Sách xưa một thuở: Một thú phong lưu

25/04/2023 06:37 GMT+7

Sách đến với độc giả phổ thông được chăm chút nội dung và hình thức. Lại để phục vụ một bộ phận những độc giả yêu sách, có nhu cầu sưu tầm, lưu giữ, những bản sách đặc biệt được thực hiện.

Đặc biệt nhiều tiêu chí

Nửa cuối thế kỷ 19, kỹ thuật in chữ rời cải tiến mạnh mẽ ngành xuất bản, kỹ thuật đóng, làm bìa sách từ Pháp tác động đến sách Việt. Thú chơi sách bản đặc biệt cũng từ đó mà khởi phát. Thời gian 1945 về trước, ở Việt Nam đã có nhiều bản in đặc biệt. Qua các bản sách được in, thấy rằng phải từ đầu những năm 1940, việc làm sách bản đặc biệt mới thành một trào lưu cho những tác phẩm, tác giả tên tuổi, có giá trị văn học phần nhiều.

Viết về món chơi sách, Nguyễn Công Hoan ghi: "Thời này, người ta đã biết chơi sách. Sách in bằng giấy quý, có chữ ký của tác giả, thì bán giá cao hơn". Ông có đề cập sách đặc biệt Thơ thơ in năm 1938 dạng sách mỹ thuật, ngoài 1.000 bản thường có thêm 128 bản bằng các chất giấy tốt. Vậy là thời điểm được đề cập là nửa cuối những năm 1930. Trước đó, ngay năm 1930, sách kịch Cô đốc Minh (Vi Huyền Đắc, Thái Dương văn khố) đã có in thêm bản giấy tốt ngoài những bản thường, "Sách này in 20 quyển bằng giấy tốt đóng số từ 1 đến 20 và 1.000 quyển bằng giấy thường", ông viết. Những năm 1930, cũng đã có sách bản đặc biệt. Cuốn Tạ Thu Thâu từ quốc gia đến quốc tế (Nguyễn Văn Đính, Sáng xuất bản, Chợ Lớn, 1939) in 1.000 bản giấy thường, thêm 50 cuốn giấy blanc neige không bán đánh số 1 đến 50.

Sách xưa một thuở: Một thú phong lưu - Ảnh 1.

Sách kịch Cô đốc Minh của Vi Huyền Đắc in thêm 20 cuốn giấy tốt ngoài bản thường

Tiêu chí sách đặc biệt thực đa dạng. Đó có thể là đặc biệt ở bìa da, bìa cứng so với bìa thường; là chất giấy tốt, giấy thượng hạng; là thêm phụ bản mà bản thường không có; là sách được đánh số, có chữ ký dịch giả, tác giả, có triện son… Có ấn phẩm dùng kết hợp đủ kiểu từ đánh số La Mã, đánh chữ cái, dùng dấu triện, chữ ký, thậm chí là chân dung tác giả.

Ấn phẩm thơ Đầy vơi (Đái Đức Tuấn, Nhà xuất bản Mới, 1943) là một trường hợp dị biệt. Đầy vơi in 369 bản và đều có chủ, dù là vô danh hay hữu danh, thậm chí là dành cho cả người quá cố, yểu mệnh. Có 2 trang được dành để in danh sách cụ thể các loại bản Đầy vơi, có đoạn "… 2 bản nữa đánh dấu "THÌ ĐÂY THI TẬP ĐỨA CON TA" của riêng nhà xuất bản có lời tặng của tác giả, không bán; 3 bản sau đánh dấu P. T., H. T. C. và D. V. C. đốt cho người quá cố" […] "1 bản riêng biếu Xuân Thu đánh dấu "ĐOÀN PHÚ TỨ", 16 bản đánh dấu từ A đến P để dành cho những người thân và các bạn văn…". Có những bản đặc biệt thật kỳ công. Thi phẩm Mây (Vũ Hoàng Chương, NXB Đời Nay, 1943) trong số những bản đặc biệt có bản đặc biệt sẽ có phụ bản tranh của Đinh Hùng, Nguyễn Đức Nùng, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Đỗ Cung và chỉ có một bản duy nhất.

Sách xưa một thuở: Một thú phong lưu - Ảnh 2.

Tập thơ Đầy vơi được in 369 bản

Bản đặc biệt chú trọng nội dung

Bản đặc biệt xưa khác bản thường những gì? Có thể tìm hiểu dẫn chứng qua một vài bản đặc biệt để thấy, xưa chú trọng sự khác biệt trọng tâm ở nội dung. Cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân (NXB Thời Đại, 1943). Đây là bản in lần thứ hai sau bản in lần đầu năm 1940 của NXB Tân Dân. Bản 1943 đặc biệt ở chỗ kèm phụ bản, minh họa của Nguyễn Đỗ Cung, những đoạn kiểm duyệt bị bỏ trong lần in 1940 được bổ sung, in trên giấy dó.

Theo Thú chơi sách, bản đặc biệt "in giấy đẹp có chữ ký của tác giả thêm đánh số thứ tự hẳn hoi, sách ấy có khi tác giả chừa để tặng thân bằng trí thức, hoặc dành riêng cho hạng chơi sách kén, đã ký quỹ đặt trước. Số in đã ít, giá tiền lại cao". Đó là những điểm mà bản thường không có được.

Sách xưa một thuở: Một thú phong lưu - Ảnh 3.

Tranh minh họa của Nguyễn Đỗ Cung trong Vang bóng một thời bản in năm 1943

ĐÌNH BA

Bức tranh quê xuất bản năm 1941 được trình bày bởi danh họa Tô Ngọc Vân, là sách mỹ thuật. Khi in thêm 65 bản đặc biệt, ngoài việc đánh số, chất giấy và có chữ ký tác giả, những bản đặc biệt này thêm phần giá trị khi có thêm 4 bức họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân đi kèm. Anh Thơ đã bày tỏ cảm xúc của mình: "Đặc biệt hơn các tập khác là bốn bức tranh minh họa của giáo sư họa sĩ Tô Ngọc Vân. Tôi thích cả bốn bức, mỗi bức một vẻ. Nhưng tôi chú ý đặc biệt một bức vẽ hai cô gái quê khỏe mạnh, đầu đội khăn vàng hương, tay ôm váy, nếp váy hình lưỡi trai mềm mại bay theo hướng những dải lụa phấp phới niềm vui của các cô. Nét vẽ bay bướm và rất nghịch ngợm".

Sách đặc biệt giá bán cao hơn so với bản thường. Thậm chí, có độc giả đặt tiền trước để mua trước khi nó được xuất bản. Cuốn Thơ thơ của Xuân Diệu in năm 1938. Khi thông tin về 128 bản đặc biệt, NXB Đời Nay ghi. "63 bản Chamois dành riêng cho bạn đặt tiền trước, đánh số từ C1 đến C63…". Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị (Huế) xuất bản năm 1942 in 5 bản đặc biệt giá tiền 100 đồng; 40 bản giấy nhiễu giá 20 đồng; 200 bản giấy lụa T.N. giá 7 đồng; 1.000 bản giấy lụa S.T. giá 5 đồng.

"Đó là một bảo vật trong văn phòng các tay phong lưu, giấy in tuyệt hảo, chữ rõ rệt đậm đà, người xem không mệt mắt, sở hữu chủ cầm nó trên tay thêm được thú vui mân mê thưởng thức một công trình đến nơi đến chốn của nghề ấn loát, khác nào nhà chơi cổ ngoạn nhồi giỡn với một kỳ trân bảo ngọc", Vương Hồng Sển nhận xét. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.