Nhuận bút tính theo trang, theo dòng
Nguyễn Công Hoan chia sẻ sự cộng tác giữa nhà xuất bản (NXB) và tác giả, dịch giả theo ba phương cách. Cách thứ nhất là tác giả, dịch giả bán bản quyền cho NXB, thường gặp do tác giả, dịch giả gia cảnh túng thiếu như Vũ Trọng Phụng, Lan Khai… Tô Hoài còn nhớ, Nam Cao bán truyện Một đời người cho NXB Cộng lực, được ứng trước 80 đồng. Tuy nhiên, truyện này không qua được ải kiểm duyệt nên không thể xuất hiện với đời.
Khi bán tác quyền, họ thường bị ép và phải bán rẻ. Do đó, cuốn nào ăn khách in số lượng lớn, hoặc tái bản, tác giả chỉ có nước tiếc ngẩn tiếc ngơ. Tản Ðà bán Khối tình con quyển thứ Nhất cho nhà Thuận Thành Ký, Ngô Tất Tố bán bản quyền cuốn Tắt đèn cho nhà Mai Lĩnh. Nhà Thuận Thành Ký in tới một vạn bản cuốn của Tản Ðà; còn Tắt đèn theo thông tin ghi trên bìa 4 bản 1939 của Nhà in Mai Lĩnh, sách được in số lượng 3.000 bản.
"Mỗi dòng 14 chữ, mỗi trang 32 dòng, giá mỗi trang 8 hào", đó là cách tính nhuận bút của nhà Tân Dân đối với các tác giả. Món tính dòng ăn tiền này Ðinh Hùng có đề cập rằng: "Công việc bán chữ đã được kỹ nghệ hóa tới cái độ "tính dòng ăn tiền", rồi lại tới chỗ "đếm chữ tính tiền", để phòng ngừa các nhà văn cao hứng ưa xuống dòng, theo thể văn đối thoại, mỗi dòng buông lửng có một, hai chữ".
Ngọc Giao đã chia sẻ tường tận trong Hà Nội cũ nằm đây. Nhiều người viết cho Tân Dân cứ mãi phải ăn nhuận bút mức ấy, đã họp lại rồi kiến nghị với ông Long phải tăng món tiền nhuận bút, "kết quả vô cùng rực rỡ: bản yêu sách được chấp nhận ngay: đang từ tám hào một trang khổ giấy học trò (32 dòng, mỗi dòng đủ 14 chữ), vụt nhảy lên một đồng hai". Cuộc "nổi loạn" ấy, diễn ra thắng lợi năm 1939, trước khi Vũ Trọng Phụng mất.
Việc tính nhuận bút, mỗi NXB một kiểu. Khi Vũ Ngọc Phan đem bản thảo Châu đảo, dịch của Robert Louis Stevenson đến cho Bùi Xuân Như, chủ NXB Cộng lực, ông Như nhận lời xuất bản với thỏa thuận "nhuận bút sẽ là 30 đồng, có thể ứng trước một nửa cho người dịch, tức 15 đồng, ông in ít nên không thể trả cao được. Hạn một năm, nếu NXB không in thì sẽ mất số tiền tạm ứng và phải trả lại bản thảo cho dịch giả". Vũ Ngọc Phan nhận lời vì đang túng bấn. Qua hơn một năm, Cộng lực vẫn chưa in Châu đảo, Vũ Ngọc Phan lấy lại bản thảo và chuyển cho NXB Ðời Nay in thành 2 tập năm 1944 - 1945, mỗi quyển số lượng 2.500 bản. Nhuận bút nhận được tới gần 400 đồng.
Cùng nhau chia lãi
Cách tiếp theo là NXB in một số lượng nhất định và trả nhuận bút cho tác giả theo số lượng in, thường là 10% tính theo giá bìa và số lượng bản in, thậm chí có tác giả chỉ được 5-6%. Nhà văn Nguyễn Công Hoan lưu ý rằng, với cách này, NXB phải thật thà, vì tác giả không thể kiểm soát, đối chứng được xem NXB in số lượng nhiều ít thế nào so với thông tin mà mình nắm. Theo ông: "Chứ nói in 3 nghìn, mà họ in 5 nghìn, thì tác giả biết đâu. Ðối với nhà văn mà họ cần giữ, thì họ không giám [dám] gian dối". Với 2.066 bản in tập thơ Bức tranh quê, dung lượng 74 trang, nhuận bút Anh Thơ nhận được từ NXB Ðời Nay là 300 đồng. Một số tiền khá lớn thời điểm năm 1941, với nữ tác giả in tác phẩm đầu tay.
Một cách hợp tác nữa giữa hai bên, là NXB và tác giả cùng bắt tay, tác giả được chia lãi trên 20% giá bán sách. Ở đây, NXB phải tính các chi phí tiền in ấn, vận chuyển, hoa hồng bán sách cho đại lý. Nhưng để lấy được 20% phần chia, tác giả phải chờ khi sách bán xong thì mới được nhận. "Có khi đại lý nói dối NXB. Có khi NXB nói dối tác giả. Họ giữ tiền để làm việc khác", tác giả Tấm lòng vàng chia sẻ.
Lại có trường hợp tác giả chỉ cần được NXB in sách là đã thấy vui, mãn nguyện dù không được trả nhuận bút, chỉ là nhận về một ít sách mà thôi. Bàng Bá Lân mở NXB Sông Thương ở Phủ Lạng Thương, đã mở hàng xuất bản tập thơ Xưa đồng tác giả với Anh Thơ năm 1941. "Khoảng cuối năm, tôi nhận được mấy chục bản quyền tác giả. Tiền nhuận bút thì không có, tôi cũng chả quan tâm vì tôi đang lo viết tiếp một chuyện dài về mẹ tôi", Anh Thơ nhớ việc ấy qua hồi ký Từ bến sông Thương.
Kết lại mối quan hệ hợp tác giữa các bên, hồi ức Nhớ gì ghi nấy chép: "Cho nên, ngày trước, nếu ba người (người viết văn, người xuất bản, người đại lý) nếu cần đến nhau; và thật thà với nhau, thì tựa được vào nhau mà cùng sống. Nếu không cần đến nhau, không thật thà với nhau, thì thế nào cũng có một anh chết". (còn tiếp)
Bình luận (0)