Sách xưa một thuở: Gu đọc của độc giả

27/04/2023 07:04 GMT+7

Xu hướng, thị hiếu của độc giả đối với sách theo thời gian có những thay đổi. Điều đó, phụ thuộc vào tác giả, tác phẩm, hoặc theo trào lưu, thậm chí là theo dòng chảy lịch sử, chính trị nữa.

Từ tiểu thuyết Tàu đến tiểu thuyết ba xu

Đầu thế kỷ 20, trào lưu tiểu thuyết Tàu chiếm ưu thế, các bản dịch được xuất bản nhiều, đăng trên các báo theo kiểu chương hồi dài kỳ, xuất bản thành sách và phát hành khắp ba kỳ. Anh Thơ khi chưa đoạt giải thưởng Tự lực văn đoàn đã mở tiểu thuyết Tàu mà đọc. "Rỗi rãi, tôi lục sách của cô tôi ra đọc. Nào Tái sanh duyên, Song phượng kỳ duyên, Anh hùng náo, Tục anh hùng náo, nào Tây du, nào Đông chu liệt quốc… Tôi đọc nghiến ngấu đêm ngày". Tô Hoài, Huy Cận, Nguyễn Huy Tưởng… đa phần đã đọc qua nhiều tiểu thuyết Tàu thời trẻ.

Độc giả sính tiểu thuyết Tàu khiến cho Phạm Quỳnh năm 1918 phải xem đây là vấn nạn của văn học Việt khi cho rằng những tiểu thuyết ấy tiêm nhiễm đầu óc, thần trí người ta mà hành động sai lạc. "Không trách cái tư tưởng quốc dân những chìm đắm trong sự mê hoặc không cùng, có khi sinh ra những việc xuẩn động hại đến cuộc trị an trong xã hội cũng vì đó".

Sách xưa một thuở: Gu đọc của độc giả - Ảnh 1.

Tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc cuốn I do [Á Nam] Trần Tuấn Khải dịch, được xuất bản năm 1926

Thị hiếu độc giả thì gu đọc sách mỗi người một khác nhau, tùy độ tuổi, tùy thời điểm nữa. Vũ Bão khi còn đi học, đã cùng bạn bè mê mệt những tiểu thuyết kiếm hiệp, trinh thám mà ông giải thích rằng "té ra văn chương cũng là một loại ma túy, đầu tiên ngồi ngửi thấy thơm thơm, mê mê rồi cuối cùng sà vào hút hít thật sự". Vì mê mệt đọc toàn những truyện chưởng, trinh thám mạo hiểm nên những cậu học trò cứ theo đọc mãi, bất chấp văn chương hay dở: "Lũ học trò chúng tôi lúc đầu đọc truyện kiếm hiệp, truyện trinh thám thấy thích, thích rồi mê, mà đã mê ông nào thì dù ông ấy viết nhôm nhoam như cơm nếp nát, mình cũng phải cố mà đọc […] Chúng tôi cũng đã từng đọc Người nhạn trắng, Dao bay, Lệ Hằng với chí phục thù, Bồng Lai hiệp khách, Giao Trì hiệp nữ… đọc hết tập một y như rằng lại ngóng chờ đến tuần sau mua tập hai".

Giữa thập niên 1930, làng sách nổi lên món tiểu thuyết ba xu khuynh đảo thị trường. Những sách này xuất bản thành tập mỏng mười mấy trang, chia nhiều tập đánh vào tâm lý tò mò, đón đợi của độc giả, giá ba xu chỉ bằng bữa ăn sáng bình dân. Nhiều NXB, thậm chí là hiệu thuốc cũng lập NXB để in, bán tiểu thuyết ba xu và… quảng cáo thuốc. Lấy Bảo Ngọc văn đoàn làm ví dụ. Đơn vị này xuất bản Chuyện Đề Thám của Thanh Vân năm 1935 chia làm 6 số, mỗi số in 10.000 bản, cho thấy tiểu thuyết ba xu thu hút một lượng lớn độc giả.

Tệ tiểu thuyết ba xu khiến nhiều người trong nghề phải than vãn vì làm mất nhân cách nhà văn, mà có những tác phẩm, lại vô giá trị. Đại diện NXB Đông Dương lên tiếng phê phán: "Gần đây nhiều người phàn nàn gay gắt về những cuốn sách nhỏ bán 2, 3 xu của những nhà văn sĩ mà người ta gọi là "văn sĩ ba xu". Các báo chí đã phô bầy rõ trong nhiều bài cái vô giá trị của những cuốn sách ấy về phương diện văn chương cũng như về phương diện tư tưởng".

Sách xưa một thuở: Gu đọc của độc giả - Ảnh 2.

Chuyện Đề Thám của Thanh Vân thuộc dòng tiểu thuyết ba xu, xuất bản năm 1935

Đọc sách theo thời

Thời gian nửa cuối thập niên 1930, với ảnh hưởng của Mặt trận Bình dân Pháp, phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ ở Đông Dương, bên cạnh các sách văn học luôn chiếm ưu thế, mảng sách chính trị đã được xuất bản nhiều hơn trước. Muốn thành chiến sĩ nghiệp đoàn An Hải dịch, xuất bản năm 1937; Âu châu chiến tranh hay hòa bình Thạch Đài dịch, xuất bản năm 1937; Một dự án cải cách thuế thân của Qua Ninh và Tô Dân xuất bản năm 1938… là một số sách như vậy.

Vũ Ngọc Phan lưu ý, những năm 1940 - 1945, tiểu thuyết là sách bán chạy hơn các thể loại khác. Do chiến tranh, sách từ Pháp không nhập vào Đông Dương được, người Pháp ở Việt Nam đọc thêm cả sách Việt ngữ.

Sách xưa một thuở: Gu đọc của độc giả - Ảnh 3.

Sách Âu châu chiến tranh hay hòa bình xuất bản năm 1937

ĐÌNH BA

Sau khi Nhật đảo chính Pháp đầu tháng 3.1945, nhiều sách dạy tiếng Nhật được xuất bản. Sách tiếng Nhật trở thành mặt hàng ưu thế. Vũ Bằng còn nhớ "sách Nhật ngữ thực hành bán chạy như tôm tươi". Vũ Bão trong hồi ký Rễ bèo chân sóng cũng cho biết sau khi quân Nhật vào Hải Phòng "lác đác trong thành phố đã có vài lớp dạy tiếng Nhật. Trên các quầy sách báo đã xuất hiện Tiếng Nhật thực hành, Học cấp tốc tiếng Nhật. Không chỉ thời điểm sau tháng 3.1945, mà ngay từ sau khi Nhật vào Đông Dương năm 1940, đã có nhiều sách học tiếng Nhật được xuất bản: Nhật ngữ độc bản do Nam Thiên thư cục xuất bản năm 1942; Nhật ngữ độc học do Nguyễn Mạnh Bổng soạn, NXB Nam Sơn ấn hành năm 1942; Học nói tiếng Nhựt một mình xuất bản năm 1942; Nói tiếng Nhật của Đạo Nguyên xuất bản năm 1942…

Việc đọc sách, không phải cứ muốn đọc là được. Những cuốn sách bị nhà nước cấm mua, lưu trữ thì trở thành sách cấm không được sở hữu, nếu bị phát hiện dễ bị quy tội. Trong trường học, học sinh phải đọc sách theo quy định. Sơn Nam khi học ở Cần Thơ còn nhớ "khôi hài nhất là giờ ôn bài tự do, lại cấm đọc sách chữ Việt, hễ muốn thì phải trình với vị giáo sư Việt văn để xin duyệt cho phép đọc". Đây là biện pháp phòng xa của người Pháp lúc ấy mà vẫn theo lời Sơn Nam là "tôi hiểu là muốn cấm các tựa sách mang tính chính trị, trực tiếp hoặc gián tiếp chống thực dân. Thỉnh thoảng, các vị giám thị cũng bắt gặp vài quyển, cảnh cáo hoặc đưa lên hội đồng kỷ luật, học sinh có thể bị đuổi, mặc dầu các sách ấy đã bán tự do ở hiệu sách ngoài chợ". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.