồi đó và nhớ rằng có hai cuốn làm tôi rung cảm nhất là Les feuilles mortes của André Theuriet thì do Trần Mai giới thiệu, còn cuốn Manon Lescaut thì do Lê Khắc Quyên giới thiệu". Khi báo trào phúng Vịt đực đình bản giữa năm 1939, Vũ Bằng đã tìm đến sách giải khuây, "đọc các tác phẩm của Dostoevsky, Simenon, Vicky Baum… Các tác phẩm của Dostoevsky ảnh hưởng đến óc tôi hết sức sâu rộng: lần lần, lòng tôi bớt chua chát, và cảm thấy chỉ có sự yêu thương và tha thứ mới đem lại một ý nghĩa cho cuộc đời […] Đọc sách báo Pháp mãi chán, tôi tìm đọc thơ của Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh, Hàn Mặc Tử".

Sách xưa một thuở: Thêm những đắm say - Ảnh 2.

Les Misérables quyển thứ Nhứt, tức Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo được Nguyễn Văn Vĩnh dịch, bản in lần thứ hai năm 1930

Đọc để giải khuây

Định danh với bộ tác phẩm phê bình văn học Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan cũng là người yêu sách, ham đọc từ nhỏ. Không chỉ là sách khai tâm như loại Tam tự kinh, theo thời gian, Vũ Ngọc Phan say mê Thủy hử, Đông Chu liệt quốc, Chiêu quân cống Hồ của Trung Hoa, cho đến Mai Nương lệ cốt, Miếng da lừa của phương Tây hay Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc của văn học Việt. Vũ Ngọc Phan đã tản mạn kể việc đọc của mình thời thanh niên như thế, trong hồi ký Những năm tháng ấy. Đến khi lập gia đình, đã trưởng thành hơn, họ Vũ lại tìm đọc những sách nói về Cách mạng tư sản Pháp…

Rất nhiều sách tiếng Pháp được Vũ Ngọc Phan tìm mua tại cửa hàng sách Taupin, IDEO, và cả mượn tại Thư viện Trường Viễn Đông Bác cổ. Tại thư viện này, Vũ Ngọc Phan đã đọc Thần khúc (Dante), Don Quichotte (Cervantès), Những truyện kỳ quái (Hoffmann), Truyện kỳ lạ (Edgar Poe)… Thậm chí dự cả đấu giá sách cũ để mua bộ Anna Karenina in năm 1931 với giá 2 đồng. Từ bộ sách kia, Vũ Ngọc Phan đã dịch bộ An-na Kha-lệ-ninh do NXB Đời Nay in.

Viết sách từ trước 1945, nhưng tên tuổi của Nguyễn Hiến Lê phải dạo 1954 - 1975 mới nhiều người biết. Để có được vốn kiến thức sâu rộng nhiều lĩnh vực, ngay từ nhỏ, Nguyễn Hiến Lê đã chăm đọc sách, tự học ngoại ngữ. Trong hồi ký của mình, ông kể lại những tiểu thuyết Pháp loại rẻ tiền của nhà Hachette giá hai xu một cuốn, những sách của Victor Hugo do Nguyễn Văn Vĩnh dịch như Les Misérables, Notre Dame de Paris… được đọc dạo năm 1926 khi học tại Trường Trí Đức.

Văn học Trung Quốc cũng được Nguyễn Hiến Lê để ý như Văn tâm điêu long, Chiêu Minh văn uyển, Tiền Xích Bích phú, Quy khứ lai từ… Lại để học chữ Hán, năm 1934, cậu học trò làm bạn với bộ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh xuất bản 1932. Rồi lại đọc những sách chữ Hán để luyện như bộ Tam quốc chí in thạch bản… Khi làm việc ở Hậu Giang trước 1945, thời gian rảnh Nguyễn Hiến Lê lấy sách báo làm bạn. Nào truyện trinh thám của Conan Doyle, sách của Tolstoi, sách Phật học, Thông thiên học, rồi cả Mạnh Tử, Ẩm băng thất, Cổ văn quan chỉ cho đến Nho giáo của Trần Trọng Kim...

Trong ký ức Rễ bèo chân sóng của Vũ Bão, ông còn nhớ khi được mẹ đưa về quê ngoại ở Thanh Hóa đã mê say tủ sách của cậu Cát, người em của mẹ. Trong tủ sách ấy "có nhiều sách của các nhà văn đương thời: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, những tiểu thuyết phiêu lưu, kinh dị của Lan Khai, Tchya, những tiểu thuyết tâm lý xã hội của nhóm Tự lực văn đoàn".

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.