Sách xưa một thuở: Sách này tặng kẻ tri âm

24/04/2023 07:36 GMT+7

Thảng trên sách, ta lại có thể bắt gặp lời đề tặng của tác giả in tặng ai đó khi cuốn sách ra đời. Cái sự đề tặng ấy chứa đựng phía sau nó những mối thâm tình, những sự việc mà ta có thể biết được khi có sự tỏ bày. Nhưng cũng có những lời đề tặng chỉ có tác giả, dịch giả mới tường tận, khi họ là người trong cuộc.

Lời ơn xin gửi

Khi tiểu thuyết Làm đĩ được Nhà in Mai Lĩnh xuất bản năm 1939, trước trang "Mấy Lời của Nhà xuất bản" là trang lời đề tặng của nhà văn Vũ Trọng Phụng dành cho Phan Khôi: "Kính tặng PHAN KHÔI TIÊN SINH Nhà văn sĩ thành thực đáng gọi là "có một không hai" ở cái xã hội nhiều dã tâm". Nguyên cớ cho lời đề tặng này, được "Mấy Lời của Nhà xuất bản" trang sau bày tỏ rõ.

Bởi Làm đĩ trước khi in thành sách đã đăng trên báo Sông Hương của Chủ nhiệm Phan Khôi. Sau khi tác phẩm đến với độc giả, nhiều thư từ của nhà văn, nhà báo gửi tới phản đối; hồi ký Bốn mươi năm "nói láo" cho biết Vũ Trọng Phụng "đã lên tiếng trả lời rất vững, kèm theo nhiều chứng cớ và tài liệu rất "búa" làm cho một linh mục phải nhận là anh có lý". Phan Khôi thì đứng ra bảo vệ tác phẩm, có thư phản hồi lại thư phản đối của Chủ bút báo Vì Chúa. Cảm ân tình ấy, Vũ Trọng Phụng đã trang trọng in lời tặng tới Phan Khôi khi Làm đĩ được xuất bản.

Sách xưa một thuở: Sách này tặng kẻ tri âm - Ảnh 1.

Đông Hồ đề tặng con gái Mỹ Tuyên khi viết Linh Phượng

ĐÌNH BA

Tam Lang Vũ Đình Chí thì đề tặng Bùi Xuân Học, Chủ bút của Ngọ báo, khi phóng sự Tôi kéo xe được in thành sách do Nhà in Mai Lĩnh thực hiện. Lời đề tặng như sau: "Kính tặng Ông Bùi Xuân Học, Chủ nhiệm Ngọ Báo, người đã đội lên đầu tôi chiếc nón phu xe kéo". Chính trong thiên phóng sự này, tác giả đã làm rõ cho độc giả biết động lực để mình điều tra thực tế đời sống phu kéo xe bằng cách nhập vai phu xe kéo chính từ lời khích lệ của Chủ bút Bùi Xuân Học để phát huy năng lực ngòi bút tả chân của Tam Lang, và nhờ đó thiên phóng sự Tôi kéo xe lên Ngọ báo gây được tiếng vang lớn, cho độc giả biết hoàn cảnh cơ cực, bị bóc lột sức lao động và sống bằng đồng tiền công còm cõi của phu xe kéo.

Một lối đề tặng nữa, là dành cho người thân mà nhiều văn thi sĩ hay thể hiện. Tác phẩm Linh Phượng của Đông Hồ được nhà Nam Ký in năm 1934. Ngay bìa 1 có dòng chữ đề dưới tên sách "Viết để lại cho con gái yêu Mỹ Tuyên". In lời đề tặng người thân còn bắt gặp ở nhiều sách. Cuốn Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại in năm 1942, tác giả tặng em trai mình với dòng chữ tình cảm: "Tặng xá đệ Trần Thanh Địch mà công lao trong việc trứ tác quyển sách này chỉ có cái tình vô lượng của chàng đối với Hàn Mạc Tử mới sánh kịp".

Sách xưa một thuở: Sách này tặng kẻ tri âm - Ảnh 2.

Lời đề tặng của Vũ Trọng Phụng trong tác phẩm Làm đĩ dành cho Phan Khôi

Nhờ gió gửi hương

Lại có những cuốn sách tác giả dành tặng cho những người đã khuất dù họ bình dân hay có danh tiếng. Tố Mai nghĩa đời người của Đoàn Tâm Đan do Hương Tuyết xuất bản năm 1935, đầu sách là trang in lời đề tặng "Kính tặng hương hồn Bà giáo Nguyễn Thị Nội tức là Bà Kỹ sư Tống Nguyễn Lễ người đàn bà có nhân cách đáng trọng mất ngày 25-4-1935". Trang sau là bài ngắn "Kính tặng hương hồn bà Tống Nguyễn Lễ", người đã động viên tác giả trên đường văn chương, và cũng là người tác giả định đưa sách cho đọc để là độc giả đầu tiên nhưng lỡ duyên khi bà đột ngột mất.

Đề tặng người thân đã mất cũng là lối thường ở nhiều tác phẩm. Chuyện Hà Nội của Vũ Ngọc Phan, Bách Việt xuất bản năm 1943 tặng hai người chị đã mất; tiểu thuyết Răng đen của Anh Thơ do Bách Việt xuất bản năm 1942 kính tặng người mẹ quá cố... "Kính dâng hương hồn thân phụ và Bào huynh Bùi Văn Tròn" là lời đề tặng in trong tác phẩm Danh nhân Bình Định của Trúc Lâm Bùi Văn Lăng xuất bản năm 1942 do Nhà in Thụy thực hiện. Ở sách thơ Mùa cổ điển năm 1939, Quách Tấn đã in dòng chữ "Kính dâng hương hồn song thân. Kính tặng hương hồn Tản Đà và Hàn Mạc Tử". Tản Đà là nhà thơ lớn viết lời đề tựa cho cuốn Một tấm lòng của Quách Tấn xuất bản cũng năm 1939 trước khi ông mất; còn Hàn Mặc Tử là bạn thân của Quách Tấn.

Sách xưa một thuở: Sách này tặng kẻ tri âm - Ảnh 3.

Lời đề tặng in trên trang tên sách Cô gái xuân của Đông Hồ

Sách xưa một thuở: Sách này tặng kẻ tri âm - Ảnh 4.

Lời đề tặng của San Hô trên sách Nhật ký tuyệt thực 9 ngày rưỡi một cuộc tranh đấu của tù chính trị Côn Lôn

Sự đề tặng chỉ riêng người tặng biết dành cho ai cũng bắt gặp ở nhiều tác phẩm. Đông Hồ khi in sách Cô gái xuân do Vị Giang văn khố ở Nam Định xuất bản năm 1935 đã in lời đề tặng tại trang tên sách chứa nhiều ẩn tình "Riêng tặng một bạn gái, NGUỒN THƠ của tác giả: ĐÔNG HỒ"; tập thơ Hương cố nhân do Á Châu ấn cục xuất bản năm 1941, Nguyễn Bính dành tặng Hương mà tác giả gọi là "cố nhân".

Với sách làm việc nghĩa cả vì xã hội, lời đề tặng mang tính quảng đại, rộng rãi hơn. Nhật ký tuyệt thực 9 ngày rưỡi một cuộc tranh đấu của tù chính trị Côn Lôn do nhà Sự thực xuất bản 1939, tác giả San Hô có lời đề tặng tới 4 đối tượng là ông Francis Jourdain (nghị viên), bà Andrée Viollis (tác giả sách Đông Dương S.O.S), Hội cứu tế bình dân Pháp, các tầng lớp dân chúng Đông Dương đấu tranh đòi ân xá chính trị phạm, những người đã giúp đỡ chính trị phạm dịp tết.

Nhưng cũng có lúc, trên một vài cuốn sách, có những lời đề tặng rất riêng biệt không "đụng hàng", theo lối mòn thường thấy. Vũ Trọng Phụng đã tặng những bà chiếm phần thưởng về tiết, hạnh trên báo Phụ nữ Tân văn trong lời đề tặng trên sách kịch Không một tiếng vang xuất bản năm 1934. In tiểu thuyết Hầu thánh năm 1944, tác giả Lộng Chương "Tặng các bà đồng non và các cô tấp tểnh ra đồng". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.